Loạn tình trạng phân lô bán nền tại Lâm Đồng: Siết chặt và xử lý dứt điểm các sai phạm

Thời gian qua, nhiều khu vực tại tỉnh Lâm Đồng xuất hiện tình trạng các cá nhân, công ty bất động sản thu gom đất ở, đất vườn, đất trồng cây lâu năm… sau đó tự ý vẽ dự án phân lô, tách thửa đất, điều này đã gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Để kiểm soát vấn đề này, các ban ngành tại tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều biện pháp tăng cường kiếm tra, giám sát và xử lý dứt điểm các sai phạm.

Tăng cường công tác trong quản lý đất đai, phân lô tách thửa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S vừa ký ban hành Công văn số 7163 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 02/2022/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo việc phân lô, tách thửa đất, chuyển nhượng trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định về kinh doanh bất động sản.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa nhằm mục đích kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các điều kiện có liên quan.

Cụ thể, đầu tiên UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định. Thứ hai, dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải đảm bảo phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

Thứ ba, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu, việc hình thành các tuyến đường giao thông tại khu vực hiến đất làm đường phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định hiện hành có liên quan và phải được cấp phép xây dựng theo quy định.

12-1664269034.jpeg

Trước tình trạng phân lô bán nền diễn ra tràn lan, các ban ngành tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều biện pháp tăng cường kiếm tra, giám sát và xử lý dứt điểm các sai phạm. (Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng thị sát tại "dự án" The Tropicana Garden gần 100 căn biệt thự do cá nhân đầu tư mà không thành lập doanh nghiệp).

Để tăng cường công tác quản lý đất đai, ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền phá vỡ quy hoạch, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh chỉ đạo cần tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý việc phân lô, tách thửa trên địa bàn tỉnh. Việc phân lô, tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất vừa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất vừa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng nhằm khắc phục triệt để tình trạng phân lô, bán nền không phù hợp giữa các quy hoạch trong thời gian qua.

Đối với các dự án kinh doanh bất động sản chưa có trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 và hàng năm, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ động kiểm tra, rà soát.

Riêng Sở Tư pháp, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo đơn vị này phải có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng, chấp hành nghiêm quy định quản lý trong hoạt động công chứng văn bản liên quan đến hợp đồng kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản…

Toàn tỉnh chỉ có 1 dự án được chấp thuận trong 9 tháng đầu năm

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng vừa phát đi Công văn số 2103/KHĐT-KTĐN về việc thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng quý 3/2022.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quý 3/2022, không có dự án nhà ở, dự án du lịch nghỉ dưỡng được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

2-1664269028.jpeg

Nhiều khu đất không đủ điều kiện lập dự án nhưng đã được các cá nhân, doanh nghiệp tự ý giới thiệu là khu “nghỉ dưỡng, khu dân cư” với tiếng nước ngoài để bán hàng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2022, có 1 dự án nhà ở Khu dân cư nông thôn mới đô thị xanh tại xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Đồng thời, có 2 dự án nhà ở được UBND tỉnh công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án là dự án Khu dân cư đồi Thanh Danh và dự án Khu dân cư Bi Đoúp, thị trấn Lạc Dương.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 28 dự án nhà ở, khu đô thị đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (đã có nhà đầu tư) còn hiệu lực hoạt động; 2 dự án nhà ở đã được chấp thuận chủ trương (chưa được phê duyệt chấp thuận nhà đầu tư).

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh hiện có 70 dự án du lịch - thương mại - dịch vụ có công trình là căn hộ, biệt thự du lịch.

Tăng cường xử phạt dự án “ma”

Có thể thấy, từ những tháng đầu năm 2022 đến nay, tình hình sốt đất, giao dịch về bất động sản ở các khu vực trên địa bản tỉnh Lâm Đồng diễn ra khá "nóng” khiến số lượng hồ sơ đất đai tăng đột biến.

Cụ thể, theo thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, trong quý 1/2022, toàn tỉnh có hơn 12.000 giao dịch thành công, với tổng số tiền bán ra gần 12.000 tỉ đồng. Trong đó, huyện Lâm Hà dẫn đầu với 3.000 giao dịch thành công qua công chứng. Kế đến là huyện Di Linh với gần 2.000 giao dịch, huyện Đức Trọng hơn 1.600 giao dịch, thành phố Đà Lạt cũng đạt hơn 1.100 giao dịch và huyện Bảo Lâm có hơn 1.000 giao dịch. Bước sang quý 2/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có  gần 20.000 giao dịch đất nền thành công qua công chứng. Song song với đó, toàn tỉnh có 1.100 giao dịch nhà ở riêng lẻ thành công qua công chứng.

Việc bất động sản tăng nóng tại Lâm Đồng thời gian qua đã khiến nhiều cá nhân, công ty bất động sản tiến hành thu gom đất ở, đất vườn, đất trồng cây lâu năm… rồi tự ý mở đường, tách thửa sau đó tự đặt tên cho các khu đất đã được tách thửa là khu “nghỉ dưỡng, khu dân cư” với tiếng nước ngoài để bán hàng. Điều này đã gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, phá nát quy hoạch xây dựng tại địa phương.

1-1664269023.jpeg
Các cơ qian chức năng tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã xử lý hành chính nhiều doanh nghiệp quảng cáo dự án không đúng sự thật các khu đất nền.

Trước tình trạng này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với ban ngành liên quan xử lý hành chính nhiều doanh nghiệp quảng cáo dự án không đúng sự thật các khu đất nền. Điển hình là xử phạt hành chính 25 triệu đồng (Quyết định số 71/QĐ-XPVPHC) vì hành vi quảng cáo không đúng sự thật về thông tin bán đất nền khu dân cư Pine Valley Bảo Lộc khi chưa có quyết định phê duyệt dự án. Khu đất này từng do Công ty CP Đầu tư - Môi giới BĐS Thanh Hưng rao bán.

Hay Công ty CP Alpha Land cũng bị xử phạt hành chính số tiền 25 triệu đồng (Quyết định số 66/QĐ-XPVPHC) vì quảng cáo bán đất nền khu dân cư Sakura Garden Bảo Lộc khi chưa có quyết định phê duyệt dự án. Tương tự, Công ty TNHH TNT Land Group cũng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính số tiền 25 triệu đồng vì quảng cáo bán đất nền Farm Hill Lộc Ngãi khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt dự án…

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, gần đây tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở nhưng đã bị phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán đất nền, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, thiệt hại rất lớn; gây mất an ninh trật tự; phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương và làm trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư dự án lớn do giá đất đã bị đẩy lên quá cao.

"Thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản "bất lương" đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng. Thậm chí câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn”, ông Châu cho hay.

Để tránh xảy ra tính trạng này, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động môi giới bất động sản. Đồng thời, mong muốn cơ quan nhà nước vào cuộc quyết liệt sẽ sớm lập lại trật tự, hạ "sốt ảo", chống phân lô bán nền trái phép.

Theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là UBND quận, huyện, phường, xã cần có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp đầu nậu, doanh nghiệp núp bóng người sử dụng đất để thực hiện tách thửa, phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật trên địa bàn.

Đức Linh

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/loan-tinh-trang-phan-lo-ban-nen-tai-lam-dong-siet-chat-va-xu-ly-dut-diem-cac-sai-pham-a8843.html