Theo đó, quý 4/2022, HPG đạt được doanh thu khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế gần 2.000 tỷ đồng. Ở thời điểm quý 4/2021, HPG có lãi hơn 7.400 tỷ đồng.
Đây là quý thua lỗ thứ hai liên tiếp mà doanh nghiệp của ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát) đối mặt. Trước đó, ở quý 3/2022, HPG đạt doanh thu 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng thêm 6.290 tỷ đồng, tương đương thêm 23,5%.
Doanh thu giảm trong khi giá vốn đi lên khiến cho lợi nhuận gộp của HPG chỉ còn 1.001 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm còn 2,9%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính quý đạt 886 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng vọt 138,5% lên 2.309 tỷ đồng. Riêng chi phí lãi vay là 837 tỷ đồng, chiếm hơn 36% tổng chi phí tài chính trong kỳ và tăng 24% so với quý III năm ngoái. Lỗ chênh lệch tỷ giá (đã thực hiện và chưa thực hiện) lên tới 1.413 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần cùng kỳ.
Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 9% và 24,5%, ghi nhận 635 tỷ đồng và 294 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 3 của Hòa Phát ghi nhận âm 1.786 tỷ đồng, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên Hoà Phát báo lỗ (tính theo quý) sau hơn 13 năm. Lần gần nhất doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận một quý âm là cuối năm 2008.
Theo lý giải của Hoà Phát, kết quả kinh doanh trên do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, cùng với đó, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường. Tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của công ty.
Kết quả kinh doanh đi xuống trong nửa cuối năm nhưng Hòa Phát vẫn giữ vị trí số 1 về thị phần ống thép và thép xây dựng.
Cụ thể, trong năm 2022, Hòa Phát sản xuất 4,26 triệu tấn và bán ra 4,28 triệu tấn thép xây dựng, thị phần cải thiện từ 32,6% năm 2021 lên 34,8% năm 2022 và tiếp tục dẫn đầu toàn ngành.
Thị phần của Hòa Phát lớn gấp hơn ba lần doanh nghiệp đứng vị trí số 2 là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel - MCK: TVN). Các doanh nghiệp xếp sau lần lượt là Vina Kyoei, Formosa Hà Tĩnh và Ống thép Việt Đức.
Ở thị trường ống thép, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát tăng 11% so với năm 2021 lên mức 749.000 tấn trong năm 2022, nâng thị phần từ 24,7% lên 28,5%. Với tôn mạ, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long nằm trong top 5 với sản lượng 329.000 tấn, thị phần 7,8%.
Với quy mô công suất 8,5 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, tương đương top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu thép suy yếu và tồn kho cao giữa lo ngại về suy thoái kinh tế, Hòa Phát đã phải tạm ngừng hoạt động 4/7 lò cao từ cuối tháng 11, giảm công suất hoạt động.
Đến cuối tháng 12, Hòa Phát đã bắt đầu chuẩn bị khởi động lại một lò cao ở Khu Liên hợp Hải Dương.
Hồng Vũ
Link nội dung: https://www.nhaquanly.vn/hoa-phat-lo-gan-2000-ty-dong-va-doanh-thu-giam-42-trong-quy-42022-a9754.html