Lạm bàn về lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn lao động tại một công trình ở huyện Ba Vì

Tai nạn lao động luôn là vấn đề nhức nhối trong thi công các công trình xây dựng. Hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, thu nhập của người lao động. Ở ý nghĩa rộng hơn, việc để xảy ra tai nạn lao động còn gây ra những tác động tiêu cực tới uy tín doanh nghiệp và làm tăng gánh nặng cho xã hội. Vậy nhưng thực tế cho thấy, dù là ở công trình nhỏ hay công trình có quy mô lớn, vấn đề an toàn lao động vẫn luôn bị chủ đầu tư và các nhà thầu xem nhẹ.

An toàn lao động bị “bỏ quên” tại công trình Trường mầm non thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì)

z3366269533803-f464c874fb4171a2e999dc41e6d4f9ec-1650856765.jpg

Trường mầm non thị trấn Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội)

Tai nạn lao động luôn là một nguy cơ tồn tại thường xuyên đối với người lao động trong quá trình tham gia các hoạt động thi công, xây dựng. Hậu quả của tai nạn lao động không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, thu nhập của người lao động mà còn khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị tác động bởi chi phí bồi thường. Ở ý nghĩa rộng hơn, việc để xảy ra tai nạn lao động gây ra những tác động tiêu cực tới uy tín doanh nghiệp và làm tăng gánh nặng cho xã hội. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho người lao động cần được thực hiện đồng bộ và có sự chung tay đóng góp trách nhiệm của cá nhân người lao động, người sử dụng lao động và cả cộng đồng.

Ngày 09/7/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh Công bố Luật số 12/2015/L-CTN. Luật An toàn Vệ sinh Lao động với 7 Chương 93 Điều chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Luật An toàn Vệ sinh Lao động ra đời là dấu ấn quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động cũng như công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp.

Luật An toàn Vệ sinh Lao động quy định rõ quyền trách nhiệm của tất cả các bên liên quan như đối với người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan quản lý; các cơ chế tổ chức, quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm kiểm soát các yếu tố, nguy hiểm ngay từ các bước lập dự án đầu tư, xây dựng, mở rộng nhà xưởng, nơi làm việc, hoạt động kinh doanh; các cơ chế chia sẻ rủi ro giữa các lĩnh vực, khu vực sản xuất khi xảy ra tai nạn, sự cố; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động thông qua việc quy định cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan; vai trò và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp và các hoạt động cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực kiểm định, tư vấn, huấn luyện an toàn lao động.

Luật An toàn Vệ sinh Lao động đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy cải thiện điều kiện, môi trường làm việc của người lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đồng thời đảm bảo an sinh xã hội đối với các trường hợp người lao động không may gặp rủi ro trong quá trình làm việc hay bị tai nạn lao động.

Những năm qua, công tác đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động đã được các cấp các ngành và nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, do sự thiếu đồng bộ và biện pháp quản lý của các cấp chính quyền còn lỏng lẻo nên ở nhiều địa phương, vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động vẫn diễn ra một cách đối phó. Đơn cử như tại công trình xây dựng Trường mầm non thị trấn Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội).

anh-2-1650856789.jpg

anh-3-1650856789.jpg

Công nhân không được trang bị bảo hộ lao động theo đúng quy định

Ghi nhận tại công trình Trường mầm non thị trấn Tây Đằng cho thấy, các công nhân thường xuyên lao động trong tình trạng không có bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, công trường cũng không gắn các biển báo nguy hiểm cũng như biển báo công trình xây dựng.

Tại Điều 7 Luật An toàn Vệ sinh Lao động đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động. Theo đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh đó, tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động.

Đặc biệt là phải cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động – mà ở đây là nhà thầu xây dựng đã được quy định đầy đủ, rõ ràng trong Luật An toàn Vệ sinh Lao động. Vậy nhưng thực trạng đang diễn ra tại công trường thi công Trường mầm non thị trấn Tây Đằng lại cho thấy công tác đảm bảo an toàn lao động dường như đang bị chính nhà thầu và chủ đầu tư công trình “ngó lơ”.

Nhà thầu “có tiếng” nhưng lại xem nhẹ vấn đề an toàn lao động?

Theo tìm hiểu, ngày 17/8/2020, UBND huyện Ba Vì ra quyết định số 4012/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đấu thầu Gói thầu số 12: Toàn bộ phần xây dựng của công trình Trường mầm non thị trấn Tây Đằng. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Mạnh Quân (địa chỉ tại xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội). Giá trúng thầu là 55.820.895.000 đồng và thời gian thực hiện hợp đồng là 520 ngày.

Công ty TNHH Mạnh Quân là một doanh nghiệp “có tiếng” và thường xuyên trúng các gói thầu trên địa bàn huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, huyện Mê Linh, huyện Thạch Thất,… Trong 4 năm trở lại đây, Công ty TNHH Mạnh Quân trúng thầu 9 gói do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Ba Vì mời thầu với tổng trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Có thể thấy dù liên tiếp trúng các gói thầu có giá trị “khủng” nhưng vẫn để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động trên công trường, phải chăng là do năng lực của nhà thầu còn yếu kém hay đây là sự chủ quan, xem nhẹ công tác đảm bảo an toàn lao động của chính nhà thầu.

Trước phản ánh của phóng viên về tình trạng mất an toàn lao động trên công trường xây dựng Trường mầm non thị trấn Tây Đằng, đại diện của Công ty TNHH Mạnh Quân cho biết, thực tế trong suốt quá trình xây dựng Trường mầm non thị trấn Tây Đằng, vấn đề an toàn lao động luôn được đảm bảo và đặt lên hàng đầu. Hiện nay, do chỉ còn 1 phần xây dựng nhỏ ở phía cổng nên các công nhân có phần lơ là, không sử dụng đồ bảo hộ lao động…

Tai nạn lao động có thể xảy đến bất cứ lúc nào trong mọi hoàn cảnh. Chính những chủ quan, thiếu sót trong công tác đảm bảo an toàn lao động là nguyên nhân gây ra các tai nạn đáng tiếc. Bởi vậy, công tác này cần được thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt quá thi công công trình. Không được lơ là trong bất kì thời điểm nào.

anh-4-1650856789.jpg

Do công trình vẫn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng nên việc xây dựng chưa thể hoàn thiện

Đáng chú ý, mặc dù thời gian thi công công trình Trường mầm non thị trấn Tây Đằng là 520 ngày, tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên tại thời điểm tháng 4/2022, một phần của công trình vẫn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng nên việc xây dựng chưa thể hoàn thiện.

Trường mầm non thị trấn Tây Đằng là công trình lớn trên địa bàn huyện Ba Vì, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 71 tỷ đồng. Vậy nhưng không hiểu vì lí do gì mà đã gần 2 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt đầu tư dự án, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất. Điều này sẽ gây những thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế cho chính địa phương khi không thể đưa công trình vào sử dụng theo đúng tiến độ đã đề ra.

Trước tình trạng đang diễn ra tại công trình xây dựng Trường mầm non thị trấn Tây Đằng, UBND huyện Ba Vì cần có biện pháp xử lí quyết liệt hơn để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng cần sát sao hơn trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng của Công ty TNHH Mạnh Quân, tránh để tiếp diễn tình trạng mất an toàn lao động nêu trên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 22/3 đã có thông báo về tình hình tai nạn lao động năm 2021 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động năm 2022. Theo đó, trong năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, làm 6.658 người bị nạn.

Đối với khu vực không có quan hệ lao động, năm 2021 đã xảy ra 707 vụ tai lạn lao động làm 748 người bị nạn. Các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủ công, cơ khí, thương mại dịch vụ.

Nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động chết người từ phía người sử dụng lao động chủ yếu là: Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn; không huấn luyện an toàn lao động. Còn từ phía người lao động là do vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và thiết bị an toàn được trang bị.

Trong năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản. Đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại,…

Quốc Văn - Thùy Linh

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/lam-ban-ve-lo-hong-trong-cong-tac-quan-ly-an-toan-lao-dong-tai-mot-cong-trinh-o-huyen-ba-vi-a7644.html