Quy hoạch cần hướng đến phát huy thế mạnh của địa phương

Phương Hiền

05/11/2022 11:08

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và liên tục trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo một quy hoạch nhất quán, bài bản, hợp lý và mang tầm nhìn dài hạn ở cả cấp quốc gia lẫn cấp vùng.

Mọi bản quy hoạch tốt đều cần được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu và phản biện khoa học vững chắc, hướng đến khai thác hiệu quả những thế mạnh đặc thù của địa phương (regional advantages), tích hợp đa ngành (integrated multi-sectors) nhằm tạo ra hiệu ứng đồng vận (synergy), đồng thời đảm bảo hài hòa, cân bằng lợi ích, tôn trọng và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.

Như trường hợp Khu kinh tế Vân Phong, mặc dù được thành lập từ khá sớm (2006), nhưng phần lớn các kế hoạch phát triển tại đây cho đến nay vẫn chưa thành công do thiếu trọng điểm, không tập trung vào khai thác những thế mạnh của địa phương. Công ty Thủy sản Australis ở phía Bắc và nhà máy đóng tàu Huyndai Vietnam Shipbuilding tại phía Nam là hai trường hợp thành công hiếm hoi nhờ biết “làm khác”.

Năm 2017, các chuyên gia tư vấn từ Boston Consulting Group (BCG) từng khuyến nghị quy hoạch mới cho Vân Phong nên tập trung vào 5 trụ cột: nuôi trồng thủy sản, đóng tàu, logistic, năng lượng và du lịch trải nghiệm, qua đó làm lợi và kéo theo sự tăng trưởng của nhiều ngành nghề khác như chế tạo, công nghệ cao, bán lẻ, nông nghiệp,…

Trong lĩnh vực du lịch, thay vì xây dựng quá nhiều bất động sản nghỉ dưỡng – vốn đang khá dư thừa, Khánh Hòa nói chung và Vân Phong nói riêng nên ưu tiên khai thác du lịch theo hướng độc đáo, chẳng hạn đưa du khách tham quan học hỏi tại trại nuôi trồng thủy sản – bên cạnh mục đích giải trí còn mang ý nghĩa giáo dục (như giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, …). Na Uy đã làm như vậy và bước đầu thành công.

1-1667620134.jpg

Khu kinh tế Vân Phong được kỳ vọng tạo nên sức bật cho tỉnh Khánh Hòa và cả khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, đề án quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong mới hiện đang được điều chỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt lại không tính đến chuyện ưu tiên phân vùng không gian biển cho nuôi trồng thủy sản – vốn là thế mạnh lớn nhất và rõ ràng nhất của địa phương. Thay vào đó, những nhà làm quy hoạch dường như lại đặt cược cho các siêu dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm tài chính dịch vụ với quy mô lên đến hàng chục ngàn căn hộ, biệt thự, phòng khách sạn mà không ai dám chắc có thể được lấp đầy.

Trong bối cảnh đại dịch tàn phá gần 3 năm qua, riêng tại Nha Trang đã có khoảng 300 khách sạn, nhà nghỉ bị rao bán. Bất cứ ai đứng từ trung tâm thành phố Nha Trang đều có thể dễ dàng quan sát Hòn Tre (diện tích 3.250 ha), nơi có dự án Vinpearl đầu tiên của tập đoàn Vingroup. Sau hơn 20 năm phát triển, tỷ lệ xây dựng ở đây mới chỉ chiếm dưới 10% diện tích đất. Nguyên nhân là do nhu cầu của thị trường không đủ, bên cạnh địa hình tương đối nhiều núi và không thuận lợi. Trong khi một mình Hòn Lớn (4.600 ha) tại Vân Phong đã rộng hơn nhiều so với Hòn Tre và mang đặc điểm địa hình gần như tương tự, thật khó hình dung nó có thể được lấp đầy chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo thông tin chính thức, tỉnh Khánh Hòa đã cho phép Tập đoàn Sun Group mời các đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia lập quy hoạch cho Khu kinh tế Vân Phong. Khi vẽ quy hoạch, những đơn vị này dường như chưa tính toán hết thiệt hại mà người dân và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác phải chịu trong trường hợp di dời để nhường đất hoặc mặt biển cho những siêu dự án bất động sản.

2-1667620134.png

Địa hình Hòn Tre (trái) và Hòn Lớn (phải).

Trong một hội thảo về phát triển kinh tế biển diễn ra hôm 1/10 tại Hà Nôi, doanh nhân Josh Goldman – nhà sáng lập kiêm CEO công ty Australis, điểm sáng về nuôi trồng thủy sản biển nhiệt đới bền vững tại Khánh Hòa – cho biết: Công ty ông đã đầu tư hơn 200 triệu USD trong suốt 15 năm qua để nuôi cá chẽm (cá vược) trên vịnh Vân Phong và đang phát triển rất tốt. Năm nay sản lượng có thể đạt 10.000 tấn (lớn nhất thế giới), hướng tới mục tiêu 40.000 tấn (năm 2032), xuất khẩu đạt 400 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho 10.000 lao động và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, Australis đang đối diện với nguy cơ không được gia hạn giấy phép thuê mặt nước ở một số khu vực và buộc phải di dời khỏi địa điểm nuôi trồng lý tưởng do ưu tiên phát triển mới trong quy hoạch Vân Phong. Nuôi trồng thủy sản vốn là lĩnh vực hết sức đặc thù, đòi hỏi sự cam kết đầu tư và duy trì hoạt động lâu dài, cho nên việc di  dời sang những địa điểm không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí nuôi trồng thuận lợi (như kín gió, che chắn bão tốt, nước sâu, sạch, nhiệt độ, độ mặn ổn định,…) chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại khôn lường.

Cuối cùng, rất mong các nhà làm chính sách nghiêm túc lắng nghe và tham khảo ý kiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia để có những bản quy hoạch phát triển vùng sáng suốt. Chỉ khi ấy, Việt Nam mới không bỏ lỡ cơ hội để phát huy hết tiềm năng và tăng trưởng bứt phá.

Phương Hiền