CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn nói gì về khoản nợ 41,000 tỷ đồng, việc phát hành trái phiếu và thâu tóm các doanh nghiệp nhà nước?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) ngày 12/05, Ban lãnh đạo Công ty đã có chia sẻ về các khoản nợ 41,000 tỷ đồng vào cuối năm 2021 và việc mua lại cổ phần doanh nghiệp Nhà nước.

nguyen-van-tuan-1252022-1652426345.jpg
CEO Glex Nguyễn Văn Tuấn, biệt danh Tuấn mượt

Cụ thể, tại đại hội, ông Nguyễn Văn Tuấn, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Gelex đã thay mặt ban lãnh đạo tập đoàn này giải đáp một số lo ngại của nhà đầu tư về dư nợ vay cao và những vấn đề khác.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về dư nợ vay 22 nghìn tỷ đồng tính đến cuối năm 2021, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020, ông Tuấn cho biết nguyên nhân chủ yếu là do hợp nhất VGC và vay nợ mới cho dự án điện gió 140 MW/năm vốn được hưởng mức giá ưu đãi là 8,5 cent. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ ròng giảm xuống dưới 1 lần là an toàn và hợp lý.

GEX tự tin rằng các thủ tục M&A của công ty cho đến nay tuân thủ tất cả các quy định và quy tắc. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết ông đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu GEX và cam kết mua, đầu tư lâu dài cùng với các cổ đông và nhà đầu tư khác.

Về vấn đề phát hành trái phiếu, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định Gelex luôn làm đúng quy trình. Đối tác phát hành của Gelex là các định chế tài chính lớn như Maritimebank, Techcombank, Shinhan, ... “nên chúng tôi tuân thủ đầy đủ quy định về phát hành trái phiếu”. Việc phát hành trái phiếu này tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Cũng tại Đại hội, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), thâu tóm các doanh nghiệp Nhà nước gần đây. Trong đó, đáng chú ý là việc Gelex "thâu tóm" VGC - doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng trong năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc GEX cho biết, về việc mua lại cổ phần doanh nghiệp Nhà nước, khi Chính phủ có chủ trương thoái vốn, Gelex tham gia đấu giá, chào mua công khai, giao dịch theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận trên sàn theo đúng luật chứng khoán.

Được biêt Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex được mệnh danh là “ông trùm” M&A với hai thương vụ nổi tiếng nhất là thâu tóm lượng lớn cổ phần tại các tổng công ty có “gốc” Nhà nước, là Gelex (HOSE: GEX) và Viglacera (HOSE: VGC).

Cụ thể, ngay sau khi thâu tóm được Gelex, hoạt động tái cấu trúc đã được triển khai ngay với việc thoái vốn tại các doanh nghiệp trực thuộc. Trong đó, thoái vốn tại Công ty cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương (mã CTB-HNX) ước thu lãi 20 tỷ đồng, thoái vốn tại Công ty cổ phần Vật tư và Xây dựng Hà Nội (HMCC).

Ngoài ra, Gelex Group cũng góp thêm vốn vào Công ty cổ phần khí cụ điện 1 và thành lập thêm các công ty thành viên mới như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Gelex, Công ty cổ phần Cadivi miền Bắc...

Với nền tảng có sẵn, Gelex Group tiếp tục “thâu tóm” hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước có tên tuổi trên thị trường, điển hình là Tổng công ty Viglacera (VGC), doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng.

Đến thời điểm hiện tại, trong số các cổ đông lớn nhất của Gelex Group có ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Gelex Group, sở hữu hơn 192 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 22,58% vốn điều lệ; bà Đào Thị Lơ (mẹ ông Tuấn) sở hữu 24 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,9% vốn điều lệ; .

Hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến Gelex của đại gia Tuấn "mượt" còn có Chứng khoán VIX (VIX - Ông Tuấn là em trai bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán VIX.), Tổng Công ty IDICO (IDC), Marina Holdings (MHC), và CTCP Thiết bị điện Gelex (GEE), Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW), và CTCP Đầu tư Và phát triển KCN Dầu khí Long Sơn (PXL).

Kết thúc 2021, Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của GELEX ghi nhận tổng tài sản hơn 61.189 tỷ đồng nhưng tổng nợ của tập đoàn lên tới hơn 40.691 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần từ mức 18.936 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ hơn 10.831 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên gần 23.000 tỷ đồng cuối năm 2021. Còn nợ dài hạn cũng tăng từ hơn 8.105 tỷ đồng lên thành hơn 17.717 tỷ đồng.

Điều đáng nói, những khoản nợ mà GELEX phải trả đều tăng vọt, trong đó có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 8.372 tỷ đồng, tăng hơn 4.044 tỷ đồng so với số nợ đầu kỳ; nợ phải trả ngắn hạn khác cũng từ hơn 2.624 tỷ đồng tăng lên hơn 4.642 tỷ đồng.

Còn vay và nợ tài chính dài hạn cũng tăng đột biến từ hơn 7.752 tỷ đồng lên thành hơn 13.749 tỷ đồng, tức mức tăng lên gần 6.000 tỷ đồng; trong đó 8.896 tỷ đồng nợ ngân hàng và 6.383 tỷ đồng nợ trái phiếu.

Những "chủ nợ" lớn của GELEX gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) gần 2.900 tỷ đồng; Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg cho vay hơn 1.627 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho GELEX vay 1.090 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hơn 815 tỷ đồng,…

Yến Nhi

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/ceo-gelex-nguyen-van-tuan-noi-gi-ve-khoan-no-41000-ty-dong-viec-phat-hanh-trai-phieu-va-thau-tom-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc-a7768.html