Tây Hồ, Hà Nội: Một số tồn tại về trật tự xây dựng cần được kiểm tra, xử lý

Phạm Hiển

28/12/2022 10:25

Thời gian vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch về việc kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự xây dựng (TTXD) tại nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trên địa bàn tại quận Tây Hồ vẫn còn một số tồn tại cần được kiểm tra, xử lý.

Trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, người dân phản ánh về việc dự án Lotte Mall Hà Nội đang sử dụng vỉa hè trong ngõ 683 Lạc Long Quân để đặt các nhà tạm làm nơi kiểm soát cửa ra vào dự án. Chiều dài ước tính khoảng 120m dọc theo ngõ, chiều rộng toàn bộ vỉa hè.

Ngoài ra, vỉa hè mặt đường Lạc Long Quân, vỉa hè đường Võ Chí Công, dự án Lotte Mall Hà Nội đang quây rào kín nhiều vị trí để thi công, đấu nối hạ tầng.

Do đó, dự án Lotte Mall Hà Nội sử dụng nhiều diện tích vỉa hè nên đã khiến người đi bộ, người tàn tật phải đi dưới lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, gây bức xúc cho người dân.

Tại phía mặt đường Lạc Long Quân, vỉa hè cũng bị biến thành nơi gửi xe của công nhân Lotte Mall Hà Nội, mặc dù đã có biển thông báo điểm đỗ xe được cấp phép bởi UBND Quận Tây Hồ, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết xe máy được gửi ở đây đều là của công nhân dự án Lotte Mall Hà Nội và được xếp thành 2 hàng, quây dây thép xung quanh chật kín vỉa hè.

1-1672284951.jpg
Người đi bộ phải đi dưới lòng đường đoạn qua Dự án Lotte Mall Hà Nội

Để làm rõ các vấn đề trên phóng viên đã liên hệ tới Sở GTVT Hà Nội, UBND Quận Tây Hồ, UBND phường Phú Thượng.

Ngày 29/11/2022, phóng viên nhận được văn bản của phòng QL KCHTGT với nội dung như sau: “Căn cứ Luật GTĐB, các QĐ số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hà Nội. QĐ số 09/2018/QĐ-UBND ngày 03/5/2018 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội. Toàn bộ kết cấu vỉa hè, các tuyến đường ngõ thuộc thẩm quyền quản lý, bảo trì của UBND cấp huyện theo quy định phân cấp tại QĐ số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND TP Hà Nội.

Đối với các nội dung phóng viên Tạp chí Nhà quản lý nêu, đề nghị liên hệ với UBND quận Tây Hồ để trả lời, giải quyết theo quy định hiện hành”.

anh-2-1672113944.jpg
Dự án Lotte Mall Hà Nội sử dụng nhiều diện tích vỉa hè để phục vụ thi công

Ngày 29/11/2022 văn phòng UBND quận Tây Hồ cho biết chủ tịch UBND quận Tây Hồ đã có văn bản gửi Đội Quản lý TTXD quận Tây Hồ để kiểm tra, xử lý và trả lời thông tin cho phóng viên. Tiếp đó phóng viên đã liên hệ với ông Quân, Đội trưởng Đội Quản lý TTXD quận Tây Hồ tuy nhiên ông Quân nhiều lần báo bận họp và ủy quyền lại cho ông Hồi, Đội phó Đội Quản lý TTXD.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Hồi cho biết sẽ kiểm tra lại việc Dự án Lotte sử dụng vỉa hè để làm nhà tạm, thi công đấu nối hạ tầng có đúng quy định hay không và sẽ có thông tin trả lời phóng viên. Tuy nhiên, rất nhiều ngày sau đó, phóng viên vẫn không nhận được trả lời.

Tiếp đó, phóng viên đã liên hệ với UBND phường Phú Thượng, UBND phường Phú Thượng lại giao cho ông Vinh, Tổ trưởng TTXD phường Phú Thượng tiếp và trả lời phóng viên. Tại buổi làm việc, ông Vinh cho biết UBND phường sẽ tiến hành kiểm tra lại Dự án Lotte Mall Hà Nội sử dụng vỉa hè, đấu nối hạ tầng có đúng quy định hay không. Tuy nhiên đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức nào.

Khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã quy định rõ như sau:
Điều 25a. Sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông.
1. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
2. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;
b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;
c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;
d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;
đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
3. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;
b) Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
4. Đối với trường hợp sử dụng hè phố quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Đối với các trường hợp quy định tại các Điểm a, d, đ Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố.
Như vậy, theo quy định tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP quy định thì việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông chỉ trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ tiết 2 khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP.

 

Phạm Hiển