Quảng Ninh đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng Khu kinh tế Vân Đồn

truong.bui

10/06/2019 15:28

Quảng Ninh – địa phương có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất, đang lên kế hoạch đầu tư vào hạ tầng Vân Đồn với mục tiêu trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tỉnh Quảng Ninh sẽ dành 8.350 tỉ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư vào Khu kinh tế Vân Đồn trong giai đoạn 2019-2030, theo kế hoạch đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh công bố hôm 6.6.

Kế hoạch đầu tư được ban hành sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để tỉnh Quảng Ninh lập đồ án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn, sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh này vào ngày 24.9.2018.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Vân Đồn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Quảng Ninh.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sân bay tư nhân đầu tiên trọng cả nước, được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh)
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sân bay tư nhân đầu tiên trọng cả nước, được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Vân Đồn được kỳ vọng trở thành một trong những động lực kinh tế của Việt Nam. Khu tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Quảng Ninh dự kiến sẽ mở rộng sân bay quốc tế Vân Đồn để có thể đón được năm triệu khách và 30 nghìn tấn hàng hóa trong vòng 10 năm nữa, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng sân bay trực thăng ở các đảo, nhằm tạo điều kiện đi lại giữa Vân Đồn và Hạ Long – một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

Ngoài hàng không, tỉnh Quảng Ninh sẽ đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và đầu tư xây dựng một loạt tuyến đường kết nối các khu vực lân cận vào khu kinh tế này. Ngoài ra, tỉnh sẽ nghiên cứu tuyến cáp treo từ Cái Bầu ra đảo Trà Ngọ - Cái Lim nhằm phát triển du lịch tham quan phong cảnh biển.

Trong một báo cáo phát hành vào tháng 4.2019, công ty nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam nhận định Quảng Ninh và Hải Phòng có thể trở thành trung tâm công nghiệp và logistics cốt lõi tại Việt Nam nhờ sở hữu vị trí chiến lược gần Trung Quốc, cơ sở hạ tầng logistics, nền kinh tế đa dạng và mật độ dân số cao.

Quảng Ninh đã giữ vị trí dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong hai năm liên tiếp, 2017 và 2018, được đánh giá có môi trường kinh doanh cởi mở, thu hút đầu tư.

Tỉnh Quảng Ninh cho biết, Vân Đồn được định hướng trở thành một đô thị biển đảo xanh, là trung tâm kinh tế phát triển các ngành nghề, công nghệ mới, có trình độ cao. Trọng tâm phát triển Vân Đồn bao gồm dịch vụ logistics, du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí có casino, công nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp và giao thương quốc tế.

Trong kế hoạch chi ngân sách, Quảng Ninh dự kiến dành 2.400 tỉ đồng từ ngân sách của tỉnh để tập trung đầu tư hạ tầng cho Khu kinh tế Vân Đồn, đồng thời đề xuất ngân sách trung ương bổ sung 2.100 tỉ đồng và huy động nguồn lực từ đất đai khoảng 350 tỉ đồng từ năm 2019-2025.

Tỉnh ước tính số thu ngân sách cho hoạt động đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng trong giai đoạn 2026-2030.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tổng vốn cần huy động để đầu tư vào Khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2019 - 2030 là 171.550 tỉ đồng, tương đương gần 7,4 tỉ USD. Trong đó, dự kiến số vốn đầu tư nước ngoài chiếm 56%, còn lại 44% đến từ nhà đầu tư trong nước.

Khu kinh tế Vân Đồn được quyết định thành lập từ năm 2007, bao gồm toàn bộ tỉnh Vân Đồn với diện tích trên 217.000 ha, theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh.

Để hấp dẫn nhà đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết sẽ nỗ lực hoàn tất quy hoạch và tập trung giải phóng mặt bằng. "Đặc biệt lưu ý triển khai quy hoạch đô thị cao cấp để thu hút các đối tác và doanh nghiệp lớn đến làm việc, sinh sống", cơ quan này cho biết trong kế hoạch thu hút đầu tư.

Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,1% với quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 6,2 tỉ USD trong năm 2018, theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

truong.bui