VNG toan tính điều gì khi chuyển hơn 47% cổ phần cho một công ty tại ‘thiên đường thuế’ Cayman Islands?

Công ty Cổ phần VNG (VNG Campus) đang gây chú ý với tờ trình thông qua việc miễn trừ chào mua công khai đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần của VNG Limited – một pháp nhân mới được thành lập vào ngày 1/4/2022 tại ‘thiên đường thuế’ Cayman Islands.

vng-1655110659.jpg

Trụ sở của VNG tại TP HCM. Ảnh: VNG.

Tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 mới công bố của VNG đang gây chú ý với tờ trình thông qua việc miễn trừ chào mua công khai đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần của VNG Limited – một pháp nhân mới được thành lập vào ngày 1/4/2022 tại ‘thiên đường thuế’ Cayman Islands. Động thái đề xuất VNG Limited nhận chuyển nhượng cổ phần lần này được cho là tạo bước đệm để VNG tiến gần hơn đến cột mốc IPO, bởi kế hoạch này có sự tương đồng với trường hợp của Tiki. 

Bước đệm cho kế hoạch IPO tại Mỹ?

Cụ thể, VNG Limited dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài tại đây. Thương vụ cũng phải đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 49%.

Hồi tháng 12/2021, tờ Bloomberg đưa tin, VNG đang tìm cách huy động thêm 200 – 300 triệu USD từ các nhà đầu tư trước khi niêm yết tại Mỹ. Trước đó, hãng tin này cũng từng đề cập đến việc VNG cân nhắc kế hoạch gọi vốn bằng cách niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập với một SPAC (Special Purpose Acquisition Company", tạm dịch là "công ty mua lại với mục đích đặc biệt"). Giá trị thương vụ này có thể dao động trong khoảng từ 2 tỷ USD đến 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, VNG có thể lại đang thiên về hướng thực hiện niêm yết thông qua hình thức IPO truyền thống. Đây là cách thức mà VNG đã nghiên cứu từ ít nhất là năm 2017 khi ký một thoả thuận ghi nhớ với sàn Nasdaq (Mỹ). Nguồn tin cho biết VNG đang tái cấu trúc mô hình kinh doanh của mình để có thể niêm yết tại Mỹ dễ dàng hơn.

Động thái đề xuất VNG Limited nhận chuyển nhượng cổ phần lần này được cho là tạo bước đệm để VNG tiến gần hơn đến cột mốc IPO, bởi kế hoạch này có sự tương đồng với trường hợp của Tiki. 

Trước đó, Tiki đã hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phiếu cho một pháp nhân có trụ sở tại Singapore là Tiki Global Pte. Ltd (Tiki Global) và sau đó pháp nhân này nắm giữ 90,5% cổ phần Tiki, chính thức thâu tóm sàn thương mại điện tử này. 

VNG cũng là nhà đầu tư của Tiki và đang nắm 15,2% quyền sở hữu của Tiki Global. Trước đó vào tháng 7/2021, VNG đã hoàn tất hoán đổi khoản đầu tư ở Tiki thành 4,6 triệu cổ phiếu Tiki Global, trị giá 0,43 USD/cp. 

Kế hoạch lỗ năm thứ 2 liên tiếp bởi Zalo Pay

Năm 2022, VNG công bố kế hoạch doanh thu dự kiến khoảng 10.178 tỷ đồng- tăng khoảng 30% so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế cho cổ đông dự kiến âm khoảng 311 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cho công ty dự kiến âm khoảng 993 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 2 năm liên tiếp VNG đặt kế hoạch lỗ đậm. Trước đó năm 2021, VNG cũng đặt kế hoạch lỗ 619 tỷ đồng nhưng thực tế cuối năm, theo báo cáo, lỗ sau thuế của công ty này dừng ở con số 71 tỷ đồng.

Năm 2021, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của VNG đạt 414 tỷ đồng, song lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 485 tỷ đồng, điều này được nhận định là có thể do khoản đầu tư vào Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay. Hiện VNG đang nắm giữ gần 60% cổ phần của Zion.

Phần lỗ cổ đông không kiểm soát tương ứng với 40% mức lỗ trong năm 2021 của Zion. Dẫn tới, Zion đã lỗ khoảng 1.213 tỷ đồng trong năm ngoái. Trước đó, năm 2020, đơn vị này cũng lỗ tới 666 tỷ đồng. Do vậy, kế hoạch đặt lỗ nặng trong năm nay của VNG nhiều khả năng đến từ Zion.

Ngoài Zion, các mảng kinh doanh chính của VNG trong năm ngoái như dịch vụ trò chơi, quảng cáo trực tuyến,… đều ghi nhận mức tăng trưởng.

Chân dung nhà lãnh đạo “kỳ lân” tỷ đô tại Việt Nam

Lê Hồng Minh sinh ngày 27/09/1977 tại Hà Nội. Ông hiện đang giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần VNG - startup hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông xã hội. Năm 2018, ông Minh là một trong 8 cái tên về nhà sáng lập trong lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á được bình chọn bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN.

Doanh nhân Lê Hồng Minh từng theo học chuyên ngành Tài chính ngân hàng tại Đại học Monash ở Úc. Trong khoảng thời gian du học, ông thường xuyên đi làm thêm ở các cửa hàng tiện lợi, công việc này giúp ông có thêm tiền trang trải cuộc sống cũng như tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm.

Năm 2004, Lê Hồng Minh cùng những cộng sự thành lập nên Công ty Cổ phần Vinagame (sau này là Công ty Cổ phần VNG). Ông và các cộng sự đã nung nấu ý định mua bản quyền trò chơi MU Global. Để thực hiện kế hoạch này ông đã đi đến Hàn Quốc nhưng đã bị từ chối vì khi đó VNG là một công ty nhỏ và không có tầm ảnh hưởng.

Chỉ 6 tháng sau, sản phẩm Võ Lâm Truyền Kỳ được ra mắt tạo nên một cú hích cho VNG. Sức ảnh hưởng của sản phẩm này rất ấn tượng khi đạt mốc 1 triệu thành viên chỉ sau hơn nửa năm ra mắt. Nhờ vậy, Võ Lâm Truyền Kỳ đã mang đến một khoản lợi nhuận không nhỏ cùng với danh tiếng cho VNG. Từ đó, Lê Hồng Minh cùng các cộng sự đã có thêm động lực và tiếp tục theo đuổi mô hình kinh doanh này. Nhóm của ông không ngừng cố gắng và tiếp tục ra mắt những game khác và mở rộng quy mô sang nền tảng website.

Không chỉ dừng lại ở mảng game, nhóm của ông Lê Hồng Minh đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực công nghệ khác. Vào năm 2009, Vinagame đổi tên thành VNG. Từ đó, sứ mệnh của VNG không còn chỉ dừng lại ở mảng game nữa mà còn phát triển ở nhiều mảng công nghệ khác như mạng xã hội, thương mại điện tử, nội dung số, thanh toán điện tử,... Ngày nay, VNG là cái tên khá quen thuộc đối với người Việt khi đã mang đến nhiều ứng dụng, công nghệ thông minh như nền tảng kết nối (Zing TV, Zing MP3, Zalo,...), nền tảng thanh toán và tài chính (Zalo Pay, 123Pay,...), dịch vụ đám mây (Cloud Server, Tape Backup,...).

vng-4-1628949767.jpg

Năm 2014, ông Lê Hồng Minh đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen và Công ty Cổ phần VNG cũng được trao Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước ký tặng. 

Năm 2017, Lê Hồng Minh đã tham gia vào sự kiện ký kết biên bản ghi nhớ với Nasdaq (sàn chứng khoán lớn nhất nhì Hoa Kỳ) với tầm nhìn muốn đưa VNG trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên IPO tại Hoa Kỳ.

235334112-1554544871604139-9184122639945556421-n-1629018922.jpgLê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm CEO VNG và Bob McCooey, Phó Chủ tịch Nasdaq khi hai bên ký kết về việc thoả thuận IPO của VNG trên sàn Nasdaq năm 2017

Theo Bloomberg, Công ty Cổ phần VNG đang cân nhắc và làm việc với bên tư vấn để niêm yết cổ phiếu của công ty tại Mỹ thông qua SPAC (việc sáp nhập với 1 công ty mua lại có mục đích đặc biệt). Giao dịch có thể định giá doanh nghiệp VNG ở trong khoảng 2-3 tỷ USD. Ngoài ra, vào cuối năm 2019, thương vụ mua cổ phần của Temasek đã định giá VNG ở mức 2,2 tỷ USD. 

Trong đó, đại diện của VNG cho biết, hiện tại chưa có quyết định nào về IPO hay SPAC được thông qua và từ chối trả lời về các vấn đề này. 

Năm 2022, VNG đặt mục tiêu doanh thu 10.178 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến cho công ty âm khoảng 993 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm khoảng 311 tỷ đồng. VNG cho biết sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hoá. Đặc biệt, công ty sẽ tập trung phát triển payment, AI và Clound để tham gia vào làn sóng công nghệ tiếp theo.

Cụ thể, Ban Tổng giám đốc VNG sẽ tập trung triển khai các dự án đã đề ra. Thêm vào đó, phát triển các dự án, cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm thế mạnh về Zalo, Zalopay, Clound, AI và các sản phẩm đầu tư hiện hữu.

Yến Nhi

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/vng-toan-tinh-dieu-gi-khi-chuyen-hon-47-co-phan-cho-mot-cong-ty-tai-thien-duong-thue-cayman-islands-a7996.html