Tôm Minh Phú gặp phiền toái với hàng rào bảo hộ

thunguyen

16/06/2019 08:04

Minh Phú, nhà sản xuất tôm hàng đầu thế giới, vừa phải chịu những cáo buộc từ một nghị sĩ bang Illinois, là bang có các chủ trại bị cạnh tranh từ tôm nhập khẩu.

Hôm 17.5.2019, ông Darin LaHood, nghị sĩ bang Illinois, đã gửi thư cho người đứng đầu cơ quan Hải quan và Biên phòng (CBP) cùng Bộ trưởng Bộ thương mại Mỹ (DoC) đề nghị điều tra Mseafood - một công ty con của Minh Phú tại Mỹ đã nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, chế biến tối thiểu và xuất khẩu sang Mỹ. Toàn bộ tôm từ Ấn Độ đều bị đánh thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ, trong khi tôm chế biến xuất khẩu từ Minh Phú thì không. Ông LaHood cho rằng việc nhập khẩu tôm từ Ấn Độ là cách Minh Phú lách thuế chống bán phá giá.

Cho dù về mặt lý thuyết, lá thư cáo buộc của nghị sĩ LaHood chưa có giá trị pháp lý, và cho đến nay, sau gần một tháng, Minh Phú cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ các cơ quan chức năng Mỹ. Tuy nhiên những cáo buộc này có thể là dấu hiệu cho các vận động hành lang mà nếu thành công có thể để đưa đến một vụ kiện hay một phán quyết bất lợi từ các cơ quan quản lý của Mỹ cho Minh Phú, và thậm chí có thể mở rộng cho cả ngành. Theo quy định tại Đạo luật về Bảo vệ và Thi hành năm 2015 của Mỹ, CBP sẽ có 95 ngày để cân nhắc các thông tin liên quan đến cáo buộc trước khi tiến hành khởi xướng điều tra.

Là một trong những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, Minh Phú mới chỉ chủ động được một nửa nguyên liệu (Ảnh: Lê Tiên)
Là một trong những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, Minh Phú mới chỉ chủ động được một nửa nguyên liệu (Ảnh: Lê Tiên)

Vụ kiện chống phá giá tôm nước ấm trước đây cũng đã diễn ra sau một loạt cáo buộc và quá trình vận động hành lang tại Mỹ, mà kết quả sau đó là một lá đơn khởi kiện của Liên minh tôm Miền Nam của Mỹ (SSA) kiện 11 nước xuất khẩu tôm nước ấm sang Mỹ. Từ vụ kiện đầu tiên vào năm 2004, đến nay DoC đã tiến hành tới 13 đợt xem xét hành chính với các nước xuất khẩu tôm sang Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Giữa tháng Tư vừa qua, kết quả sơ bộ cho lần xem xét hành chính thứ 13 (POR13) của DoC đã đưa ra mức thuế 0% cho các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ. Mức thuế chống bán phá giá chính thức sẽ được công bố vào tháng Chín năm nay.

Các hàng rào và hoạt động bảo hộ chống cạnh tranh luôn là một vấn đề của thương mại thế giới, và chủ yếu là vấn đề các nước đang phát triển phải đối mặt khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Mỹ.

Nghị sĩ Darin LaHood đại diện cho bang Illinois, một trong những thủ phủ của các chủ trại tôm miền Trung Tây nước Mỹ. Khoảng 10 năm trở lại đây, việc nuôi tôm chân trắng (white leg shrimp) đã trở thành một ngành kinh doanh lớn tại Illinois và Iowa. Do vậy hoạt động nuôi tôm nước ấm khu vực châu Á Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, chủ yếu là tôm sú và tôm chân trắng, là sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ trại những bang này. So với các quốc gia sản xuất - chế biến - xuất khẩu tôm khác như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam,… giá nhân công Mỹ kém cạnh tranh hơn hẳn. Với điều kiện cận nhiệt đới, các nước này cũng có lợi thế đáng kể về mặt khí hậu để nuôi các loại tôm nước ấm.

Những cáo buộc như của ông LaHood là một dạng vũ khí mà hệ thống thương mại Mỹ có thể sử dụng bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ngành nào, từ thuỷ sản, đến sắt thép,… Chỉ cần thấy dấu hiệu đe doạ ngành sản xuất trong nước, các hiệp hội, có thể được hỗ trợ bởi các nghị sĩ, sẽ lên tiếng vận động và đề nghị điều tra, thu hút sự chú ý, ủng hộ…

Thời báo SeafoodNews - đã lên tiếng phản đối đề nghị này bằng bài viết của John Sackton, cho rằng “khiếu nại này rõ ràng có nguồn gốc từ một đối thủ cạnh tranh trong ngành kinh doanh tôm”.

Ngành tôm thế giới có quy mô 45 tỉ USD, theo đánh giá của Mordor Intelligence - được kỳ vọng tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,2% mỗi năm trong năm năm tới. Nuôi và chế biến tôm đã trở thành một chuỗi giá trị toàn cầu với hàng loạt nước tham gia. Việt Nam là một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi mặt hàng protein này.

Minh Phú, với doanh thu hàng năm từ 500 - 800 triệu USD đang là một trong những công ty chế biến và xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Tôm nguyên liệu là một bài toán của Minh Phú cũng như bất kỳ doanh nghiệp chế biến lớn nào, khi công suất chế biến thường vượt xa năng lực nuôi trồng. Nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan,… là một hoạt động kinh doanh bình thường trong chuỗi giá trị toàn cầu. Minh Phú đang nỗ lực mở rộng vùng nuôi trồng, áp dụng công nghệ nuôi tôm mới, tăng năng suất. Công ty phấn đấu chủ động được khoảng một nửa tôm nguyên liệu trong năm nay. Còn lại vẫn tiếp tục thu mua tôm từ các hộ nông dân và nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông Lê Văn Quang, chủ tịch HĐQT Minh Phú cho biết công ty tự tin không vi phạm bất kỳ điều khoản nào của luật pháp Mỹ, sẵn sàng để các cơ quan chức năng Mỹ điều tra.

Ông Quang cho biết luật sư của công ty tại Mỹ đang làm việc với các cơ quan chức năng. Để bảo vệ quyền lợi của Minh Phú, trước hết là tránh một cuộc điều tra từ CBP, Minh Phú phải công bố các bằng chứng bác bỏ cáo buộc từ ông LaHood. Các dữ liệu cần công bố có thể là tỷ lệ nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, thị phần tôm Minh Phú tại Mỹ,…

Bộ Công thương Việt Nam cũng lên tiếng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi của Minh Phú nói riêng, ngành tôm Việt Nam nói chung.

Những vụ việc như thế này là sự nhắc nhở các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển luôn phải nhớ về những rào cản thương mại vẫn chưa bao giờ biến mất.

Minh Thư

thunguyen