Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Cần điều tiết, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào phân khúc bất động sản dành cho nhà giàu'

Vân Hà

19/05/2021 16:28

Thủ tướng cho rằng, cần có chiến lược phát triển bất động sản phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội. Phải điều tiết bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng, trong khi các đối tượng thu nhập thấp thiếu nhà ở.

Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những nhiệm vụ tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, những công việc có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

ttg-lv-voi-bo-xd-1-1621415941.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc làm việc với Bộ Xây dựng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thị trường bất động sản chưa thực sự được kiểm soát, là một trong những nội dung yếu kém được Thủ tướng nêu ra trong buổi làm việc.

Cụ thể theo Thủ tướng, thị trường bất động sản chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu.  

Các khu chung cư cũ đang chiếm một nguồn lực lớn của xã hội nhưng chưa có cơ chế hiệu quả, phù hợp để cải tạo, xây dựng lại, giải phóng các nguồn lực này.

Chưa thực hiện tốt quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội. Công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều bất cập; trình tự, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, cản trở quá trình phát triển.

ttg-pho-ttg-thanh-trao-doi-voi-lanh-dao-bo-xd-1621415961.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và các đại biểu dự cuộc làm việc. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ Tướng, Bộ xây dựng cần có những chiến lược phát triển bất động sản phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội như tăng cường quản lý và phát triển đô thị để trở thành một ngành kinh tế quan trọng, kéo theo nhiều lĩnh vực cùng phát triển; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách để phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, chiến lược, lâu dài, kể cả hạ tầng đô thị và nông thôn; cần có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của các vùng, các địa phương; gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý với mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó rất coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế.

“Phải điều tiết bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng, trong khi các đối tượng thu nhập thấp thiếu nhà ở”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, phải nhanh chóng thiết kế các chính sách về mua, thuê mua nhà ở có thời hạn, chỉ như vậy mới huy động được các nguồn lực cho phát triển nhà ở và bảo đảm công bằng xã hội.

Chỉ đạo này của Thủ tướng được nêu ra trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay được cho có sự bất cân xứng giữa các phân khúc: nhà ở xã hội ngày càng khan hiếm, các dự án nhà ở hạng sang, cao cấp ngày một nở rộ. Theo ghi nhận từ chính Bộ Xây dựng, trong quý I vừa qua, căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) tại các đô thị lớn rất ít, hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm. Trong khi đó, thị trường Hà Nội và TP HCM xuất hiện những căn hộ hạng sang, siêu sang có giá 100 triệu đồng/m2, thậm chí 300 triệu đồng/m2. 

gioi-thieu-tong-quan-du-an-grand-marina-saigon-1024x567-1621416320.jpg
Dự án Grand Marina (đường Tôn Đức Thắng, quận 1) cũng được Masterise Homes - chủ đầu tư dự án công bố mức giá bán lên tới 18.000 USD/m2, tương đương hơn 420 triệu đồng/m2

Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường nguồn cung căn hộ hạng sang vẫn trên đà tăng mạnh và có thể xác lập mặt bằng giá mới. Cụ thể trong báo cáo thị trường nhà ở TP. Hồ Chí Minh quý I/2021, DKRA Việt Nam dự báo, nguồn cung căn hộ hạng sang vẫn trên đà tăng mạnh. Sản lượng quý I/2021 đã chiếm đến 39% rổ hàng toàn thị trường nhà ở, nhiều hơn cả phân khúc cao cấp (chiếm 20%). Đây là xu thế trái ngược hẳn với tỷ trọng của nửa thập kỷ trước, khi mà loại nhà ở xa xỉ này chỉ chiếm không quá 1 - 2% nguồn cung.

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho rằng, tình trạng giá nhà tăng vọt chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu căn hộ có giá vừa túi tiền (tầm trên dưới 35 triệu đồng/m2) hoặc nhà ở thương mại giá thấp (tầm 20 - 25 triệu đồng/m2), nhất là rất thiếu loại căn hộ nhà ở xã hội. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung, do các dự án nhà ở mới không được phê duyệt, do bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng đã tạo lợi thế cho một số doanh nghiệp đã có sẵn dự án, có sẵn sản phẩm nhà ở áp đảo thị trường, áp đặt được giá bán và đạt lợi nhuận rất cao, thậm chí là siêu lợi nhuận.

Vân Hà