FLC lỗ 465 tỷ đồng trong quý đầu năm vậy lấy tiền đâu để trả hàng nghìn tỷ đồng nợ vay cho các ngân hàng?

FLC vẫn tiếp tục được các ngân hàng bơm thêm vốn trong quý I giúp dòng tiền tài chính của doanh nghiệp dương hơn 1.105 tỷ. Qua đó, hỗ trợ dòng tiền thuần.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I, nợ phải trả của Tập đoàn FLC (FLC) đến cuối tháng 3 đạt gần 26.143 tỷ đồng, tăng 2.078 tỷ so với cuối năm 2021 và chiếm 73,6% tổng nguồn vốn hoạt động.

Trong đó, nợ vay và nợ thuê tài chính là gần 7.310 tỷ đồng, tăng 1.105 tỷ so với cuối năm. Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 1.169 tỷ lên 3.204 tỷ đồng, còn vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm 64 tỷ xuống 4.106 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I, Sacombank vẫn là chủ nợ lớn nhất của FLC khi cho vay 1.840 tỷ đồng. Trong khi NCB đã vượt qua OCB trở thành chủ nợ lớn thứ ba với 1.636 tỷ đồng.

chu-no-cua-flc-1651545790.png

Những chủ nợ của FLC

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch thu hồi nợ tại FLC

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết hiện dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp FLC và Bamboo Airways ở mức trên 5.000 tỷ. Trong đó, các khoản nợ cho vay đối Bamboo Airways là phù hợp ở thời điểm đó nhằm đồng hành với doanh nghiệp hàng không, du lịch khó khăn vì dịch bệnh.

Theo bà Diễm, các khoản cho vay đối với hệ sinh thái FLC đảm bảo bằng cổ phiếu nhưng đằng sau là nhiều dự án BĐS tại Hà Nội và Quảng Ninh. Vì vậy xử lý các tài sản này cũng rất tốt. Hiện ngân hàng đã xử lý được 2.600 tỷ, đã hoàn tất thu nợ.

''Trong tình hình rất khó, chúng tôi vẫn xử lý được tốt như vậy thì cổ đông cổ đông có thể tin rằng Sacombank đang cho vay rất chuẩn'', bà Diễm chia sẻ.

Ông Dương Công Minh, chủ tịch Sacombank bổ sung thêm, khoản nợ của FLC chỉ có 3.200 tỷ, đã thu hồi được 2.600 tỷ, trong vòng 1 tháng nữa sẽ thu hồi xong khoản vay đó. "Thực ra khoản nợ tốt nhưng do sức ép dư luận nên Sacombank phải thu hồi sớm" - ông Minh nói.

Còn trong Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Ngân hàng Phương Đông (OCB) tổ chức ngày 23/4, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết, FLC là khách hàng tốt, luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên khi xảy ra sự kiện nguyên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, ngân hàng xác định đây là sự kiện rủi ro lớn không chỉ với FLC mà còn ảnh hưởng đến đối tác của FLC và đang thương thảo thu nợ trước hạn 1.500 tỷ đồng.

Trước đó, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam không lâu, đại diện NCB cho hay các khoản nợ của FLC đều có tài sản bảo đảm. Trong trường hợp có phát sinh rủi ro, NCB sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định để thu hồi nợ.

FLC sẽ xoay sở dòng tiền trả nợ như thế nào?

Trong quý I, Tập đoàn FLC ghi nhận mức lỗ trước thuế gần 465 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 49 tỷ. Đây là khoản lỗ đậm nhất tính theo quý của doanh nghiệp này trong hai năm trở lại đây, qua đó khiến lợi nhuận chưa phân phối bị bào mòn từ gần 2.100 tỷ đồng còn 1.600 tỷ đồng.

Dù vậy, dòng tiền của FLC lại ghi nhận diễn biến tích cực khi lưu chuyển tiền thuần chuyển từ âm hơn 934 tỷ đồng trong quý I/2021 sang dương hơn 115 tỷ. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh đảo ngược từ âm gần 1.381 tỷ sang dương hơn 139 tỷ đồng.

Yếu tố chính giúp hoạt động kinh doanh của FLC có dòng tiền dương trong quý I đến từ việc người mua trả tiền trước. Theo đó, sau 3 tháng đầu năm, số dư khoản mục này đã tăng thêm 1.207 tỷ lên gần 6.236 tỷ đồng.

Ngoài ra, FLC vẫn tiếp tục được các ngân hàng bơm thêm vốn trong quý I giúp dòng tiền tài chính của doanh nghiệp dương hơn 1.105 tỷ. Qua đó, hỗ trợ dòng tiền thuần.

Trong bối cảnh Sacombank và OCB thông báo thu hồi nợ trước hạn, dòng tiền tài chính của FLC có khả năng sẽ không được tốt như quý I vừa qua. Với lượng tiền mặt chỉ có hơn 291 tỷ đồng, để trả nợ cho ngân hàng nhiều khả năng FLC sẽ phải huy động dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt đồng đầu tư nếu không được tổ chức khác bơm vốn.

Với hoạt động kinh doanh, dòng tiền có thể được huy động từ việc tăng cường bán các dự án, thu tiền trước của người mua và tăng nợ phải trả khách hàng. Trong khi hoạt động đầu tư cũng có thể tạo ra dòng tiền dương nhờ thu hồi các khoản cho vay, đầu tư và thanh lý tài sản.

Chia sẻ về việc thu hồi nợ đối với FLC, Tổng Giám đốc OCB cho biết, ngân hàng đã tăng cường kiểm soát dòng tiền của FLC để đảm bảo thu hồi nợ cho ngân hàng. Theo đó, OCB chủ yếu cho Tập đoàn FLC vay tập trung vào 2 dự án ở Quảng Ninh. Ở hai dự án này, số hàng đã bán và khách hàng đang chuẩn bị trả cho Tập đoàn FLC khoảng 2.400 tỷ đồng, do vậy FLC dư khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Quang Diệu

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/flc-lo-465-ty-dong-trong-quy-dau-nam-vay-lay-tien-dau-de-tra-hang-nghin-ty-dong-no-vay-cho-cac-ngan-hang-a7711.html