The Nation: Việt Nam ứng phó hiệu quả nhất trước COVID-19

caodung

27/04/2020 18:00

The Nation, một trong những tờ báo có tiếng nói hàng đầu của Mỹ vừa lên tiếng thừa nhận Việt Nam là quốc gia ứng phó hiệu quả nhất trước COVID-19.

Kể từ những ngày đầu tiên bùng phát dịch, có ba quốc gia châu Á được ca ngợi chống dịch hiệu quả, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Hàn Quốc có dân số 52 triệu người, và tính đến 22.4.2020, có 10.702 ca nhiễm và 240 ca tử vong. Đài Loan gây chú ý trong giới báo chí vì, bất chấp mối quan hệ gai góc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Đài Loan khống chế dịch còn tốt hơn Hàn Quốc: 427 ca nhiễm và chỉ có 6 ca tử vong với dân số 24 triệu người. Cuối cùng, Singapore với dân số 5,5 triệu người, có 11.178 ca nhiễm và 12 trường hợp tử vong, từng là kiểu mẫu chống dịch của thế giới, cho đến khi nổ ra làn sóng mới bắt đầu ở một lưu xá của người lao động nhập cư.

Rõ ràng trong danh sách này thiếu sót Việt Nam. Trong gần ba tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ngày 23.1, số người xác nhận nhiễm ở Việt Nam nhích rất chậm, hiện mới chỉ 270 ca, và chưa ai tử vong. Dân số Việt Nam là 95 triệu, nhiều hơn cả Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cộng lại. Vậy mà Việt Nam vẫn nhận được ít sự chú ý từ báo chí Mỹ. Không tính những mẩu tin ngắn của Reuters, chỉ duy nhất có tờ New York Times đăng tải câu chuyện thực sự ngày 11.3, là về “bệnh nhân số 0” của ngành thời trang, không mấy liên quan đến câu chuyện chống dịch ở Việt Nam.

Giống như nhiều nước châu Á, Việt Nam có sự chuẩn bị về tâm lý. Trước đó năm 2003, y tế Việt Nam có kinh nghiệm ứng phó dịch SARS và từng được khen ngợi vì hành động nhanh và thành công. Khi đó, toàn bộ Châu Á đều bị ảnh hưởng bởi SARS và việc đeo khẩu trang đã trở thành thói quen không xa lạ gì. Trong trường hợp COVID-19, dễ đoán khi Việt Nam ở trạng thái cảnh giác cao hơn hầu hết những nước khác, do có chung đường biên giới với Trung Quốc và lượng giao thông khổng lồ giữa hai nước, cả thương mại và du lịch.

Biện pháp ứng phó của Việt Nam chưa bao giờ dựa trên xét nghiệm hàng loạt – một cách thức dễ gây hoảng loạn và không phù hợp của Mỹ và hầu hết các nước phương Tây. Và Việt Nam không chọn cách này không phải vì nguồn lực hạn chế, mà do đã định trước chiến lược phòng ngừa nhằm tối thiểu số ca nhiễm. Tổng số xét nghiệm ở nước này đến nay chỉ khoảng 175 nghìn lần. Tuy nhiên, tổng số xét nghiệm nhiều hay ít không phải là tiêu chuẩn để xét tính hiệu quả của chiến lược đối phó. Điều quan trọng là tỉ lệ xét nghiệm cho ra ca dương tính, và với tỉ lệ đó ở Việt Nam cao gấp năm lần so với các nước khác. Theo sau xét nghiệm là việc lần dấu tiếp xúc chặt chẽ (bao gồm cả F2) đối với bất kỳ người nào dương tính với COVID-19 (F0), sau đó, ngay lập tức cách ly tập trung hoặc tự cách ly tại nhà. Ngoài ra, chính phủ còn nhanh chóng tạo ra nền tảng cập nhật số người nhiễm theo thời gian thực và hai ứng dụng điện thoại để người dân ghi nhận tình trạng sức khỏe và triệu chứng. Tất cả hoạt động này được hỗ trợ bởi sự huy động lực lượng quân đội, an ninh, y tế quốc gia và chiến lược truyền thông giáo dục ý thức người dân tích cực và sáng tạo bao gồm hoạt hình trên truyền hình, mạng xã hội và tranh ảnh cổ động.

Ngày 11.1, khi có ca tử vong đầu tiên ở Vũ Hán, Việt Nam đã thắt chặt kiểm soát biên giới và sân bay. Bốn ngày sau đó, khi mới chỉ có 27 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc, quan chức Việt Nam đã gặp gỡ WHO và quan chức từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), và WHO khen ngợi Việt Nam vì việc nhanh chóng đánh giá rủi ro và phát hành hướng dẫn phòng bệnh.

Các ca nhiễm đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện là ba bệnh nhận trở về từ Vũ Hán vào tháng Một. 21 người có tiếp xúc với họ được tìm ra và đưa đi cách ly. Đến 31.1, chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống và kiểm soát COVID-19, đứng đầu là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trong khi đó ở Mỹ, cơ quan tương tự do Phó Tổng thống Mike Pence đứng đầu đến tận 28.2 mới thành lập).

Đến giữa tháng Ba, Việt Nam mới chỉ có 61 ca xác nhận dương tính. Bệnh nhân 61 là một người Hồi giáo trở về từ lễ hội tôn giáo lớn ở Malaysia. Chính phủ ngay lập tức đóng cửa nhà thờ Hồi giáo nơi bệnh nhân này đi lễ ở TP. HCM và yêu cầu phong tỏa Ninh Thuận, tỉnh nhà của bệnh nhân. Đến thời điểm này, bất kỳ ai có tiếp xúc với người nhiễm bệnh được mang đi cách ly ngay lập tức, và F2 được bắt buộc tự cách ly tại nhà. Các hành khách, trở về từ các sân bay quốc tế phải cách ly tập trung 14 ngày tại các khu tập trung do quân đội quản lý – được đối xử tử tế xét mọi góc độ - và vào ngày 21.3, tất cả các chuyến bay quốc tế bị hủy bỏ, và hầu hết các chuyến bay quốc nội và chuyến tàu hỏa cũng hủy bỏ không lâu sau. Bất cứ ai rời Hà Nội, nơi phát hiện nhiều ca nhiễm nhất, đều bị cách ly khi đến tỉnh thành khác.

Tâm dịch ở Hà Nội sau đó phát hiện ra là ở Bệnh viện Bạch Mai, nơi từng bị tổn thất nặng nề trong trận ném bom dưới lệnh Richard Nixon năm 1972. Đường lây được lần ra là từ một người đàn ông đi thăm người nhà trong bệnh viện ngày 12.3. Khu vực ông ở gồm 11.000 người ngay lập tức bị phong tỏa. Ngày 29.3, chính bệnh viện, nơi có số người nhiễm lên đến 45 ca, cũng bị phong tỏa. Tất cả những người từng đến bệnh viện đều bị bắt buộc xét nghiệm. Ba ngày sau, chính phủ áp đật lệnh bắt buộc giãn cách xã hội toàn quốc trong hai tuần – một lần nữa lại là biện pháp phòng ngừa – mà ở một số nước, và một số bang ở Mỹ chưa từng thực hiện, để giảm tối thiểu số ca tử vong do lây nhiễm vượt quá mức kiểm soát. Đến ngày 9.4, hơn 1.000 nhân viên y tế ở Bạch Mai và 14.400 người thăm bệnh đã được xét nghiệm.

Dĩ nhiên, các biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ cũng khiến những người hoài nghi nảy sinh nhiều câu hỏi. Hải quân Mỹ đã quy các ca nhiễm trên tàu sân bay Theodore Roosevelt cho việc tàu từng cập cảng ở Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam. Những người theo thuyết âm mưu ngay lập tức vin vào đó để cho rằng chính phủ Việt nam che giấu dịch. Trên thực tế, cách giải thích hợp lý nhất cho các ca nhiễm trên tàu Mỹ, có vẻ như bắt nguồn từ hai du khách người Anh, sau này phát hiện dương tính với COVID-19, do từng ở cùng khách sạn với đoàn thủy thủ. 40 người từng tiếp xúc với hai du khách sau đó được xét nghiệm và chẩn đoán âm tính. Đà Nẵng, thành phố với hơn một triệu dân, đến giờ mới chỉ có sáu trường hợp dương tính.

Tranh cãi thường xuyên hơn đó là số liệu Việt Nam đưa ra có đủ tin cậy hay không. Có người cho rằng chính phủ đưa con số ở mức thấp để tránh thua lỗ cho ngành du lịch ăn khách. Lập luận hoàn toàn vô nghĩa, vì ngành du lịch Việt Nam đã đóng băng kể từ khi các chuyến bay bị hủy bỏ. Hai nước bên cạnh Lào và Campuchia có thể nghi ngờ được vì hai nước này hệ thống y tế còn thiếu thốn. Và cần nhớ rằng sự tự tin của Thủ tướng Campuchia Hunsen, khi cho phép du thuyền cập cảng Sihanoukville vào tháng Hai, không hề giúp người dân an lòng. Tuy nhiên, ông Todd Pollack, một giáo sư tại Trường Y Hardvard, người chỉ đạo chương trình Hợp tác Thúc đẩy Y tế ở Hà Nội, cho biết: “Tôi không thấy lý do gì để không tin những tin tức chính phủ Việt Nam đưa ra trong thời gian này. Việt Nam ứng phó nhanh nhạy và quyết đoán. Nếu đại dịch lớn hơn mức được báo cáo chính thức, chúng ta có thể thấy ngay bằng chứng ở các phòng thăm bệnh và quầy tiếp tân bệnh viện”. Rõ ràng, đại dịch được xử lý rất minh bạch. Việt Nam cũng có khả năng huy động sức mạnh tập thể rất cao, chứng minh qua chặng đường lịch sử lâu dài. Không phải ngẫu nhiên mà chính phủ gọi chiến dịch chống COVID-19 là cuộc “Tổng động viên mùa xuân 2020”.

Vậy điều gì kế tiếp. Rõ ràng, như tôi đã viết, Việt Nam đang khống chế được dịch bệnh. Điều này có thể không kéo dài lâu. Sớm hay muộn Việt Nam cũng sẽ phải mở cửa nền kinh tế, vốn phụ thuộc lớn vào vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm nhiều nhà máy trước đây đặt ở Trung Quốc. Việc giãn cách xã hội được kéo dài thêm một tuần, nhưng hiện chỉ áp dụng ở 12 tỉnh thành được xem là có nguy cơ, và ngày 22.4, tất cả lệnh giãn cách được nới lỏng ngoại trừ Hà Nội, TP. HCM và hai nơi khác. Sân bay sẽ phải mở cửa. Và một số nhà dịch tễ học cho rằng con số lây nhiễm thấp đồng nghĩa cũng có ít người đã phát triển miễn dịch để chống lại làn sóng đại dịch thứ hai.

Tuy nhiên, thành tựu của Việt Nam trong ba tháng đầu chống dịch chính là có thêm thời gian quý giá để chuẩn bị. Việt Nam đã xuất khẩu 450 nghìn bộ đồ bảo hộ y tế sang Mỹ, 550 nghìn khẩu trang y tế đến các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch ở Châu Âu và 730 nghìn khẩu trang đến các quốc gia láng giềng bao gồm Lào và Campuchia. Với ngành dệt may là mũi nhọn kinh tế, Việt Nam hiện đẩy mạnh sản xuất nội địa lên đến 7 triệu khẩu trang vài và 5,72 triệu khẩu trang y tế mỗi ngày. Và doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất Việt Nam, Vingroup, đã tinh chỉnh nhà máy sản xuất ô tô và điện thoại thông minh thành công xưởng hứa hẹn sản xuất ra 55 nghìn máy thở mỗi ngày. Để chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm thứ hai, giám đốc của Đơn vị Nghiên cứu Y khoa Đại học Oxford tại Việt Nam cho biết bệnh viện mới gồm 300 giường bệnh đã được mở gần TP. HCM – với 10 phòng bệnh “áp lực âm” đã được trang bị lọc khí đặc biệt, để chuẩn bị cho ca nhiễm mới. Vào tháng Ba, Việt Nam xuất thêm 200.000 bộ xét nghiệm đến Hàn Quốc để cải thiện hơn mức độ sẵn sàng của họ.

Do đó, khi làn sóng lây nhiễm tiếp theo đổ đến, và chắc chắn chuyện này sẽ xảy ra, Việt Nam có cơ hội chống lại dịch bệnh tốt hơn lần đầu. Có nhiều bài học để rút ra từ thành công đặc biệt của Việt Nam, mặc dù đáng tiếc rằng, có thể đã quá muộn để nước Mỹ học hỏi.

Theo The Nation

caodung