Mệt mỏi tìm khách hàng
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp BĐS đã liên tục bung hàng, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, với hi vọng thu hút người mua. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn, việc tìm kiếm được khách hàng trong giai đoạn này là vô cùng khó khăn. Qua đó, áp lực tìm được khách hàng mua bất động sản đang đè nặng lên lực lượng môi giới hiện nay.
Chị N.T.L (ngụ quận 8) có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản 5 năm cho hay, hiện nay rất nhiều khách hàng đang rất thận trọng đối với hoạt động đầu tư. Đặc biệt, đối với bất động sản, nhiều khách hàng du có tiềm lực tài chính cũng “quay xe”, thể hiện không còn mấy mặn mà.
“Dù mình có một số lượng khách hàng thân quen và cố định. Những khách hàng này chuyên đi đầu tư ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Ngày trước, chỉ cần có dự án phù hợp, chính sách hợp lý, khi mình thông tin thì họ rất hào hứng, thậm chí đầu tư mà còn không đến xem dự án. Có người còn mua nhiều lô cùng một lúc…Nhưng hiện nay, tất cả đang rất “dè dặt” với câu chuyện đầu tư. Tâm lý chung hiện nay của đa số khách hàng chỉ muốn giữ tiền mặt bên cạnh, có chăng là mua vàng. Bên cạnh đó, khi Tết sắp đến, tâm lý khách hàng càng chỉ muốn giữ tiền mặt bên cạnh…”, chị N.T.L chia sẻ.
Anh L.M.T (ngụ quận 7) một “cò đất” khu vực Nam Sài Gòn cho biết, áp lực hiện nay của lực lượng môi giới là rất lớn. Khi thị trường không còn sôi động, việc kiếm được khách hàng trong giai đoạn này vô cùng khó khăn, dù đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi. Nhiều môi giới phải chuyển hướng hoặc làm nhiều công việc cùng một lúc.
“Có hai khách hàng gửi cho tôi 2 lô đất từ hồi tháng 6. Tôi cũng đã chào mời với những khách hàng thân quen của mình, nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu. Nhiều khách hàng thân quen trước kia cũng nhờ tìm khách hàng để “cắt lỗ” đất nền, chung cư, condotel…rất nhiều. Chưa kể, nhiều chủ căn hộ còn tặng nội thất, phí quản lý 1 năm…nhưng vẫn gặp khó khi kiếm được người mua. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt” trong cổ phiếu, chưa kể những khoản đầu tư trước kia vào bất động sản thì vẫn chưa bán được. Vì vậy, khi kêu họ đầu tư vào bất động sản lúc này dù có nhiều chính sách tốt, cũng không còn hấp dẫn nữa…”, anh L.M.T cho hay.
Đối với khu vực vùng ven Sài Gòn, nhiều môi giới cho biết, khi thị trường đang tốt, giá đã được đẩy lên khá cao, nên ở thời điểm hiện tại dù có “cắt lỗ” cũng không tìm được người mua. Dù có nhiều thông tin tích cực về các dự án đầu tư công sắp tới, nhưng nhà đầu tư cũng không mặn mà, nguyên nhân là giá đã được đẩy đi khá xa…
“Không nói đâu xa, riêng cái dự án xây dựng cầu Cát Lái (nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với Cát Lát, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã làm xáo trộn giá đất biết bao nhiều lần ở huyện Nhơn Trạch, khiến giá ở khu vực nay đã lên rất cao. Sắp tới, dự án xây cầu này được khởi công thì giá lại còn lên nữa. Dù thấy được điều đó, nhưng nhà đầu tư hiện tại không còn hứng thú nữa, nếu tiếp tục xuống tiền thì sau này rất khó ra hàng. Chưa kể, lãi xuất ngân hàng tăng cao, tín dụng vào BĐS bị siết thì dù có muốn đầu tư cũng đành chịu mà thôi…”, cò đất tên H. tâm sự.
2023 khó đón với bất động sản
Dự báo về thị trường BĐS năm 2023, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, thị trường vẫn tiếp tục xấu, nhưng có hi vọng vào quý 2 và 3/2023. Thị trường sẽ phục hồi và phát triển ổn định lại vào 2025.
“Theo tôi việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để đánh giá, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho thị trường là hành động kịp thời, đúng lúc. Vì hiện nay bất động sản nói chung không có lối thoát về mặt giao dịch, room tín dụng, nguồn vốn rất khó khăn. Cần có sự hỗ trợ của tất cả các ngành chứ không riêng lĩnh vực nào đó, không riêng Bộ Xây dựng tháo gỡ về mặt pháp lý, hay không riêng ngân hàng hỗ trợ về mặt tài chính, mà rất cần sự vào cuộc của nhiều bộ ban ngành hỗ trợ cho thị trường bất động sản đi lên một cách lành mạnh, minh bạch hơn…”, ông Quang cho hay.
Theo ông Quang, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nguồn tiền, về vốn. Theo đó, thứ nhất phải giải quyết được câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Đối với doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hoặc một số doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, có thể chúng ta vào hỗ trợ xử lý, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người mua trái phiếu, đồng thời ổn định thị trường.
Thứ hai về mặt ngân hàng, hiện mở room tín dụng cũng khó, nếu có mở thì cũng khó rót tiền tới doanh nghiệp bất động sản, bởi doanh nghiệp bất động sản không thuộc đối tượng ưu tiên. Bản thân các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất khác hiện đang gặp nhiều khó khăn về vốn..
Thứ ba về mặt lãi suất cho vay. Tôi nghĩ lãi suất là chính sách chung của Chính phủ, làm sao kéo lãi suất cho vay về khoảng 12% là hợp lý, hiện nay lãi suất ở một số ngân hàng lên tới 16% thì khó làm được gì.
Về mặt pháp lý, nên đưa ra những chính sách giải quyết liên quan tới đất công. Cụ thể cần đơn giản hoá thủ tục về cấp phép xây dựng đối với các dự án.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam bày tỏ, thực tế hiện nay, pháp lý vẫn là vấn đề vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai các dự án bất động sản.
Những vướng mắc về pháp lý khi triển khai các dự án bất động sản chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thiếu thống nhất. Tuy nhiên, để gỡ điểm vướng này cần phải chờ đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 được thông qua, đồng thời một số luật liên quan cũng được bổ sung, hoàn thiện.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khả năng thị trường diễn biến theo hướng xấu nhiều hơn tốt. Nếu có những chính sách đặc thù hỗ trợ, thị trường bất động sản mới có diễn biến tích cực hơn.
Gia Bình
Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/sale-bat-dong-san-met-moi-di-tim-khach-hang-nhung-ngay-cuoi-nam-a9412.html