Tại sao Huawei lại trở thành mục tiêu

truong.bui

29/05/2019 07:55

Huawei đang đối mặt với nhiều trận chiến, từ vụ bắt giữ giám đốc tài chính, cáo buộc hình sự ở Mỹ, lệnh cấm mua hàng và ngừng các dự án cơ sở hạ tầng mới trên khắp thế giới.

Huawei Technologies là một trong những công ty Trung Quốc có mức độ ảnh hưởng toàn cầu nhất. Tập đoàn này đang lọt vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ và các nước đồng minh phương Tây của Mỹ, bởi hãng đang ngày càng vươn lên trở thành một thế lực về tiêu chuẩn công nghệ 5G. Gã khổng lồ viễn thông này đang phải đối mặt với nhiều trận chiến, từ vụ bắt giữ giám đốc tài chính tại Canada, cáo buộc hình sự ở Mỹ, lệnh cấm mua hàng của Mỹ và ngừng các dự án cơ sở hạ tầng mới trên khắp thế giới. Tình thế của Huawei cũng diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng, nơi các công ty công nghệ Trung Quốc đang là đích nhắm đặc biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cửa hàng Huawei trong trung tâm thương mại SC VivoCity, TP.HCM (Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý)
Cửa hàng Huawei trong trung tâm thương mại SC VivoCity, TP.HCM (Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý)

Vì sao Huawei lại gặp vấn đề với Mỹ?

Huawei được hưởng nhiều đặc ân tại Trung Quốc và các quan chức Mỹ từ lâu nghi ngờ hãng hoạt động cho chính phủ Trung Quốc. Một báo cáo do Ủy ban Tình báo Đặc biệt của Mỹ phát hành năm 2012 đề cập đến ZTE và Huawei là mối đe dọa an ninh tiềm tàng. Báo cáo cũng cho rằng Huawei từ chối mô tả cụ thể "đầy đủ lý lịch quân sự" của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, người từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc trước khi thành lập Huawei vào năm 1987. Lo ngại về Huawei khiến chính quyền Trump đã đưa ra quyết định ngăn chặn việc mua lại nhà sản xuất chip của Mỹ Qualcomm. Giao dịch đó có thể rút ngắn việc đầu tư vào công nghệ không dây và chip, giúp Huawei nắm giữ vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực này.

Chính quyền Trump đã có hành động gì?

Mỹ đã hạn chế khả năng bán thiết bị của Huawei sang Mỹ và quan trọng hơn, hạn chế các nhà cung ứng Mỹ bán hàng cho Huwei, thông qua một sắc lệnh hành pháp và thêm Huawei vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hôm 17.5, đòi hỏi các công ty Mỹ phải được cấp phép đặc biệt thì mới được bán cho Huawei. Một vài công ty Mỹ được gia hạn thêm 90 ngày. Qualcomm, Intel, Google và các tập đoàn khác đã bắt đầu đóng băng hoạt động mua bán phần mềm và linh kiện quan trọng với Huawei, đe dọa khả năng sản xuất thiết bị của hãng này. Điều đó có thể làm chậm khả năng xây dựng mạng không dây 5G của Huawei trên toàn cầu, đẩy các nước và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng các thiết bị đắt tiền hơn từ Nokia Oyj và Ericsson AB.

Vì sao thiết bị này lại quan trọng?

Chính quyền Mỹ, cũng giống như Trung Quốc và các nước khác, đều cảnh giác việc áp dụng công nghệ nước ngoài vào hoạt động truyền thông trong nước vì lo ngại các nhà sản xuất thiết bị có thể cho phép các cơ quan tình báo ở nước họ truy cập thông tin, hoặc chính công ty họ có thể can thiệp vào những dữ liệu nhạy cảm. Vodafone được cho là từng phát hiện và xử lý lỗ hổng trên thiết bị của Huawei được dùng trong hoạt động kinh doanh của công ty này ở chi nhánh Ý vào năm 2011 và 2012. Dù khó biết được lỗ hổng này là cố ý hay là chỉ sự cố, nhưng tiết lộ của Vodafone đã giáng một đòn nặng nề vào danh tiếng của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này. Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo từng tuyên bố Mỹ có thể giảm chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh NATO nếu họ sử dụng th1iết bị của Huawei. Tuy nhiên, một số đồng minh bao gôm Anh và Đức hiện đang chần chừ trong việc loại bỏ hoàn toàn Huawei khỏi kế hoạch xây dựng mạng 5G, một phần là vì chi phí.

Huawei nói gì?

Huawei nhiều lần phủ nhận việc hỗ trợ Bắc Kinh do thám hoạt động của chính phủ và các công ty, và chỉ ra rằng không ai đưa ra được bằng chứng chứng minh các cáo buộc đó. Tập đoàn này tuyên bố thuộc sở hữu của ông Nhậm Chính Phi và các nhân viên thông qua một liên minh. Trong những năm gần đây, Huawei bắt đầu công bố kết quả tài chính, chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động marketing và truyền thông ở nước ngoài, trong một nỗ lực tăng cường tính minh bạch. Vào tháng Một, Nhậm Chính Phi, người khá kín tiếng, lên tiếng về các thách thức mà công ty đối mặt, bao gồm việc giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu, con gái ông, bị bắt ở Canada. Mặc dù tuyên bố ông tự hào về sự nghiệp trong quân đội của mình nhưng ông phủ nhận cáo buộc làm theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc hay cung cấp thông tin khách hàng. Trong tháng Ba, Huawei có động thái phản công, đệ đơn kiện lên tòa án liên bang nhằm chống lại một đạo luật ngăn chặn cơ quan chính phủ Mỹ mua lại thiết bị của Huawei. Hãng cũng chỉ trích những "hạn chế vô lý" của Mỹ trong hoạt động kinh doanh.

Chuyện gì xảy ra với Mạnh Vãn Châu?

Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Vancouver từ hôm 1.12 theo yêu cầu của Mỹ. Mỹ cũng chính thức yêu cầu dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ trong một cáo buộc hình sự rằng bà có âm mưu nói dối ngân hàng Mỹ để xóa dấu vết giao dịch liên quan với Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Cả Mạnh và Huawei đều phủ nhận cáo buộc. Mạnh đang kiện chính phủ Canada vì cáo buộc giam giữ sai. Bà được tại ngoại vào ngày 11.12, được cho phép ở trong một ngôi nhà sang trọng ở Vancouver, trong khi tòa án tiếp tục quyết định số phận của bà. Bà Mạnh trước đây chủ yếu sống ở Thâm Quyến, quê nhà của Huawei.

Có trường hợp nào khác?

Năm 2003, Cisco System đã kiện Huawei vì cáo buộc vi phạm bằng sáng chế và sao chép bất hợp pháp mã nguồn được sử dụng trong các bộ định tuyến và chuyển mạch. Huawei đã loại bỏ mã bị tranh cãi. Sau đó vụ việc chìm xuồng. Các cáo buộc khác nổi bật là Huawei đã đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ. Motorola đã kiện tập đoàn này vào năm 2010 vì cáo buộc âm mưu với các nhân viên cũ đánh cắp bí mật thương mại. Vụ kiện đó sau đó đã được giải quyết. Năm 2017, một bồi thẩm đoàn đã xác định Huawei chịu trách nhiệm về việc đánh cắp công nghệ robot từ T-Mobile US Inc., và vào ngày 28.1, Bộ Tư pháp đã truy tố Huawei về tội trộm cắp bí mật thương mại liên quan đến vụ án đó. Trong khi đó, Ba Lan, một đồng minh trung thành của Mỹ, đã bắt giữ một nhân viên Huawei vì nghi ngờ làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Huawei đã sa thải nhân viên và phủ nhận mọi liên quan đến hành động bị cáo buộc của anh ta.

Quy mô của Huawei lớn cỡ nào?

Chỉ trong hơn ba thập kỷ, hãng đã phát triển từ một nhà phân phối thiết bị điện tử thành một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị viễn thông, điện thoại thông minh, điện toán đám mây và an ninh mạng, với hoạt động ở châu Á, châu Âu và châu Phi. Với mục tiêu doanh thu năm 2019 là 125 tỉ USD, Huawei tạo ra doanh thu cao hơn cả Home Depot hay Boeing. Hãng đã đầu tư hàng tỉ đô la vào 5G và hiện là một trong những công ty Trung Quốc nắm giữ bằng sáng chế hàng đầu ở cả quốc tế và trong nước. Huawei đã giúp xây dựng mạng 5G tại hơn 10 quốc gia và dự kiến ​​sẽ làm điều tương tự với 20 nước nữa vào năm 2020. Trong mối đe dọa trực tiếp với Qualcomm, Huawei đang thiết kế chất bán dẫn của riêng mình. Dòng vi xử lý Kirin, được sản xuất thông qua công ty con HiSilicon, cạnh tranh với chip Snapdragon của Qualcomm, vốn được sử dụng bởi Samsung Electronics và các thương hiệu điện thoại thông minh toàn cầu khác. Phạm vi Kunpeng của Huawei đang thách thức sự thống trị của Intel trong lĩnh vực máy chủ.

Các công ty Trung Quốc khác có cảm thấy sức ép?

Có. ZTE gần như sụp đổ sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm hãng mua công nghệ Mỹ trong vòng ba tháng vào năm 2018. Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội Fujian Jinhua Integrated Circuit, đối tác Đài Loan của hãng và ba cá nhân khác có âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ công ty Micron Technology. Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp lúc đó - ông Jeff Sessions tuyên bố tập trung nhiều nguồn lực hơn để chống lại các mối đe dọa từ "hoạt động gián điệp của Trung Quốc".

Theo Bloomberg/Washington Post

truong.bui
Bạn đang đọc bài viết "Tại sao Huawei lại trở thành mục tiêu" tại chuyên mục Công nghệ.