Techcombank đang bơm bao nhiêu tiền cho hệ sinh thái Masan?

Quang Diệu

26/09/2021 14:35

Techcombank vừa phê duyệt khoản tín dụng 1.150 tỷ đồng cho Wincommerce và VinEco nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, ngân hàng này cũng cho các công ty trong hệ sinh thái Masan vay hàng nghìn tỷ và nhận hơn 2.500 tỷ tiền gửi.

nguyen-dang-quang-ho-hung-anh-1551812571-width700height456-1-1632631066.jpgChủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Techcombank cấp khoản vay cho Wincommerce, VinEco và Mobicast 

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa phê duyệt giao dịch cấp tín dụng với tổ chức có liên quan cổ đông lớn ngân hàng là CTCP Tập đoàn Masan.

Theo đó, ban lãnh đạo Techcombank đã phê duyệt cấp khoản tín dụng và hợp đồng thấu chi cho Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce và Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco. Cả 2 công ty này đều là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan.

Cụ thể, Techcombank phê duyệt khoản tín dụng 1.150 tỷ đồng cho Wincommerce và VinEco nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời hạn cho vay là 12 tháng với tài sản bảo đảm khoản vay của VinEco là cổ phiếu của Wincommerce với bên sở hữu là Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM.

Trong khi đó, khoản vay của Wincommerce không có tài sản bảo đảm mà được bảo lãnh thanh toán vô điều kiện và không hủy ngang bởi Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (MSC) đối với nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hạn mức tín dụng kể trên.

Wincommerce có tên gọi cũ Vincommerce, đơn vị sở hữu trực tiếp chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ thuộc Tập đoàn Masan. Chuỗi bán lẻ này đã được Tập đoàn Masan mua lại từ Vingroup vào năm 2019. Theo công bố ngày 1/4, Masan đã đổi tên thương hiệu VinMart thành WinMart, VinMart+ thành WinMart+.

Liên quan tới giao dịch cấp tín dụng cho các công ty thành viên của Masan. Mới đây, Techcombank cũng phê duyệt cấp khoản tín dụng bảo lãnh với Công ty CP Mobicast hơn 450 tỷ đồng. Thời hạn bảo lãnh tối đa 36 tháng kể từ ngày bảo lãnh thanh toán có hiệu lực.

Khoản bảo lãnh thanh toán trên không có tài sản bảo đảm nhưng được bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang bởi Công ty TNHH The Sherpa (công ty con của Masan) cho toàn bộ nghĩa vụ tài chính mà Mobicas phát sinh tại Techcombank từ món bảo lãnh này.

Đáng chú ý, Mobicast chính là doanh nghiệp viễn thông mới được Masan mua lại 70% vốn nhằm thực hiện tham vọng mở rộng sang lĩnh vực viễn thông và dịch vụ số. Giá trị thương vụ được công phía Masan công bố ở mức 295,5 tỷ đồng.

Quan hệ giữa Techcombank và Masan

Masan và Techcombank được biết đến là bộ đôi doanh nghiệp – ngân hàng điển hình tại Việt Nam với mối quan hệ đặc biệt thân thiết.

Masan hiện đang là đơn vị sở hữu 19,9% vốn của Techcombank, gần chạm mức trần 20% theo quy định và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan hiện đang là Phó Chủ tịch thứ nhất tại Techcombank. Trước đó, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng đã có thời gian giữ cương vị Phó Chủ tịch tại Masan Group.

Với quan hệ thân thiết trên, không quá khó hiểu khi Techcombank và Masan rất tích cực hộ trợ lẫn nhau trong các hoạt động kinh doanh.

Đến cuối tháng 6, Techcombank nắm giữ 754 tỷ đồng trái phiếu của của Masan và các công ty liên quan. Trong đó, lượng trái phiếu của Masan là 322 tỷ cùng với 6,5 tỷ lãi phải thu; lượng trái phiếu của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Núi Pháo - công ty con của Masan) là hơn 204 tỷ và 3,6 tỷ lãi phải thu; lượng trái phiếu của Công ty cổ phần Tài Nguyên Masan (công ty con của Masan) là hơn 217 tỷ và 621 triệu lãi phải thu.

Về giao dịch cho vay, báo cáo Techcombank chỉ công bố 1 khoản vay của Núi Pháo tại Techcombank với dư nợ gốc đến hết quý II là 1.209 tỷ đồng, lãi phải trả hơn 620 triệu. 

Ở phía ngược lại, Masan và nhóm các công ty liên quan cũng sở hữu 2.076 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Techcombank vào cuối tháng 6, tăng mạnh so với con số 1.351 tỷ đồng ghi nhận hồi đầu năm; lãi suất được hưởng là 3,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhóm này cũng gửi gần 485 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank, tăng 380 tỷ trong 6 tháng đầu năm nay.

Nửa đầu năm 2021, Masan và nhóm các công ty liên quan đã mang về cho Techcombank khoản thu 170 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, con số này trong khi cùng kỳ năm trước là 295 tỷ đồng.

Mới đây, Vinmart+ đã kết hợp với Techcombank, Kiosk Phúc Long triển khai mô hình sản phẩm mới tích hợp tiêu dùng thiêu yết, dịch vụ tài chính ngân hàng và phục vụ đồ uống ngay tại chỗ cho khách hàng. Theo kế hoạch, trong 12 tháng tiếp theo, hệ thống này sẽ được mở rộng 1.000 kiosk. Theo giới phân tích, mô hình mới này sẽ thu hút một lượng khách hàng mới cũng như tăng tỷ lệ CASA cho Techcombank

Quang Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Techcombank đang bơm bao nhiêu tiền cho hệ sinh thái Masan?" tại chuyên mục Tài chính.