Vietnam Airlines tái cơ cấu như thế nào để hướng đến mục tiêu vốn chủ sở hữu dương cuối năm 2021 ?

Trung Kiên

15/12/2021 09:27

Vietnam Airlines (HVN) dự kiến triển khai 7 nhóm giải pháp tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, hồi phục sau dịch. HVN dự kiến vốn chủ sở hữu cuối năm 2021 sẽ là số dương, qua đó đáp ứng tiêu chuẩn để tiếp tục niêm yết ở HOSE.

chu-tich-vietnam-airlines-1639534890.png
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines

Ngày 14/12, Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đã tổ chức họp bất thường thông qua đề án tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025, sửa đổi ngành nghề kinh doanh, sửa đổi điều lệ và phương án kiện toàn nhân sự.

Tại đại hội , ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết Vietnam Airlines xây dựng 7 nhóm giải pháp gồm tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, lùi lịch nhận tàu bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại các tàu bay.

Vietnam Airlines cũng đề ra một số giải pháp lớn khác như tái cơ cấu danh mục đầu tư và các đơn vị thành viên để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ, huy động vốn bên ngoài, phát hành trái phiếu, vay thương mại các tổ chức tín dụng trong nước.

Hãng cũng thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hạn trả nợ vay sang các năm sau. Tổng công ty cũng triển khai tái cơ cấu tổ chức, giảm tầng nấc trung gian; tái cơ cấu đổi mới quản trị doanh nghiệp…

Các nhóm giải pháp trên đã và đang được Vietnam Airlines thực hiện. Bằng nỗ lực tự thân, năm 2020, tổng công ty đã cắt giảm được 5.129 tỷ đồng, trong đó chi phí nhân công là 1.775 tỷ đồng và dự kiến cắt giảm, tiết kiệm khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm nay.

Kết quả này có được chủ yếu nhờ tổ chức lại sản xuất phù hợp với diễn biến thị trường, tái cơ cấu lao đồng, đàm phán giảm giá, giãn, hoãn các khoản thanh toán, tái cơ cấu các khoản vay; bán tàu bay cũ... 

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng tìm kiếm cơ hội gia tăng doanh thu thông qua thực hiện các chuyến bay hồi hương, chờ chuyên gia, tăng cường vận chuyển hàng hóa…

Tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines đã phát hành 796 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, qua đó thu về 7.961 tỷ đồng tiền mặt và tăng vốn điều lệ một lượng tương ứng.

Nhờ có dòng tiền tăng thêm này, vốn chủ sở hữu của tổng công ty đã chuyển từ âm vào cuối quý II thành dương vào cuối quý III.

Vietnam Airlines dự định sẽ tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và cải thiện năng lực tài chính.

Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cho biết đang chuẩn bị lập báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021. "Mục tiêu là vốn chủ sở hữu cuối năm sẽ là số dương", ông Hiền cho biết.

Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa cho biết Vietnam Airlines sẽ đáp ứng được các điều kiện để hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN sẽ tiếp tục niêm yết ở Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), không phải chuyển xuống giao dịch ở thị trường UPCoM.

"Chúng tôi vẫn xác định cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ duy trì ở sàn HOSE. Chúng tôi có tất cả giải pháp để đảm bảo doanh thu, cắt giảm chi phí, đáp ứng các tiêu chuẩn để vẫn niêm yết ở HOSE", Chủ tịch Vietnam Airlines nói.

Được biết lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 42% xuống 18.732 tỷ đồng; lỗ ròng 11.827 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 8.076 tỷ cùng kỳ.

Tính đến cuối quý III, Vietnam Airlines lỗ lũy kế 21.199 tỷ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu là 22.144 tỷ đồng. Qua đó, vốn chủ sở hữu ở mức 1.475 tỷ đồng, giảm 76% so với đầu năm.

Tại đại hội, cổ đông đã thông qua bầu ông Tạ Mạnh Hùng, ông Đinh Việt Tùng làm Thành viên HĐQT và ông Trường Văn Phước làm Thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 5 năm kể từ ngày ĐHCĐ bầu. Đồng thời, cổ đông thông qua miễn nhiệm Thành viên Ban kiểm soát đối với ông Nguyễn Thanh Tùng do có đơn từ nhiệm và bầu bà Nguyễn Thị Hồng Loan thay thế, nhiệm kỳ 5 năm kể từ ngày được bầu. 

Trung Kiên