Các startup công nghệ gặp khó khi IPO

thunguyen

28/09/2019 12:46

Hàng loạt startup công nghệ với mức định giá hàng chục tỉ USD công bố chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và gặp không ít khó khăn trước và sau IPO.

Sau chưa đến nửa năm IPO và niêm yết, cổ phiếu của hai ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới là Uber và Lyft đã kịp giảm giá lần lượt 28% và 47% trái với những kỳ vọng và mức định giá trước đó.

Từ mức định giá 47 tỉ USD hồi đầu năm, ứng dụng chia sẻ văn phòng lớn nhất thế giới WeWork đang cân nhắc giảm mức định giá xuống còn 10 đến 12 tỉ USD, theo Reuters. Việc IPO của WeWork đang bị trì hoãn và chưa có kế hoạch cụ thể.

Biến động giá cổ phiếu Lyft từ khi niêm yết vào cuối tháng 3.2019 (Nguồn: Yahoo Finance)

Ứng dụng chia sẻ phòng cho thuê lớn nhất thế giới AirBnB vừa ra thông báo sẽ IPO trong năm 2020. Trước đó AirBnB đã từng lên tiếng về việc IPO năm 2019, nhưng người đồng sáng lập Nathan Blecharczyk nói với Business Insider hồi tháng Ba “Chúng tôi nói về việc chuẩn bị và sẵn sàng IPO năm 2019 nhưng không có nghĩa là sẽ IPO trong năm này”.

Ông Hà Đăng Chính, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Viễn thông Tinh Vân cho rằng, giá trị của một startup phụ thuộc vào tiềm năng phát triển, tăng trưởng của mô hình kinh doanh, số lượng người dùng, và những thách thức cạnh tranh trong tương lai. Đó là những đại lượng định tính, cực kỳ khó xác định, và dễ bị khuếch đại hay giảm thiểu. Các mô hình định giá một startup dựa trên tài sản và doanh thu, lợi nhuận đều không phản ánh đúng thực chất giá trị của startup, đặc biệt là startup công nghệ.

Biến động giá cổ phiếu Uber từ khi niêm yết vào đầu tháng 5.2019 (Nguồn: Yahoo Finance)

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc cho rằng hiện không có một phương pháp định giá nào đối với các startup. Việc định giá các mô hình kinh doanh này phụ thuộc vào kỳ vọng nhà đầu tư, xu hướng thị trường và cả thời điểm định giá. Lyft giảm giá sau IPO khiến các nhà đầu tư e ngại hơn khi Uber IPO sau đó một tháng rưỡi.

Cả WeWork, Uber và Lyft đều lỗ tại thời điểm công bố kế hoạch IPO. Số lỗ lên tới hàng tỉ USD.

Uber và Lyft được coi là hai đại diện xuất sắc nhất của ứng dụng gọi xe toàn cầu, góp phần thay đổi cách vận hành của thị trường vận tải trên quy mô toàn thế giới. Các ứng dụng ra đời sau hoạt động trên phạm vi vùng lãnh thổ và các quốc gia riêng biệt, cũng bắt đầu chứng tỏ được ưu thế của mô hình này. Grab và Go-Jek tại Đông Nam Á, Kakao tại Hàn Quốc, DiDi tại Trung Quốc… phần nào thay đổi cách người tiêu dùng sử dụng các phương tiện cá nhân.

Tại Việt Nam, với hệ thống giao thông công cộng và bãi đỗ xe cá nhân hạn chế, việc sở hữu và duy trì một chiếc ô tô cá nhân trở nên tương đối bất tiện, và có phần đắt đỏ so với gọi xe bằng Grab, Be, hay GoViet…

Tương tự, AirBnB đã thay đổi cách những người trẻ đặt phòng cho các chuyến công tác và du lịch bởi sự linh động, tiện lợi. Các khách sạn truyền thống đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hệ thống phòng/nhà cho thuê gần như vô hạn kết nối qua ứng dụng AirBnB. Mỗi đêm có hơn 2 triệu khách đang nghỉ tại phòng của AirBnB, theo thông tin công bố từ ứng dụng này.

Một văn phòng của WeWork tại Mehico (Ảnh: WeWork)
Một văn phòng của WeWork tại Mehico (Ảnh: WeWork)

Hoạt động trên 126 thành phố với 836 văn phòng, WeWork vượt qua tất cả các doanh nghiệp cho thuê văn phòng truyền thống hiện có.

IPO hay niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là cách các nhà đầu tư ban đầu (qua các vòng gọi vốn) của các startup hiện thực hoá lợi nhuận sau thời gian dài không ngừng rót vốn.

Mức định giá trước IPO thường dựa trên số tiền các nhà đầu tư đã rót vào. Số tiền này, cũng như cách phân bổ theo cổ phần, nợ - về mặt lý thuyết - sẽ chỉ có hai bên (nhà đầu tư và startup) biết. Vì vậy, mức định giá đưa ra thường không có kiểm chứng cụ thể.

Về mặt tài chính, một khoản đầu tư, nếu được rót vào với tư cách một khoản cho vay, sẽ không làm giá trị của startup tăng lên, mà thậm chí có thể giảm đi.

Mark Suckling, hiệu trưởng tại Cento Ventures có trụ sở tại Singapore nói với Nikkei Asia Review, thách thức của Grab và GoJek trong thời gian tới là thuyết phục được các nhà đầu tư ở các vòng gọi vốn sau.

Việc mở rộng ứng dụng sang các dịch vụ khác như tài chính, vận tải, gọi đồ ăn, thậm chí khám chữa bệnh,… đang là cách mà Grab và Go-Jek tìm kiếm lợi nhuận, hoặc mở rộng hệ sinh thái, kiến tạo tài sản (về dữ liệu) để thuyết phục nhà đầu tư trong các vòng gọi vốn tiếp theo.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Các startup công nghệ gặp khó khi IPO" tại chuyên mục Công nghệ.