SAGO có thể là cơ hội cuối cùng để xác định nguồn gốc virus Corona

Quỳnh Giang

14/10/2021 15:31

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 13/10 đã công bố danh sách 26 thành viên của nhóm cố vấn khoa học về nguồn gốc mầm bệnh mới (SAGO). WHO cho rằng nhóm cố vấn mới được thành lập được xem là 'cơ hội cuối cùng' để xác định nguồn gốc dịch Covid-19.

tong-giam-doc-who-tedros-1634199854.jpg
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Ngày 13/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố danh sách 26 thành viên của nhóm cố vấn khoa học về nguồn gốc mầm bệnh mới (SAGO). Nhóm chuyên gia này sẽ có nhiệm vụ xác định, đánh giá các mầm bệnh mới và cách để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

Các quan chức WHO cho biết, SAGO sẽ đánh giá cả các nghiên cứu gần đây, bao gồm những nghiên cứu mô tả loài dơi có liên quan mật thiết đối với virus corona, và tư vấn cho tổ chức về những nghiên cứu cần thiết trong tương lai, trong đó có thể có cả các nghiên cứu trên thực địa ở Trung Quốc.

Hãng thông tấn Reuters, dẫn lời Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, cho rằng SAGO có thể là cơ hội cuối cùng để xác định nguồn gốc virus corona. "Đây là cơ hội tốt nhất của chúng ta và cũng có thể là cơ hội cuối cùng để hiểu được nguồn gốc của loại virus này", ông Ryan cho biết trong cuộc họp báo hôm 13/10.

Sau khi virus SARS-CoV-2 bùng phát trở thành đại dịch toàn cầu vào năm 2020, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc xóa dữ liệu di truyền từ khoảng 22.000 mẫu virus đang được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán và cho rằng Bắc Kinh từ chối cung cấp đủ thông tin cho phía Mỹ và WHO. Thậm chí nhiều quan chức Mỹ cáo buộc virus SARS-CoV-2 có thể được tạo ra và rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc. 

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong cuộc họp báo vào ngày 15-7 đã thừa nhận với các phóng viên rằng vẫn có khả năng vi rút Covid-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm. Ông Tedros đã dẫn lại những kinh nghiệm của mình khi là một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và nhà miễn dịch học, từ đó ông nói rằng “tai nạn trong phòng thí nghiệm là điều phổ biến”, vì vậy phải “kiểm tra chuyện đã xảy ra, đặc biệt là trong phòng thí nghiệm”. Theo ông, đây là điều quan trọng để suy ra nguồn gốc đại dịch.

Từ đó, ông Tedros kêu gọi Trung Quốc cùng các quốc gia thành viên minh bạch và hợp tác với các nhà khoa học trong việc xác định nguồn gốc đại dịch Covid-19, bao gồm cả việc cung cấp dữ liệu thô.

Một ngày sau, ngày 16-7, trong cuộc họp kín với đại diện của các nhà nước thành viên WHO, Tổng giám đốc Tedros  đề xuất 5 ưu tiên cho giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Trong đó có “việc kiểm tra các phòng thí nghiệm liên quan và các viện nghiên cứu hoạt động ở những khu vực có ca nhiễm đầu tiên được xác định vào tháng 12.2019”.

Ông Tedros còn kêu gọi nghiên cứu thêm các chợ bán động vật trong và xung quanh thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố và là nơi tọa lạc của Viện Virus học Vũ Hán.

Tuy nhiên tại một cuộc họp báo sau đó, Thứ trưởng Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc  Tăng Ích Tân cho biết ông rất ngạc nhiên khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đề xuất quay lại điều tra giai đoạn 2 Phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Giải thích cho cái gọi là "rất ngạc nhiên" này, ông Tăng Ích Tân cho biết đoàn chuyên gia do WHO dẫn đầu vừa mới đến các địa điểm này hồi đầu năm 2021 và đã được Trung Quốc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu dữ liệu. Vì vậy ông cho biết Trung Quốc sẽ không tuân theo kế hoạch giai đoạn 2 như Tổng giám đốc WHO đề xuất hôm 16-7.

"Đề xuất của WHO về thúc đẩy một cuộc điều tra nguồn gốc virus nữa ở Trung Quốc, ám chỉ một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, cho thấy sự ngạo mạn đối với khoa học và sự thiếu tôn trọng lẽ thường", ông Tăng Ích Tân nói.

Đáp trả lại động thái "đóng cửa" của Trung Quốc, tại cuộc họp báo ngày 22-7, bà Jen Psaki - người phát ngôn của Nhà Trắng đã nói "Chúng tôi vô cùng thất vọng" khi đề cập đến việc Bắc Kinh chính thức bác bỏ đề xuất của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mở cuộc điều tra thứ 2 về nguồn gốc dịch COVID-19. 

"Quan điểm này của họ là vô trách nhiệm và rõ ràng là nguy hiểm", bà Jen Psaki chỉ trích Trung Quốc. Người phát ngôn của Nhà Trắng cho rằng cuộc điều tra của WHO rất quan trọng trong việc ngăn các đại dịch khác trong tương lai về việc cứu người, vì vậy không phải lúc để Trung Quốc gây cản trở.

Phát ngôn của Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho biết Mỹ và các nước khác sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc cung cấp dữ liệu về sự bùng phát dịch COVID-19 tại nước này.

phong-thi-nghiem-vu-han-trung-quoc-1628821918.jpg Viện Virus học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Ngày 12-8, trong thông cáo về các giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, WHO nêu quan điểm mạnh mẽ rằng việc tìm ra nguồn gốc loại virus lần đầu được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, là cực kỳ quan trọng. Lại thêm một lần nữa, WHO yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô và cấp phép kiểm tra lại các mẫu trong phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Thông cáo viết: "Việc chia sẻ phản ánh sự đoàn kết khoa học ở mức tốt nhất và không khác những gì chúng tôi khuyến khích tất cả quốc gia, bao gồm Trung Quốc, hỗ trợ để chúng tôi có thể thúc đẩy nghiên cứu nguồn gốc nhanh chóng và hiệu quả. Chúng tôi kêu gọi cung cấp tất cả dữ liệu và quyền truy cập cần thiết để có thể bắt đầu loạt nghiên cứu tiếp theo càng sớm càng tốt".

Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn trên đài TV2 của Đan Mạch ngày 12-8, tiến sĩ Peter Ben Embarek, trưởng phái đoàn điều tra của WHO tại Trung Quốc hồi đầu năm, đã đưa ra thông tin chấn động khi nói rằng bệnh nhân F0 có thể là một nhà khoa học hoặc nhân viên nghiên cứu về dơi tại phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.

Cùng thời điểm, Đài CNN cho biết các cơ quan tình báo Mỹ đang nghiên cứu kho dữ liệu di truyền liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán họ nắm được. Theo đó,  kho dữ liệu khổng lồ nói trên chứa các thông tin di truyền về các mẫu virus từng được nghiên cứu tại Viện virus học Vũ Hán - nơi mà một số quan chức Mỹ tin rằng có thể là nguồn gốc phát sinh đại dịch COVID-19.

Theo đài Sputnik (Nga), hiện không rõ khi nào và bằng cách nào giới tình báo Mỹ có được kho dữ liệu di truyền liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán, song nguồn tin cho rằng cơ quan này có thể đã đột nhập các máy chủ sử dụng công nghệ lưu trữ đám mây có liên quan đến quá trình tạo và xử lý những dữ liệu đó. Giới tình báo đang nghiên cứu thông tin để xem liệu chúng có giúp giải mã nguồn gốc bí ẩn của đại dịch COVID-19 hay không.

Với việc các cơ quan tình báo Mỹ có trong tay và đang nghiên cứu kho dữ liệu di truyền liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhiều người đang hy vọng đây có thể là chìa khóa để trả lời cho câu hỏi: Covid-19 có nguồn gốc từ dơi lây sang người hay là virus nhân tạo rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán của Trung Quốc ?

Được biết vào tháng 5-2021, nghiên cứu của chuyên gia về ung thư người Anh, giáo sư Angus Dalgleish, và nhà khoa học Na Uy, tiến sĩ Birger Sørensen được công bố trên tạp chí Quarterly Review of Biophysics Discovery (Anh) cho thấy trong quá trình nghiên cứu vắc xin, họ đã phát hiện “dấu vết đặc biệt” cho thấy virus Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên.

Manh mối này là một hàng 4 axit amin, tạo ra điện tích dương và liên kết với các tế bào âm tính của con người. “Quy luật tự nhiên là bạn không thể có 4 axit amin dương trên một hàng. Cách duy nhất để có điều này là bạn phải tự tạo ra nó”, Giáo sư Angus Dalgleish nói.

Trên cơ sở nghiên cứu khoa học của mình, giáo sư Angus Dalgleish và tiến sĩ Birger Sørensen kết luận Covid-19 không có nguồn gốc trong tự nhiên mà được tạo ra tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc). Họ khẳng định Trung Quốc "cố ý phá hủy, che giấu hoặc làm sai lạc dữ liệu". 

Quỳnh Giang