Trung gian thanh toán của Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài

dang.pham

24/12/2019 12:07

Ant Financial - công ty tài chính thuộc tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã mua cổ phần tại ví điện tử eMonkey, theo nguồn tin của Reuters ngày 19.12.

Thỏa thuận thực hiện vào khoảng thời gian mùa hè vừa rồi, nguồn tin cho biết. Mọi thông tin khác về thương vụ như tổng giá trị hay phần trăm cổ phần đều không được tiết lộ.

Người đại diện theo pháp luật của công ty bao gồm: Phan Thanh Nhã, Leimeng Chen, và Ou Yang Sau Vern, theo Cổng Thông tin Quốc gia về Đăng kí Doanh nghiệp. Hai trong số ba người đại diện theo pháp luật của M-Pay - doanh nghiệp đang vận hành ví điện tử eMonkey, có thể đến từ Ant Financial - theo thông tin từ LinkedIn.

Thông tin đăng kí doanh nghiệp của M-Pay
Thông tin đăng kí doanh nghiệp của M-Pay

Tỉ lệ sở hữu của Ant tại eMonkey sẽ không vượt quá 50% nhưng đủ cao để công ty này có quyền kiểm soát đáng kể nhằm cung cấp các kĩ thuật hạ tầng hoàn thiện cho ví điện tử, nguồn tin của Reuters cho hay.

Ant Financial, công ty liên kết của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba do tỉ phú Trung Quốc Jack Ma thành lập, là đơn vị quản lý ví điện tử AliPay. Năm 2017, Ant Financial nhận 14 tỉ USD đầu tư vòng gọi vốn Series C, chiếm tới hơn 80% vốn đổ vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương, theo báo cáo KPMG Pulse of Fintech và được đánh giá là đợt gọi vốn lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Mới đây, Ant Financial cũng thông báo cải tổ hàng loạt nhân vật cấp cao trong tổ chức, theo South China Morning Post.

M-Pay - đơn vị thành lập ví điện tử eMonkey được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho dịch vụ trung gian thanh toán hồi đầu tháng 12.2016. Tính tới thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 32 công ty fintech.

Hiện ví điện tử eMonkey của M-Pay đã kết nối với 22 ngân hàng và các nhà mạng như VNPT, Mobifone, Vietnam Mobile, sàn thương mại điện tử Lazada - công ty con của Alibaba tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ứng dụng này chưa có nhiều hoạt động nổi bật trên thị trường nếu so với các đối thủ khác như MoMo, Moca, Zalo Pay, Air Pay hay Payoo từ khi thành lập.

Lĩnh vực fintech, mà đặc biệt là ví điện tử của đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài với thị trường dân số trẻ, lượng người dùng smartphone chiếm tỉ lệ cao, cùng với độ phủ sóng của internet.

Các doanh nghiệp fintech Việt Nam, đặc biệt là các ví điện tử, đang thu hút vốn đầu tư khổng lồ từ các tay chơi nước ngoài, khi họ muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. 90% thị phần ví điện tử Việt Nam đang nằm trong tay năm doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30 đến 90% - ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết giữa tháng Tám vừa qua.

Tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp fintech hầu như không được công bố. Tuy nhiên, việc đưa người vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt cho thấy khả năng chi phối của những tay chơi nước ngoài.

Mặc dù có tới 32 công ty fintech có giấy phép ví điện tử nhưng chỉ vài cái tên tốp đầu chiếm lĩnh thị trường nhờ vào tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực như MoMo - từng nhận đầu tư từ quỹ Warburg Pincus hay ZaloPay thuộc VNG.

Hồi tháng 9.2018, để có thể mở rộng sang lĩnh vực thanh toán, Grab cũng phải kết hợp với ví Moca hay một hợp tác khác là ví điện tử AirPay với Now - ứng dụng giao thức ăn được quỹ SEA rót vốn.

Dự thảo mới nhất của nghị định 101 về trung gian thanh toán không tiền mặt đang dự kiến giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các trung gian thanh toán (trong đó có ví điện tử) là 49%. Hiện dự thảo đang được xin ý kiến từ các doanh nghiệp fintech trong nước.

Dâng Phạm

dang.pham