Viglacera Thăng Long: Nhập đất tận thu từ dự án đầu tư xây dựng để làm gạch men có đúng quy định?

Những năm gần đây, việc khai thác đất để làm gạch (bao gồm cả gạch men, gạch ốp lát) đã được Nhà nước, chính quyền các cấp siết chặt, những mỏ đất được cấp phép càng ngày càng ít khiến cho các nhà máy gạch gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu đầu vào. Có một thực tế là, nhu cầu gạch xây dựng trên nhiều tỉnh, thành đang tiếp tục tăng, vì lợi nhuận, một số cá nhân sẵn sàng bỏ qua các quy định của Nhà nước về quản lý tài nguyên, khoáng sản để có nguyên liệu sản xuất gạch.

Trên thị trường hiện nay, một trong số các thương hiệu gạch men ốp lát Ceramic được rất nhiều người dân trong nước biết đến và sử dụng là thương hiệu Viglacera. Gạch men được sản xuất với cốt liệu chính là đất sét, tràng thạch và penphat.

Một trong số các đơn vị sản xuất gạch men ốp lát có tên tuổi gồm Công ty CP Viglacera Thăng Long, là đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Viglacera – CTCP, địa chỉ tại TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

cac-xe-tai-ngay-dem-cho-dat-tu-mot-du-an-dau-tu-xay-dung-den-cong-ty-viglacera-thang-long-de-tieu-thu-1667183988.jpg
 

Tại Công ty CP Viglacera Thăng Long (gọi tắt Viglacera Thăng Long) hiện nay đang có tình trạng nhập nguyên liệu đầu vào (đất)  tận thu từ một dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội khi dự án này đang thi công các hạng mục dưới lòng đất.

Qua nhiều ngày ghi nhận thực tế, phóng viên đã có nhiều hình ảnh về việc các xe tải, xe đầu kéo rơ mooc vận chuyển đất từ Dự án trên đến Viglacera Thăng Long để tiêu thụ.

Để tìm hiểu rõ vấn đề, phóng viên đã liên hệ làm việc với Viglacera Thăng Long. Vài ngày sau đó, có một số điện thoại 09122255xx gọi cho phóng viên để xin gặp riêng tuy nhiên đã bị phóng viên từ chối.

Ngày 26/10, phóng viên đã có buổi làm việc với Công ty CP Viglacera Thăng Long, tại buổi làm việc có đại diện là bà Hiền, cán bộ phòng Kế hoạch và ông Nguyện, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính.

Ngay từ đầu buổi làm việc, mặc dù phóng viên đã xuất trình đầy đủ giấy giới thiệu, giấy tờ chứng minh nhân thân tuy nhiên ông Nguyện liên tục vặn vẹo, yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ Nhà báo, thậm chí còn đặt câu hỏi khá gắt: “phóng viên không có thẻ Nhà báo mà gọi là phóng viên, phóng viên đâu, thẻ Nhà báo đâu?”

Trải qua một quá trình tra hỏi khá dài dòng, ông Nguyện mới làm việc về vấn đề nhập nguyên liệu đầu vào, ông Nguyện cho biết “nhà nước cho phép tiêu thụ khoáng sản tận thu, đơn vị cung cấp đất đến đây cam kết về nguồn gốc, tính pháp lý của sản phẩm cấp cho bên anh (Viglacera Thăng Long-PV). Công ty CP Nam Hưng thuộc tập đoàn này họ đã cam kết với bên anh về tính pháp lý của hàng hóa.”. Khi phóng viên có ý kiến được tiếp cận về tính pháp lý, nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm mà Công ty Nam Hưng cấp cho Viglacera Thăng Long để có thông tin đa chiều xoay quanh việc tiêu thụ khoáng sản tận thu từ dự án đầu tư xây dựng của Viglacera Thăng Long là đúng quy định, tránh các hiểu lầm không đáng có về doanh nghiệp nhưng ông Nguyện đưa ra nhiều lý do để không cung cấp.

Tiếp đó, bà Hiền cho biết “bên mình đã ký kết mua nguyên liệu với nhiều đơn vị, và các đơn vị cung cấp phải chịu trách nhiệm về vấn đề tính pháp lý hàng hóa cấp cho bên mình, trước đây có Công an kinh tế họ vào, bên mình cũng chỉ cần đưa hợp đồng ra là họ làm việc với bên cấp hàng hóa nguyên liệu cho bên mình.”

Sau đó, bà Hiền và ông Nguyện giới thiệu cho phóng viên làm gặp và làm việc với đơn vị vận tải là Công ty TNHH Nguyễn Khang, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc để tìm hiểu rõ hơn.

Tại văn phòng của Công ty Nguyễn Khang, ông Dũng Giám đốc Công ty Nguyễn Khang cho biết: “chỗ đấy là đất thải, không có giấy tờ gì đâu, bên đó bán cho anh hơn 1 triệu/xe, múc được ít nào thì múc, múc xe nào trả tiền xe đấy, có đáng gì làm hợp đồng đâu, lớn mới làm chứ nhỏ không làm”. Khi phóng viên ngỏ ý muốn tiếp cận với những tài liệu, văn bản liên quan giữa Công ty Nguyễn Khang và Viglacera Thăng Long về vấn đề trên tuy nhiên ông Dũng từ chối.

Qua đây, liệu rằng công tác quản lý về nguyên liệu đầu vào (đất) tận thu từ các dự án đầu tư xây dựng có được Viglacera Thăng Long thẩm định kỹ càng về nguồn gốc hợp pháp trước khi ký kết, hay chỉ dựa vào cam kết trong hợp đồng của đơn vị cung cấp?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 thì khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm: cát các loại; đất sét làm gạch, ngói; đá các loại; cuội, sỏi, sạn …Khoản 2 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định kinh doanh khoáng sản là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

- Điều 14 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương quy định:

“Điều 1. Bổ sung Khoản 11 Điều 9 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP...

11. Điều kiện kinh doanh khoáng sản:

a) Là thương nhân theo quy định của Luật Thương mại;

b) Thương nhân chỉ được kinh doanh khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp.

Khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp là khoáng sản có nguồn gốc, xuất xứ thuộc một trong các trường hợp sau:

- Được khai thác hoặc khai thác tận thu từ các mỏ, điểm mỏ, bãi thải trong thời hạn Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực;

- Khoáng sản được nhập khẩu theo Tờ khai hàng hóa nhập khẩu có xác nhận của Hải quan cửa khẩu;

- Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu và phát mại”

Phạm Hiển

Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/viglacera-thang-long-nhap-dat-tan-thu-tu-du-an-dau-tu-xay-dung-de-lam-gach-men-co-dung-quy-dinh-a9146.html