Shophouse biển liệu có hấp dẫn các nhà đầu tư?

Tự Phong

05/08/2021 15:53

Theo thống kê của Savills Hotels APAC, sản phẩm Shophouse tại các thị trường ven biển chính đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 149% trong giai đoạn 2015-2020, cao gần gấp ba lần tốc độ tăng trưởng của nhóm sản phẩm Ngôi nhà thứ hai (52%).

Shophouse (Nhà phố thương mại) là sản phẩm thường gắn liền với các dự án khu đô thị hoặc khu dân cư lớn, tọa lạc tại những tuyến đường trung tâm nơi có đông người lưu thông qua lại. Trong những năm gần đây, Shophouse đã có mặt nhiều hơn tại các dự án phức hợp nghỉ dưỡng mang đến cơ hội đa dạng hóa sản phẩm và dòng tiền dự án cho các Chủ đầu tư, đồng thời giúp các Nhà đầu tư và các Nhà bán lẻ (Retailer) có thêm lựa chọn đầu tư và gia nhập thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng. Theo thống kê của Savills Hotels APAC, sản phẩm Shophouse tại các thị trường ven biển chính đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 149% trong giai đoạn 2015-2020, cao gần gấp ba lần tốc độ tăng trưởng của nhóm sản phẩm Ngôi nhà thứ hai (52%).

Đi đôi với những tiềm năng và cơ hội do Shophouse biển mang lại, các sản phẩm này khi được áp dụng tại các dự án nghỉ dưỡng ven biển cũng có những yêu cầu riêng về công năng, thiết kế và phân khúc khách hàng mục tiêu để đảm bảo yếu tố vận hành và các hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Để giải đáp những thắc mắc của các Chủ đầu tư và Nhà đầu tư liên quan đến sản phẩm Shophouse biển, tại Hội thảo trực tuyến See It First được tổ chức vừa qua, các diễn giả đến từ Savills Hotels APAC, Savills Việt Nam, Nova F&B, Transform Architecture và Dot Property Việt Nam đã phân tích những yếu tố dẫn đến thành công của một dự án Shophouse Biển và đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các khán giả của chương trình.

Các chuyên gia đều cho rằng hoạch định là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển dự án, góp phần tạo nên một nền tảng cơ bản để thực thi các kế hoạch kinh doanh hiệu quả. Ms. Trang Lương, Quản lý cấp cao Savills Hotels đã chia sẻ một bài thuyết trình về Bí quyết hoạch định dự án Shophouse biển tại phần đầu của chương trình.

2-1628153268.png

Theo đó, vị chuyên gia này khẳng định “Đối tượng khách hàng của các dự án nghỉ dưỡng rất đa dạng với những đặc điểm và nhu cầu riêng, đòi hỏi các dự án nghỉ dưỡng bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ cơ bản còn phải hướng đến yếu tố “cá nhân hóa” để đáp ứng với những thay đổi về xu hướng và hành vi của các nhóm khách hàng.

Các sản phẩm Shophouse khi được phát triển tại các dự án nghỉ dưỡng cũng cần đáp ứng được các nhu cầu đa dạng này. Vì vậy trong giai đoạn hoạch định, Chủ đầu tư cần xác định đối tượng người dùng cuối của sản phẩm để có thể xây dựng các phương án phát triển phù hợp. Đây có thể là các Chủ sở hữu, người thuê mặt bằng kinh doanh bán lẻ hoặc các đơn vị Nhà điều hành Khách sạn. Với các nhu cầu và mục đích sử dụng khác nhau, Chủ đầu tư không thể chỉ phát triển một loại sản phẩm “chung chung” và hy vọng sản phẩm này sẽ đáp ứng được nhu cầu của tất cả người dùng. Dự án chỉ có thể thành công nếu được nghiên cứu hoạch định kỹ lưỡng, cung cấp đa dạng các sản phẩm và đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của đối tượng người dùng cuối.”

Theo đó, các chuyên gia See It First chia sẻ Shophouse Biển có yêu cầu khác biệt hơn về mặt quy hoạch và kiến trúc so với các Shophouse thông thường trong thành phố. Cụ thể, các sản phẩm này cần đảm bảo tính đồng bộ với tổng thể dự án, tránh phá vỡ không gian nghỉ dưỡng đồng thời phải cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và trải nghiệm của du khách. Ngoài ra, nhằm đáp ứng đa dạng các nhu cầu kinh doanh, thiết kế Shophouse biển cần có tính linh động để dễ dàng tạo ra các không gian mặt bằng lớn hơn hoặc các lối lưu thông riêng phục vụ cho các đối tượng và ngành hàng kinh doanh khác nhau.

Các Chuyên gia cũng cho rằng Shophouse biển là một sản phẩm thú vị khi có thể hỗ trợ thúc đẩy nguồn cầu đến khu vực dự án, cung cấp thêm các tiện ích và tạo nên sức hút cho điểm đến nghỉ dưỡng. Tuy nhiên các Chủ đầu tư cần phải cân đối giữa yếu tố bán hàng và yếu tố vận hành của dự án. Các hoạt động kinh doanh của Shophouse cần song hành và bổ trợ thêm cho các thành phần nghỉ dưỡng của dự án. Các ngành hàng phù hợp với Shophouse biển có thể kể đến như ẩm thực, giải trí, đặc sản vùng miền hay chăm sóc sức khoẻ, v/v. Để đảm bảo các thành phần này hoạt động hài hoà với tổng thể khu phức hợp, Chủ đầu tư có thể quy hoạch ngành hàng từ giai đoạn hoạch định, thiết lập các quy tắc về việc sử dụng và cho thuê hoặc có thể trực tiếp thuê lại một phần hoặc toàn bộ từ Nhà đầu tư trong thời gian đầu.

Để hiểu rõ hơn về Khẩu vị Nhà đầu tư, chương trình cũng đã tiến hành khảo sát trực tuyến với các khán giả và có đến 83% số người tham gia See It First cho biết mục đích mua là để cho thuê. Khi được hỏi về yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào Shophouse biển, Vị trí là yếu tố được cho là quan trọng nhất với 85% số người tham gia lựa chọn bên cạnh các tiêu chí khác như Thương hiệu Chủ đầu tư, Giá bán và Chính sách bán hàng. Các địa điểm được khán giả See It First ưa chuộng và lựa chọn nhiều nhất là Phan Thiết, Hồ Tràm và Phú Quốc.

Ông Mauro Gasparotti, người sáng lập của chuỗi chương trình này cho rằng các sản phẩm bất động sản, đặc biệt là Shophouse biển nếu được hoạch định kỹ lưỡng đáp ứng các yêu cầu đặc trưng về thiết kế, công năng, vận hành sẽ tạo nên “giá trị bền vững” góp phần tạo nên thành công của toàn bộ khu nghỉ dưỡng.

Tự Phong
Bạn đang đọc bài viết "Shophouse biển liệu có hấp dẫn các nhà đầu tư?" tại chuyên mục Bất động sản.