Vinacam phấn đấu mức chia cổ tức năm 2022 khoảng 50%, gấp hai lần năm 2021

Hải Lăng

21/05/2022 14:04

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Vũ Duy Hải- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam cho biết kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Vinacam đạt mức tương đương năm 2021, phấn đấu mức chia cổ tức năm 2022 khoảng 50%, gấp 2 lần năm 2021, phần còn lại tập trung cho quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự phòng tài chính.

Tại TPHCM, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam - nhà nhập khẩu và cung ứng phân bón hàng đầu tại Việt Nam- vừa tiến hành tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022.

Tại Đại hội, Tập đoàn Vinacam đã trình ĐHĐCĐ thảo luận và thông qua các tờ trình, bao gồm: Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021, Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán, Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2021, định hướng hoạt động năm 2022; Đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty.

Ông Vũ Duy Hải - Chủ tịch HĐQT báo cáo với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thương niên năm 202

Ông Vũ Duy Hải - Chủ tịch HĐQT báo cáo với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thương niên năm 2022

Báo cáo với cổ đông tại ĐHĐCĐ, ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT Vinacam cho biết năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và trong nước. Tác động trực tiếp đến nông nghiệp làm suy giảm sản xuất, đứt đoạn các chuỗi sản xuất nông nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón phải hoạt động cầm chừng do chi phí tăng cao đột biến.

Giá cả một số loại phân bón Urê, DAP, Kali thời điểm cuối năm 2021 tăng trung bình gấp 2 - 3 lần so với thời điểm đầu năm, bênh cạnh đó một số nước có nguồn phân bón lớn như Nga, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu làm ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả bị đẩy lên cao và tại một số thời điểm đã xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường.

Năm 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, cùng giá cả nhiều mặt hàng phân bón tăng cao cộng thêm một số nước có nguồn phân bón lớn như Nga, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu phân bón làm ảnh hưởng tới nguồn cung phân bón trên toàn thế giới

Năm 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, cùng giá cả nhiều mặt hàng phân bón tăng cao cộng thêm một số nước có nguồn phân bón lớn như Nga, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu phân bón làm ảnh hưởng tới nguồn cung phân bón trên toàn thế giới

Trước những khó khăn đó HĐQT Vinacam đã nhanh chóng có những chiến lược và chỉ đạo kịp thời giúp Công ty ký được hợp đồng với các lô hàng lớn có lợi nhuận cao và đã đạt được một số thành công nhất định.

Năm 2021 là năm thứ 15 liên tiếp Vinacam nằm trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tiếp tục giữ vững ngôi vị là một trong 5 doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh phân bón lớn nhất Việt Nam. Các sản phẩm phân bón mang thương hiệu Vinacam ngày càng khẳng định vị trí trong lòng người tiêu dùng với lượng cung ứng ra thị trường không ngừng tăng.

Tổng lượng phân bón nhập khẩu và mua trong nước năm 2021 là 463.371 tấn đạt 180,54% so với năm 2020, tổng lượng phân bón bán ra năm 2021 là 365.898 tấn đạt 126,78% so với năm 2020, tổng doanh thu đạt 3.557 tỷ đồng.

Về lĩnh vực tài chính, năm 2021 Vinacam đã hoàn thành việc phát hành cổ phần tăng vốn Điều lệ Công ty từ 115 tỷ đồng lên 133 tỷ đồng. Trong năm nguồn đầu tư phát triển và dự phòng tài chính bổ sung tăng thêm 217 tỷ đồng nâng tổng nguồn lũy kế đến 31/12/2021 đạt 335 tỷ đồng. Tổng số tiền vay các tổ chức tín dụng trong năm 2021 là 1.400 tỷ đồng, mở L/C theo phương thức Upas gần 1.400 tỷ đồng. Đảm bảo theo dõi trả nợ đúng hạn, thường xuyên cập nhật để có được những gói ưu đãi tín dụng với lãi suất thấp.

Trong năm 2021 Tập đoàn đã thực hiện thoái vốn tại tất cả các công ty cổ phần mà công ty góp vốn xuống mức dưới 10% và rút khỏi vị trí thành viên HĐQT của các công ty này, để phù hợp với Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Tập thể CB-CNV Tập đoàn Vinacam chụp hình lưu niệm tại Đại hội cổ đông 2022

Tập thể CB-CNV Tập đoàn Vinacam chụp hình lưu niệm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022

Đi đôi với việc đảm bảo quyền lợi cho các Cổ đông, Công ty luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động (NLĐ). Năm 2021, thu nhập bình quân của NLĐ là 37.411.821 đồng/người/tháng, so với năm 2020 tăng 2,2 lần. Các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác của NLĐ được Công ty thực hiện đầy đủ theo quy định của Pháp luật và Thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt các hoạt động sinh nhật, khám sức khỏe định kỳ, thăm quan nghỉ mát, chia sẻ buồn vui hiếu hỷ luôn được NLĐ ghi nhận và đánh giá cao.

Đối với hoạt động hướng tới cộng đồng Công ty đã ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19 với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng. Mặc dù kinh tế năm 2021 gặp nhiều khó khăn song Quỹ khuyến học Vinacam đã vận động quyên góp từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước được số tiền 13.275.855.000 đồng và 2.000 usd (Trong đó Vinacam ủng hộ 10 tỷ đồng).

Cũng trong năm từ nguồn tài chính của Quỹ, nguồn đóng góp của Vinacam, nguồn ủng hộ của các nhà tài trợ trong và ngoài nước; Quỹ Khuyến học Vinacam thông qua Báo Tuổi trẻ đã cấp 2 tỷ đồng học bổng và 50 laptop (trị giá 599.500.000 đồng) cho các tân sinh viên, học sinh nghèo hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên cả nước. Cấp học bổng cho cháu Nguyễn Thị Thu Huyền (lớp 4A, Trường Tiểu học An Thanh, xã An Thanh, Quỳnh Phụ, Thái Bình) 20.000.000đ. Hiện tại tổng nguồn Quỹ dư có 24.727.228.130 đồng và 4.139,05 USD

Tình hình chiến sự Nga - Ukraine, Ban Lãnh đạo Tập đoàn nhận định cho dù một hiệp định hòa bình giữa Nga và Ukraine được ký kết tại thời điểm này; Quốc tế dỡ bỏ dần cấm vận thì việc kết nối sản xuất, giao thương toàn cầu cũng không thể một sớm một chiều khôi phục lại như thời điểm cũ, chắc chắn khủng hoảng lương thực, năng lượng, phân bón, … vẫn là hiện hữu và các quốc gia sẽ khó có biện pháp khắc phục thậm chí cho đến hết năm 2022.

Năm 2022 cũng được dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể tiếp tục xảy ra hạn hán xâm nhập mặn gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam và khả năng bão, lũ nhiều hơn đối với các tỉnh phía Bắc. Thị trường phân bón trong nước tiếp tục sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các nhà máy sản xuất phân NPK hỗn hợp, sản xuất phân bón đơn của các nhà máy các Tập đoàn nhà nước như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, ... Việc Chính phủ có thể áp dụng thuế xuất khẩu 5% lên tất cả các mặt hàng phân bón sẽ gây ra biến động lớn về giá tiêu thụ trong nước đặc biệt vào mùa thấp điểm.

Trước tình hình đó HĐQT Công ty đã đề nghị mục tiêu phát triển Công ty trong năm 2022, đặt kế hoạch nhập khẩu và khai thác nội địa khoảng 200.000 tấn phân bón các loại, Tập trung tiêu thụ hàng tồn kho, đảm bảo dòng tiền luân chuyển ổn định và có một lượng nhất định hàng tồn kho giá thấp dự phòng cho năm 2023. Phấn đấu kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Vinacam đạt mức tương đương năm 2021, phấn đấu mức chia cổ tức năm 2022 khoảng 50%, gấp 2 lần năm 2021, phần còn lại tập trung cho quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự phòng tài chính.

Đại hội cũng dành thời gian để các cổ đông và lãnh đạo Vinacam thảo luận, trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan. Các ý kiến phần lớn xoay quanh chiến lược phát triển của Vinacam trong thời gian tới, kế hoạch nhập khẩu phân bón trong năm 2022.

Trong phần giải trình trước cổ đông, Ban lãnh đạo Vinacam đã khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của các cổ đông, xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu Vinacam.

Đại hội đã nhất trí thông qua tất cả các nội dung được trình bày tại đại hội

Đại hội đã nhất trí thông qua tất cả các nội dung được trình bày tại đại hội

ĐHĐCĐ Vinacam đã nhất trí thông qua tất cả các nội dung được trình tại đại hội trong đó thông qua báo cáo hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2021 và phương hướng kế hoạch năm 2022, thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 25% bằng tiền mặt, đồng ý bổ sung mã ngành nghề kinh doanh (điều 4 điều lệ Công ty) mã ngành 6311 xử lý dữ liệu và 6312 cổng thông tin thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.

Đồng ý kéo dài phương án huy động vốn từ các nguồn khác nhau để phục vụ cho sản xuất kinh doanh, thông qua phương án sử dụng nguồn vốn tích luỹ khoảng 300 – 500 tỷ đồng và vay đối ứng ngân hàng để đâu tư tài sản cố định là bất động sản.

Hải Lăng