Ý kiến chuyên gia: 'Nhà đầu tư bất động sản vay tiền ngân hàng nên dừng lại và rời cuộc chơi'

Thiên Kim

23/06/2021 08:02

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều biến động do tác động mạnh từ làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Ở góc độ nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư vay tiền ngân hàng nên dừng lại còn với nhà đầu tư vốn khỏe nên mạnh tay tìm kiếm quỹ đất đẹp, giá hợp lý.

Nhà đầu tư nên vay tiền "ôm" đất hay bán bớt để nhẹ nợ?

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư đang phải đứng trước bài toán "cân não" giữa việc vay tiền để tiếp tục giữ đất hay bán bớt để nhẹ nợ. TS. Hiển cũng nhấn mạnh, thời điểm hiện tại chính là cơ hội tốt để tìm đất. Tuy nhiên, vị chuyên gia này thẳng thắn nói: "Nhưng với nhà đầu tư vay tiền ngân hàng nên dừng lại còn với nhà đầu tư vốn khỏe nên mạnh tay tìm kiếm quỹ đất đẹp, giá hợp lý".

 Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư có vốn mạnh tay lựa chọn sản phẩm bất động sản tốt, có tính pháp lý đầy đủ và sở hữu khả năng thanh khoản cao. Mặt khác, khuyến nghị, nhà đầu tư cần chuẩn bị khoản dự phòng, tránh đổ hết tiền vào đất, đề phòng dịch bệnh kéo dài làm suy giảm nguồn lực tài chính, có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Trong khi đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích, thị trường đang đối mặt với thách thức bên cạnh tác động của Covid-19. Đặc biệt, cơn sốt đất trước đó đã để lại nhiều dư địa biến động cùng mức giá bất động sản đã bị thổi lên ngưỡng mới. Đây là lý do mà các nhà đầu tư chờ đợi, thăm dò thị trường trở về mức giá bình ổn rồi mới tiếp tục tham gia.

lexington-residence-1624360423.jpg
Trong bối cảnh thị trường đang tiềm ẩn rủi ro cao việc “ôm” hàng hay bán bớt đang là bài toán nan giải đối với nhà đầu tư (ảnh minh họa)

Trước đó, báo cáo tháng 6 của ngân hàng HSBC khuyên cáo "cẩn trọng với những rủi ro trong lĩnh vực bất động sản". Lý giải về tiêu đề này, các chuyên gia HSBC nhận định, bất động sản là lĩnh vực có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, không chỉ bởi đóng góp cho tăng trưởng chung mà còn vì những rủi ro dai dẳng của ngành này. Theo HSBC, các thông tin công khai cho thấy, giá nhà ở các thành phố lớn tăng lên trong vòng hai năm qua, đặc biệt ở phân khúc xa xỉ.

Mới đây, Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bộ Xây dựng yêu cầu phải chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và bền vững.

 Những kịch bản có thể xảy ra

Theo các chuyên gia, khi làn sóng Covid thứ 4 đang có những diễn biến phức tạp và thực tế thị trường BĐS đang chịu một số ảnh hưởng tiêu cực.

Trong hơn nửa tháng qua, giao dịch và nhu cầu đã giảm, thị trường trầm lắng hơn, nhiều sự kiện bán hàng bị dời lịch, các hoạt động quảng bá cho dự án mới cũng thưa thớt, không còn sôi động. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề tạm thời.

Nếu dịch lần này tiếp tục được kiểm soát thành công trong thời gian ngắn giống những đợt trước thì thị trường BĐS sẽ vẫn giữ được sự ổn định và phục hồi sớm khi dịch được kiểm soát.

Nhận định của các chuyên gia, các nhà đầu tư BĐS trong nước đang đặt niềm tin rất lớn ở Chính phủ, niềm tin về làn sóng Covid thứ 4 này sẽ tiếp tục được ứng phó thành công. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã quen vấn đề này và ít nhiều có tâm lý chuẩn bị để thích ứng. Nói cách khác, thị trường BĐS cũng đang dần hình thành tâm lý "sống chung với dịch". Bản thân các doanh nghiệp BĐS cũng đã tự trang bị cho mình những phương án linh hoạt để chủ động ứng phó khi có các đợt dịch bùng nổ chứ không còn rơi vào thế bị động như đợt dịch trước đây.

hinh-anh-chung-cu-cao-cap-1624360375.jpg
Trong bối cảnh thị trường đang tiềm ẩn rủi ro cao việc “ôm” hàng hay bán bớt đang là bài toán nan giải đối với nhà đầu tư (ảnh minh họa)

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm nay thì BĐS sẽ khó khăn hơn rất nhiều, bởi điều này đã vượt ngưỡng chịu đựng của thị trường. Dịch bệnh kéo dài dẫn đến việc giãn cách xã hội, từ đó kéo theo tất cả các ngành kinh tế tê liệt chứ không riêng gì BĐS.

Khi nền kinh tế tăng trưởng thấp, nguồn vốn tái đầu tư cho BĐS sẽ giảm mạnh, lượng cầu và cung đều giảm. Điều này nếu xảy ra sẽ có hiện tượng BĐS giảm giá mạnh do hiện tượng bán tháo từ những nhà đầu tư BĐS cá nhân bị áp lực dòng tiền, lãi vay…

Bên cạnh đó, NĐT thứ cấp không thể thanh khoản và thoát hàng khiến thị trường rơi vào trạng thái trì trệ, thậm chí có thể dẫn đến đóng băng. Nếu kịch bản xấu này xảy ra, chúng ta phải mất một thời gian rất dài để có thể đưa thị trường trở lại ổn định, chứ chưa nói đến sôi động.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cũng như các NĐT đều đang rất tin tưởng và kỳ vọng vào kịch bản thứ nhất. Bởi thực tế qua 3 đợt dịch trước, điều kiện kinh tế và khả năng khống chế dịch bệnh đã tạo nên một hình ảnh mới của Việt Nam về năng lực quản trị công, quản trị nền kinh tế.

Theo đại diện CEO của Tập đoàn Đại Phúc Land, hiện tại do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh kéo dài nên dòng tiền sẽ chậm lại, sẽ có hiện tượng giảm cục bộ ở một số phân khúc, đặc biệt là các sản phẩm thuần về nhu cầu đầu tư do hiện tượng bán cắt lỗ. Thanh khoản thị trường theo đó sẽ giảm xuống. Tuy nhiên tâm lý người dân tích trữ tài sản trong BĐS vẫn rất cao./.

 

Thiên Kim