Văn hoá thương hiệu châu Á trong mắt người châu Âu

Văn hoá thương hiệu châu Á có tác động trực tiếp và vô cùng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đến từ châu lục tỉ dân.

Nếu như nhìn sang các nước phương Tây, hầu hết những thương hiệu của họ có thành công hay không đều phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Từ vị trí địa lý, thói quen tiêu dùng cho đến văn hoá người dân, mức thu nhập đầu người hay thậm chí không ít thương hiệu có xu hướng “chỉ bán hàng cho một nhóm khách hàng nhất định.”

Các thương hiệu châu Á thì lại đi trên một con đường hoàn toàn khác biệt. Tiềm năng cũng như năng lực phát triển của mỗi thương hiệu châu Á bị ảnh hưởng phần lớn bởi văn hoá châu Á. Nói một cách chính xác hơn, văn hoá thương hiệu châu Á đang tác động trực tiếp và vô cùng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở châu lục tỉ dân.

thuong-hieu-chau-a-1660049414.jpg
Hình ảnh của một lễ hội trang phục truyền thống tại Hàn Quốc (ảnh: Sunyoung Park, Jungsu Kim, Jaekyo Kim).

Mà không chỉ có các thương hiệu châu Á nói riêng, ngay cả những thương hiệu phương Tây cũng phải đối mặt với sự phát triển và phức tạp của văn hoá địa phương – trong quá trình đặt chân đến và tìm đủ mọi cách để thích nghi tốt với thị trường Á Đông. Trên chặng đường đó, không ít các tên tuổi đã có vị thế vững vàng ở thị trường sở tại, tin vào khả năng thành công của mình khi tiếp cận thị trường châu Á nhưng vẫn phải ngã mũ chào thua. 

Sự thất bại của Burger King cùng với nhiều thương hiệu thức ăn nhanh khác tại thị trường Việt Nam chính là một ví dụ. Họ thất bại bởi chính thế mạnh của mình đó là năng lực kinh doanh và quản lý chuỗi cửa hàng. Họ thất bại trước chính đối thủ mà có lúc họ “ngạo mạn” tin rằng mình sẽ thừa sức đánh bại, đó chính là văn hoá địa phương. 

Văn hoá thương hiệu châu Á nói riêng và văn hoá châu Á nói chung có một sức mạnh ghê gớm, trở thành tấm khiên chắn bảo vệ cho các thương hiệu Á Đông giữa những cuộc “càn quét” không ngừng của các thế lực đến từ trời Âu. Tuy nhiên, sức mạnh to lớn đó đôi khi cũng trở thành con dao hai lưỡi. Làm kiềm hãm năng lực tư duy và tham vọng khẳng định vị thế của nhiều thương hiệu châu Á. 

Trong khuôn khổ bài viết lần này, Vũ muốn tổng hợp và gửi đến tất cả các bạn những phân tích đến từ nhiều nhà làm thương hiệu phương Tây. Thể hiện góc nhìn liên chủ quan của họ về văn hoá thương hiệu châu Á, cùng với những tác động từ các thương hiệu châu Á đến sự phát triển chung của nền kinh tế toàn cầu.

Văn hoá thương hiệu châu Á dưới tác động của những cuộc chiến

Trong bài tiểu luận mang tựa đề Asian Brands and the Shaping of a Transnational, tác giả Julien Cayla đã phân tích rằng: “Văn hoá thương hiệu châu Á chịu tác động lớn bởi thói quen tiêu dùng của người dân châu Á trong quá khứ, mà phần lớn đều đến từ hậu quả của các cuộc chiến tranh. Điển hình như những xung đột suốt nhiều thế kỷ của Nhật Bản với Trung Quốc.”

Những tranh chấp hay căng thẳng không hồi kết ở châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng đã bắt đầu từ tận thế kỷ thứ 13. Ở thời nhà Minh, Trung Quốc từng bị quân đội Nhật đánh chiếm hàng nghìn cây số đường bờ biển. Đến cuối thế kỷ thứ 19, Trung Quốc suy yếu đến không tưởng khi liên tục “nhường nhịn” lãnh thổ cho Nhật Bản, chi trả một cách nhu nhược các loại thuế phí chiến tranh và đứng nhìn Nhật Bản mở ra thời kỳ thịnh vượng về kinh tế ngay trên lãnh thổ của mình.

Đỉnh điểm căng thẳng giữa hai nước phải kể đến cuộc thảm sát Nam Kinh năm 1937, nơi có khoảng 300 nghìn người Trung Quốc đã bị giết chết bằng nhiều cách dã man. Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Iwane Matsui, lục quân Nhật Bản tiến vào thành Nam Kinh Trung Quốc hôm 12/12/1937. Chỉ một ngày sau khi chiếm được toàn bộ thành phố, quân đội Nhật đã tiến hành cuộc thảm sát đẫm máu – bất kể nạn nhân có nằm trong biên chế quân đội Trung Hoa hay không.

Công trình nhà tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Nam Kinh (ảnh: Kienviet).

Công trình nhà tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Nam Kinh (ảnh: Kienviet).

Nhưng người Trung Quốc cũng không mãi cam chịu số phận của một nạn nhân. Với tinh thần và lòng tự tôn dân tộc cao ngút trời như những gì chính quyền thành phố Bắc Kinh vẫn hay rao giảng, quân đội Trung Quốc sớm trở thành cái gai trong mắt các cường quốc và là nỗi khiếp sợ của nhiều quốc gia láng giềng. Tranh chấp giữa Trung Quốc với Malaysia, Philippines hay Việt Nam về chủ quyền khu vực biển Đông chính là một ví dụ cụ thể. 

Từ những xung đột trong quá khứ cho đến mâu thuẫn không ngừng leo thang giữa các quốc gia ở hiện tại, hành vi tiêu dùng của mỗi người dân châu Á đã và đang tác động tiêu cực đến văn hoá thương hiệu châu Á. 

Người Trung Quốc cho đến hiện tại vẫn duy trì thói quen “nói không với các sản phẩm đến từ Nhật Bản.” Mối quan hệ giữa Nhật Bản với quốc gia tỉ dân vẫn bị đặt trong tình trạng đáng báo động bất cứ lúc nào, cả về tình hình chính trị lẫn tiềm năng phát triển của nền kinh tế. 

Nhưng Trung Quốc “tẩy chay” Nhật Bản đến đâu thì người tiêu dùng tại nhiều quốc gia khác cũng quay lưng lại với Đại Lục đến đó. Dù gắn mác tiêu dùng nội địa hay nằm trong danh sách xuất khẩu ra nước ngoài, sản phẩm Trung Quốc vẫn phải hứng chịu sự kì thị, ái ngại từ hàng triệu khách hàng Việt Nam, Malaysia hay Philippines.

Văn hoá thương hiệu châu Á không bị ảnh hưởng bởi tâm lý sính ngoại theo như quan điểm của nhiều người. Ngược lại, chính quan điểm tự hào dân tộc của từng người dân tại mỗi quốc gia châu Á, cùng với niềm tin và mưu cầu hợp tác đúng nghĩa dần bị mai một sau quá nhiều căng thẳng xuyên lục địa. Tất cả làm cho tiềm năng phát triển nền kinh tế châu lục thông qua xu hướng tiêu dùng bị hạn chế đáng kể. 

Người tiêu dùng châu Á hoặc chọn mua các sản phẩm trong nước hay thậm chí đến từ các local brand, hoặc bạo chi để sở hữu các sản phẩm đến từ thương hiệu lâu đời phương Tây. Xu hướng này đã tạo ra những cuộc tranh luận không hồi kết giữa người dùng Samsung với người dùng iPhone, giữa chủ sở hữu xe Nhật như Toyota hay Mazda với chủ sở hữu xe Đức như Audi hay BMW mà chúng ta vẫn thường bắt gặp.

Văn hoá thương hiệu châu Á bị tác động bởi năng lực cạnh tranh

Một công ty khởi nghiệp hay thậm chí một thế hệ khởi nghiệp sẽ không có quá nhiều cơ hội, khi chẳng may họ ra đời ở một quốc gia mà nền kinh tế thị trường không bị tác động mạnh mẽ bởi năng lực cạnh tranh. Nói một cách cụ thể hơn, khi tất cả thương hiệu và doanh nghiệp ở một quốc gia dù còn non trẻ hay đã có vị thế vững vàng trên thị trường, đều phải cạnh tranh liên tục và sòng phẳng với nhau thì khi đó cả những ưu điểm lẫn khuyết điểm của họ mới được bộc lộ. 

Tất nhiên ưu điểm của mỗi thương hiệu sẽ là cơ sở để khách hàng mục tiêu đặt niềm tin và lựa chọn ủng hộ sản phẩm. Ngược lại nhược điểm của mỗi thương hiệu lớn cũng sẽ là cơ hội cho các mô hình khởi nghiệp với tuổi đời non trẻ. 

Bởi nền tảng của một thương hiệu thành công chính là chất lượng của sản phẩm. Nếu sản phẩm vẫn còn giải quyết được ít nhất một vấn đề có thật ở trên thị trường, thì khi đó thương hiệu vẫn rất giàu tiềm năng và có thể chuyển mình trở thành “ông lớn” bất cứ lúc nào.

Apple được khai sinh từ hầm để xe cũ kĩ của Steve Jobs, khi mà Intel hay IBM đều đã có cho riêng mình một loạt những thành tựu lớn nhỏ. Tesla Motors được ra đời từ chính thất bại của Elon Musk với dự án nghiên cứu năng lượng tái tạo, khi mà cả thế giới tin rằng sẽ chẳng có ai đủ sức thay đổi vị thế “xe chạy bằng xăng” của BMW, Audi hay Mercedes Benz. 

Apple xuất phát từ nhà để xe cũ kĩ nhưng vẫn sớm vươn lên trở thành kỳ lân của công nghệ thế giới (ảnh: Slashgear).

Apple xuất phát từ nhà để xe cũ kĩ nhưng vẫn sớm vươn lên trở thành kỳ lân của công nghệ thế giới (ảnh: Slashgear).

Nhưng rồi kết quả thì sao, Steve Jobs được mệnh danh là “người đàn ông đặt cả thế giới dưới ngón tay của bạn” khi giới thiệu thành công những chiếc điện thoại iPhone. Còn Elon Musk thì chứng minh tầm nhìn “thúc đẩy tốc độ chuyển đổi sang năng lượng bền vững của thế giới” là hoàn toàn có cơ sở, ít nhất khi nhìn vào mức độ thu hút khách hàng của những mẫu xe điện Tesla tại thị trường phương Tây hay châu Á.

Văn hoá thương hiệu châu Á nói riêng và nền kinh tế châu Á nói chung thì không may mắn chứng kiến sự cạnh tranh sòng phẳng đó. Nhiều quốc gia châu Á luôn khẳng định với thế giới về nền kinh tế thị trường mà mình luôn theo đuổi. Nhưng yếu tố quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường là sự cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia, giữa thương hiệu này với thương hiệu nọ vẫn còn là dấu hỏi bị bỏ ngõ ở châu lục chiếm đến 8,7% diện tích Trái Đất.

Một số quốc gia không có được những vị doanh nhân có đủ năng lực, tâm huyết và quan điểm đúng đắn dành hết vào mô hình kinh doanh của mình. Phần lớn đều bằng mọi cách gia tăng giá trị doanh nghiệp, nâng cao giá trị thương hiệu để rồi thoái vốn, bán lại cho các tập đoàn nước ngoài và để lại lỗ hổng to lớn cho chính nền kinh tế quốc gia. 

Một số khác bị tác động bởi những doanh nghiệp có tuổi đời lâu năm, sớm vươn lên độc quyền thị phần hoặc nghiêm trọng hơn, có quan hệ “tốt đẹp” với chính phủ cũng như chính quyền sở tại. Nhờ quá trình đồng hành và đóng góp tích cực cho nền kinh tế quốc gia, đi qua những giai đoạn khó khăn nhất trong suốt chiều dài lịch sử.

Khi nhắc đến chủ đề văn hoá thương hiệu châu Á, trường hợp điển hình của việc “đi trên dây” giữa một bên là xây dựng nền kinh tế thị trường, một bên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những doanh nghiệp độc quyền chính là Hàn Quốc. Đến mức ở xứ sở Kim Chi đã khai sinh ra một khái niệm mới đó là chaebol. Ý nói đến 5 tập đoàn và nhà tài phiệt lớn nhất đất nước, có nhiều đóng góp quan trọng cho cả kinh tế lẫn chính trị Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ, hay thậm chí là hàng thế kỷ. 

Thái tử Samsung Lee Jae Yong đứng chung khung hình với nhiều chaebol khác của xứ Hàn (ảnh: Bloomberg).

Thái tử Samsung Lee Jae Yong đứng chung khung hình với nhiều chaebol khác của xứ Hàn (ảnh: Bloomberg).

Chaebol ở Hàn Quốc gồm có SK, LG, Lotte, Huyndai và ông lớn mà không một ai chưa từng biết đến – Samsung. Những tập đoàn này không chỉ đại diện cho hình ảnh tích cực của văn hoá thương hiệu châu Á, mà sức ảnh hưởng của họ còn đang vươn tầm thế giới và nằm trong nhóm dẫn đầu ở thị trường của mình. 

Tác giả Peter Pae từng viết trên tờ Bloomberg như sau: “Chaebol là những doanh nghiệp tư nhân đã giúp Hàn Quốc từ một nền kinh tế nhỏ bé, vụt sáng nhanh chóng và trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Được chính phủ lựa chọn để trở thành đầu tàu trong cuộc cải cách kinh tế hồi thập niên 60, hiện nay có khoảng 40 doanh nghiệp của Hàn Quốc được công nhận nằm trong nhóm chaebol. Trong đó nhóm 10 doanh nghiệp dẫn đầu hiện đang nắm giữ hơn 27% tổng tài sản quốc doanh.”

Chaebol trong tiếng Hàn được tạm dịch là “phe giàu có”, tương tự với một khái niệm cũng từng xuất hiện ở Nhật Bản là zaibatsu – bè phái siêu giàu. Zaibatsu là nhóm các doanh nghiệp gia đình có quy mô lớn ở Nhật Bản, nắm trong tay quyền điều khiển nền kinh tế và phần nào đó là cả chính trị của xứ sở Mặt Trời Mọc. Nhóm này đã bị Hoa Kỳ “dọn dẹp” kể từ sau Thế chiến thứ hai, trong khi chaebol vẫn ngấm ngầm phát triển để trở thành một thế lực của Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại.

Theo quan điểm của người phương Tây, chaebol là nhóm các doanh nghiệp tư nhân có mối quan hệ “ấm áp” với chính phủ Hàn Quốc. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng cùng những đóng góp của chaebol ở từng giai đoạn khó khăn của đất nước. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới, khái niệm chaebol giờ đây giống như một di tích văn hoá của Hàn Quốc ở giữa thế kỷ 21.

Ái nữ nhà Korean Air trả lời truyền thông sau vụ bê bối trên chuyến bay của cô (ảnh: IBTimes UK).

Ái nữ nhà Korean Air trả lời truyền thông sau vụ bê bối trên chuyến bay của cô (ảnh: IBTimes UK).

Cơ cấu quản trị xưa cũ cùng việc lạm dụng tỉ lệ sở hữu chéo các doanh nghiệp con, đã làm hạn chế tiềm năng phát triển của nhiều doanh nghiệp có ít nhiều liên đới đến chaebol. So với các doanh nghiệp cùng ngành tại châu Âu và Hoa Kỳ, giá trị cổ phiếu của các công ty Hàn Quốc có liên kết với nhóm chaebol thấp hơn rất nhiều. Ngay cả những người dân Hàn Quốc bình dị nhất cũng có chung một câu hỏi, rằng có đáng không khi bản thân họ và con cháu của họ phải lao lực chỉ để làm giàu cho một nhóm người nhất định.

Tác động không nhỏ của chaebol đến văn hoá thương hiệu châu Á nói chung và cơ cấu doanh nghiệp trong nước nói riêng, đã khiến cho Chủ tịch Hiệp hội Công bằng thương mại Kim Sang Jo phải lên tiếng: “Quan điểm cho rằng chaebol là động lực thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra việc làm đã trở nên lạc hậu. Chúng tôi ủng hộ và sẽ chung tay thúc đẩy quá trình làm rõ tỉ lệ sở hữu chéo trong thời gian tới, cũng như cải tiến mạnh mẽ cơ cấu quản trị của khối doanh nghiệp thuộc nhóm chaebol.”

Văn hoá thương hiệu châu Á bị tác động bởi thói quen sao chép

Trong cuốn sách The New Strategic Brand Management (Chiến lược quản trị thương hiệu mới), ở mục Văn hoá thương hiệu châu Á tác giả Jean-Noel Kapferer đã nhận định: “Thói quen sao chép trong văn hoá thương hiệu châu Á đến từ hai nguyên do. Một là bối cảnh xã hội lâu đời của châu lục này, hai là do thói quen được hình thành ngay trong chính môi trường giáo dục truyền thống.”

Để biết được bối cảnh xã hội đã ảnh hưởng đến văn hoá thương hiệu châu Á ra sao, chúng ta phải quay trở lại một thời kỳ mà châu lục tỷ dân chìm trong những căng thẳng nội bộ. Bất ổn leo thang cùng tác động tiêu cực từ những cuộc chiến tranh, khiến cho nền kinh tế lẫn năng lực tiêu dùng của người dân châu Á bị sụt giảm nghiêm trọng.

Ở giai đoạn này các thương hiệu châu Á bị buộc phải đi theo một định hướng duy nhất, đó là giới thiệu những sản phẩm có giá thành phù hợp nhất so với chất lượng thực tế. Khách hàng mục tiêu dĩ nhiên là phần đông người tiêu dùng châu Á ở thời điểm bấy giờ, chưa sẵn sàng chi quá nhiều tiền để sở hữu một sản phẩm không nằm trong danh mục thiết yếu. 

Cuốn The New Strategic Brand Management ở không gian sáng tạo của Vũ.

Cuốn The New Strategic Brand Management ở không gian sáng tạo của Vũ.

Chẳng hạn như trường hợp của ông Takayasu Honda – người dẫn dắt dự án tạo ra chiếc Toyota Corolla thế hệ thứ tám. Thời điểm đó nước Nhật đã nhiều năm liền chìm trong khủng hoảng kinh tế, không có dấu hiệu nào cho thấy năng lực tiêu dùng của người dân sẽ sớm quay đầu. Ông Honda đã xác định phương hướng sản xuất cho thế hệ Corolla tiếp theo, đó là một chiếc xe được cắt giảm trọng lượng để vừa đảm bảo hiệu suất vận hành, vừa tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho người sử dụng.

Nhưng không phải doanh nghiệp châu Á nào cũng sở hữu nguồn lực và kỹ thuật công nghệ đủ tốt như Toyota. Giúp thiên biến vạn hoá quy trình sản xuất và có thể tạo ra nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau ngay trên cùng một nền tảng thương hiệu. 

Nhiều thương hiệu khác chọn đi theo con đường sao chép, sử dụng lại các ý tưởng sẵn có của nhiều đối thủ cạnh tranh. Vì sao chép giúp cắt giảm trực tiếp nguồn lực đội ngũ, chi phí vận hành công ty và đặc biệt là nguồn vốn đầu tư vào quá trình thiết kế. Trong khi vẫn kịp thời theo đuổi những xu hướng sản phẩm mới mẻ nhất trên thị trường, không bị các đối thủ bỏ lại ở phía sau và còn có thêm lợi thế cạnh tranh về giá. 

Còn nói về môi trường giáo dục truyền thống, hầu hết các quốc gia châu Á đều đang vận hành hệ thống giáo dục trên nền tảng giáo dục bộ não. Thay vì ứng dụng nền tảng giáo dục con người đang rất thành công ở phương Tây, sử dụng triết lý nhân bản để tôn trọng mọi khác biệt và ưu tiên tinh thần sáng tạo nơi mỗi cá nhân. Cùng với văn hoá “tôn sư trọng đạo” đặc sệt tinh thần Á Đông, nền giáo dục cũ kĩ đang tạo ra những thế hệ tiếp nối làm ảnh hưởng tiêu cực đến văn hoá thương hiệu châu Á.

Học sinh không được thúc đẩy năng lực phản biện mà thay vào đó, bị ép vào một khuôn khổ giáo dục đặc thù. Nơi giáo án giảng dạy và giáo viên đứng lớp có quyền đánh giá năng lực, học vấn hay thậm chí cả hạnh kiểm và tư cách của một con người ngay từ những năm tháng đầu đời. Giống như câu nói nổi tiếng đến từ nhà vật lý học đại tài Albert Einstein:

Không phải học sinh nào cũng phù hợp và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn từ phía giáo viên, nhà trường hay cả một nền giáo dục khuôn khổ. Lúc này sao chép được xem như một biện pháp khả dĩ để những nhà làm giáo dục hoàn thành tốt mục tiêu của họ, đó là tạo ra một loạt các thế hệ tiếp nối rập khuôn và mất đi năng lực sáng tạo.

Cách đây ít ngày Giám đốc Marketing của Apple là ông Greg Joswiak đã phát biểu như sau: “Samsung và những thương hiệu chạy Android khác đang sao chép các công nghệ của chúng tôi, tạo ra những phiên bản iPhone kém chất lượng hơn và chỉ thêm vào đó những chiếc màn hình lớn.” Nhận định này của ông đã thu về nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phần lớn là những phản hồi tiêu cực nhằm vào vị giám đốc marketing của Táo Khuyết.

Tuy nhiên Greg Joswiak không phải người đầu tiên nói như vậy. Cũng trong cuốn sách The New Strategic Brand Management, tác giả J.N.Kapferer đã nhận định:

“Chẳng hạn như các ấn phẩm quảng bá cho dòng Samsung Galaxy S, chữ Galaxy S thậm chí còn được viết to hơn hẳn chữ Samsung. Samsung biết rằng bản thân họ không thể tuyên chiến với Apple trên mặt trận thương hiệu, nên họ đã chọn đi ngược lại với những gì Apple đang làm – ít nhất là trên phương diện truyền thông quảng cáo.”

Sao chép từ chỗ chỉ là một thói quen xấu, lâu dần còn là yếu tố tạo ra một hiện tượng tâm lý vô cùng phổ biến. Đó là chọn hài lòng và chấp nhận những giải pháp đã được chứng thực, thay vì quyết định đương đầu với rủi ro để tìm ra những lời giải tối ưu hơn.

iPhone đi sau Samsung hay Samsung ngày càng giống iPhone? (ảnh: XDA Developers).

iPhone đi sau Samsung hay Samsung ngày càng giống iPhone? (ảnh: XDA Developers).

Trong một bài viết gần đây của mình, Giáo sư Trương Nguyện Thành từng nhắc đến một thí nghiệm liên quan đến niềm tin mù quáng vào những gì đã được chứng thực. Người tham gia xem một đoạn phim ghi lại cảnh nhóm người đang nhồi bóng ở trước thang máy. Họ được yêu cầu tập trung và đếm thử xem nhóm người đó đã nhồi bóng bao nhiêu lần. Điều thú vị là sau vài giây thì cửa thang máy mở, một người khác mặc bộ đồ gấu đen bước ra đi xung quanh vài vòng rồi lại bước vào thang máy. 

Sau khi xem xong đoạn phim tất cả những người tham gia đều đếm đúng số lần nhồi bóng, nhưng kỳ lạ là không một ai biết đến chuyện có một “chú gấu đen” xuất hiện. Thí nghiệm này chứng tỏ rằng khi chúng ta càng tập trung vào một chủ thể nào đó, thì lại càng dễ mất tập trung và quên mất những gì đang xảy ra xung quanh. 

Cũng như vậy, khi một đội nhóm hay tổ chức càng tin vào những gì mình đang làm là đúng đắn, thì càng dễ tin rằng đó chính là công thức dẫn đến thành công. Từ đó ngại va chạm và hiếm khi chọn đương đầu với rủi ro để tìm ra những giải pháp mới tối ưu hơn. Thay vì thế, phần lớn đều chấp nhận ở lại với những giải pháp ban đầu vốn đã chứng tỏ được tính hiệu quả.

Nhưng theo ý kiến của Giáo sư Trương Nguyện Thành, niềm tin mù quáng này cũng là một con dao hai lưỡi. Ông dẫn chứng trường hợp của hai thương hiệu Nhật Bản là Kodak và Fujifilm. 

Văn hoá thương hiệu châu Á

Giáo sư Trương Nguyện Thành (ảnh:Zing News)

Ở giai đoạn hoàng kim Kodak là thương hiệu film máy ảnh hàng đầu thế giới và số một tại Nhật. Khi nhóm kỹ sư của hãng tìm ra công nghệ ảnh số hoàn toàn mới, ban lãnh đạo Kodak đã bác bỏ ngay lập tức vì “không bán được film thì lấy gì mà sống.” Cuối cùng film máy ảnh dần đi vào quên lãng và kéo theo sự sụp đổ của chính Kodak, họ đã chết bởi chính thế mạnh của mình năm xưa.

Ngược lại, Fujifilm là những người nghiên cứu được công nghệ ảnh số sau Kodak. Nhưng sớm nhận thấy nguy cơ lụi tàn của film máy ảnh, đội ngũ Fujifilm đã chấp nhận đương đầu với rủi ro và mạnh dạn chuyển đổi định hướng sang dòng ảnh số. Kết quả Fujifilm đã vươn lên trở thành thương hiệu hàng đầu châu Á và vẫn còn “sống khoẻ” ở thời điểm hiện tại. 

Lời kết

Văn hoá thương hiệu châu Á trong mắt người Châu Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung không phải một sự kì thị. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng văn hoá thương hiệu châu Á vẫn còn đó những vấn đề, nhược điểm làm hạn chế tiềm năng phát triển và năng lực cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu. Văn hoá thương hiệu châu Á là sức mạnh của chúng ta trên thương trường, là tấm khiên bảo vệ chúng ta trước những cuộc “xâm lấn” của nhiều thương hiệu phương Tây.

Nhưng văn hoá thương hiệu châu Á cũng kéo theo sự tự tôn, tự hào dân tộc đôi khi chạm đến ngưỡng mù quáng. Cùng với đó là tư duy quản trị theo mô hình gia đình, không can đảm trao quyền vào tay nhân sự ngoại quốc. Trong khi mô hình kinh doanh thì không ngừng lớn mạnh, bành trướng đến mức một cơ chế gia đình không tài nào đủ sức quán xuyến. 

Bài chia sẻ lần này của Vũ hy vọng đã giúp các bạn có đủ góc nhìn trực quan về văn hoá thương hiệu châu Á, hiểu thêm về ưu nhược điểm của văn hoá thương hiệu châu Á để chuẩn bị cho mô hình kinh doanh của mình sự chu đáo, bài bản và khoa học khi bắt tay vào xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu.

 

Nguồn: Văn hoá thương hiệu châu Á trong mắt người châu Âu - Vũ Digital (vudigital.co)

Quyền Vũ - Founder Vũ Digital

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/van-hoa-thuong-hieu-chau-a-trong-mat-nguoi-chau-au-a8418.html