Đồng Nai tăng cường quản lý chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản yêu cầu Thanh tra Sở, Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế, Phòng Y tế các huyện, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Kiểm nghiệm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả.

Theo đó, Thanh tra Sở, phòng Nghiệp vụ Sở và Phòng Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, thuốc hết hạn sử dụng, …

quan-ly-thuoc-1657683630.jpeg

Cơ quan quản lý y tế tỉnh Đồng Nai khuyến khích các cơ sở tăng cường các biện pháp chống làm giả như sử dụng mã vạch, QR code

Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm tăng cường việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn tỉnh đối với thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng.

Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối, sử dụng thuốc. Chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng phạm vi đã được cấp phép; chỉ kinh doanh, phân phối, sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Nghiêm cấm hành vi kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc,thuốc nhập lậu, …

Triển khai duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành tốt trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định. Thực hiện hệ thống quản lý để đảm bảo xác định được nguồn gốc lô thuốc, xác định được cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh, sử dụng trong chuỗi cung ứng thuốc. Kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguyên liệu làm thuốc trước khi đưa vào sản xuất, chất lượng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường. Chỉ đưa ra lưu hành, phân phối, sử dụng các thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng; khuyến khích các cơ sở tăng cường các biện pháp chống làm giả như sử dụng mã vạch, QR code…

Tổ chức y tế thế giới (WHO) định nghĩa thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ cố tình gian lận trong việc nhận dạng thuốc và/hoặc nguồn gốc thuốc. Theo định nghĩa của WHO, một sản phẩm là thuốc giả có thể chứa thành phần dược chất khác với thông tin trong hồ sơ đăng ký, hoặc thậm chí là không có dược chất. Trường hợp khác có thể chứa đúng thành phần hoạt chất nhưng với hàm lượng/nồng độ không đúng hoặc sản phẩm được đóng gói trong bao bì giả mạo về nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm.

Việc sử dụng thuốc giả sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người sử dụng và thậm chí có thể đến mức gây tử vong. Tuy nhiên bệnh nhân thường rất khó để phân biệt một sản phẩm là thuốc giả bởi vì chúng thường được đóng gói một cách kỹ lưỡng để làm sao cho giống hệt với các thuốc chính hãng. Đôi khi kết quả phân tích tại các cơ sở kiểm nghiệm mới có thể là cách duy nhất để xác định sự khác biệt giữa thuốc thật và thuốc giả mạo.

Hiện nay, sự bùng nổ của mạng Internet, thay đổi xu hướng tiêu dùng sang hình thức mua hàng online cùng với nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân đối với các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ cũng là một trong những yếu tố thuận lợi thúc đẩy sản phẩm thuốc giả tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường truyền thông, phổ biến cho người dân chỉ mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc hợp pháp, không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, buôn bán thuốc giả đến các cơ quan chức năng liên quan.

Để công tác phòng chống kinh doanh và tiêu thụ thuốc giả phát huy hiệu quả, một số ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp theo dõi và ngăn chặn kịp thời thuốc giả để tránh lưu hành rộng rãi trên thị trường, các quy định pháp luật về xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả cần chặt chẽ để đủ sức răn đe với loại hình tội phạm này. Các trung tâm hoặc viện kiểm nghiệm nên tăng cường lấy mẫu kiểm tra đánh giá chất lượng thuốc, phát hiện và thu hồi kịp thời thuốc giả, thuốc kém chất lượng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh, đặc biệt chú ý đến vấn đề tiền kiểm bên cạnh việc hậu kiểm đã được thực hiện thường xuyên lâu nay. 

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/dong-nai-tang-cuong-quan-ly-chat-luong-thuoc-phong-chong-thuoc-gia-a8173.html