Vinamilk theo đuổi chiến lược M&A

Nguyễn Hùng

24/04/2019 10:53

Bà Mai Kiều Liên cho biết Vinamilk có khoảng 400-500 triệu USD, cùng với vốn huy động sẽ có đủ tiền để thực hiện các thương vụ M&A.

Vinamilk gần đây liên tục thực hiện các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A), làm động lực tăng trưởng cho công ty sữa lớn nhất Việt Nam này, trong bối cảnh ngành sữa chứng kiến cạnh tranh khốc liệt.

Sau các thương vụ mua cổ phần công ty đường Khánh Hoà và dừa Á Châu, Vinamilk đang thương thảo mua lại cổ phần công ty GTNFoods, chủ sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu.

Vinamilk dự tính chi hơn 1.500 tỉ đồng để mua 46,68% GTNFoods, gia tăng sở hữu lên 49%, theo văn bản chào mua công khai lần thứ hai của Vinamilk phát đi ngày 10.4, sau đợt chào mua không thành công trước đó. Vinamilk đang là cổ đông nắm giữ 2,32% vốn GTNFoods.

Các doanh nghiệp sữa trong nước ngày càng tỏ ra cạnh tranh hơn bằng việc liên tục tung ra các sản phẩm mới để thu hút người tiêu dùng, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang nhòm ngó thị trường này.

Asahi Group Foods, thành viên tập đoàn Asahi (Nhật Bản), thương hiệu có hơn 100 năm trong ngành dinh dưỡng trẻ em và mẹ sơ sinh, đã liên doanh với NutiFood để đưa các sản phẩm của hãng vào thị trường Việt Nam. Tập đoàn đồ uống toàn cầu Coca-Cola bắt đầu lấn sân vào ngành sữa Việt Nam bằng việc hợp tác với hãng Fonterra ra mắt các dòng sản phẩm sữa nước đầu tiên tại thị trường này từ giữa tháng Tư.

Ngành sữa năm 2018 đối mặt nhiều khó khăn khi tiêu dùng sữa chững lại và mới chỉ phục hồi từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, nữ lãnh đạo công ty sữa lớn nhất Việt Nam cho rằng đó chỉ là hiện tượng nhất thời, "có lên có xuống" và tin rằng ngành này vẫn có cơ hội tăng trưởng nhờ mức tiêu dùng sữa của người Việt vẫn còn thấp và nhu cầu từ khoảng một triệu trẻ em ra đời mỗi năm.

Vinamilk đạt trên 52.000 tỉ đồng doanh thu và 10.200 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi doanh thu tăng 2,9% trong năm qua, lợi nhuận của Vinamilk giảm 0,7%.

Là công ty sữa nắm giữ vị thế áp đảo trong hầu hết các phân khúc, việc gia tăng thêm thị phần sẽ khó khăn hơn với Vinamilk. Tuy nhiên, công ty này tuyên bố đã chiếm thêm 0,9% thị phần ngành sữa trong năm 2018.

Trước đợt chào mua này, hội đồng quản trị GTNFoods không đồng ý để Vinamilk mua lại cổ phần, vì Vinamilk chưa trao đổi về định hướng, chiến lược phát triển chung của GTNFoods.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 tổ chức hôm 19.4, bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk cho biết Vinamilk đã ngồi lại với GTNFoods để trao đổi mục đích với nhau. "Chúng tôi muốn tham gia vào GTNFoods để cùng mạnh lên... Nguyên tắc của Vinamilk là tôn trọng đối tác và cân bằng lợi ích."

"Ở vào thời điểm ngày càng cạnh tranh, không riêng sữa mà tất cả các ngành nghề khác, vừa có cơ hội vừa có thách thức, doanh nghiệp nhỏ rất khó cạnh tranh phát triển. Muốn giữ thương hiệu Việt thì phải đoàn kết lại, cùng nhau thành một bó đũa lớn để khó bẻ gãy," bà Liên nói trước giới cổ đông.

Sau khi M&A các công ty, Vinamilk có thêm ngành kinh doanh đường, bổ sung thêm sản phẩm như nước dừa vào danh mục sản phẩm. "GTNFoods có sữa có trà, nông nghiệp nói chung," bà Mai Kiều Liên nói.

Năm 2019, công ty lên kế hoạch gia tăng thêm 7% doanh thu và 2,5% lợi nhuận sau thuế (phần dành cho cổ đông công ty mẹ).

Trường Bùi

Nguyễn Hùng
Bạn đang đọc bài viết "Vinamilk theo đuổi chiến lược M&A" tại chuyên mục Tài chính.