Các chuyên gia đánh giá như thế nào về việc NHNN phát hành 10.000 tỷ đồng tín phiếu ra thị trường?

Mai Ngọc

24/09/2023 16:51

Ngày 21/9/2023, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo về việc bán tín phiếu NHNN thông qua phương thức đấu thầu. Theo kết quả đấu thầu, NHNN đã phát hành 9,995 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất trúng thầu đạt 0.69%/năm. Ngày đến hạn thanh toán của lô tín phiếu trên là 19/10/2023 (28 ngày).

Đây là đợt phát hành tín phiếu đầu tiên của NHNN kể từ tháng 3/2023 và động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa. Trước động thái phát hành tín phiếu của NHNN, các chuyên gia đã có những góc nhìn và đánh giá tích cực.

Theo FiinGroup, ở thời điểm hiện tại khi thanh khoản hệ thống đang dư thừa, động thái hút ròng của NHNN nên được xem xét trong mối tương quan với diễn biến về tỷ giá.

Cũng theo FiinGroup, động thái này cho thấy NHNN sẵn sàng can thiệp để “hạ nhiệt” tỷ giá. Đồng thời, được kỳ vọng sẽ giữ chân dòng tiền ngoại đang “nhấp nhổm” rút ra hoặc tạo cú hích cho dòng tiền ngoại đang chờ đợi giải ngân.

Như vậy, động thái phát hành tín phiếu của NHNN cùng với việc giá bán USD ở VCB quay đầu giảm 2 ngày gần đây nên được nhìn nhận với góc độ tích cực hơn là tiêu cực.

383233132-6488189847946486-2001849261842711572-n-1695548900.jpeg
Các chuyên gia đã có những góc nhìn và đánh giá tích cực về việc NHNN phát hành tín phiếu ra thị trường. Ảnh: NQL

Còn theo đánh giá của FIDT, việc này của NHNN là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống quá dư thừa, lãi suất liên ngân hàng đang về 0,15%/năm. Việc này cũng giúp giảm áp lực tỷ giá và hạn chế bớt đầu cơ tỷ giá.

Do đó, trong ngắn hạn tác động chính về mặt tâm lý thêm yếu tố bán ròng của khối ngoại sẽ khiến thị trường điều chỉnh nhưng không quá đáng ngại. Đối với các cổ phiếu nhà đầu tư đang đợi mua có thể mua khi thị trường phản ánh tâm lý.

Trung hạn, xu hướng vĩ mô và thị trường chứng khoán vẫn tốt, việc hút thanh khoản giúp ổn định tỷ giá tạo môi trường phục hồi ổn định hơn cho nền kinh tế và hỗ trợ xu hướng đi lên trung hạn của thị trường chứng khoán.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, thanh khoản dồi dào, NHNN mua vào, qua đó hỗ trợ 1 phần lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp hơn. Điều này cũng gián tiếp hỗ trợ tỷ giá (nhưng không quá lớn).

Theo ông Lực, đây là hoạt động bình thường của NHNN và liệu có tiếp tục phát hành tín phiếu hay không còn tuỳ thuộc vào thanh khoản

Theo thống kê NHNN cho thấy, tín dụng đang tăng trưởng rất chậm, đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm là 14%), và chỉ nhỉnh hơn một chút so với 5,33% đến cuối tháng 8.

Việc dư thừa thanh khoản khiến các ngân hàng liên tục hạ lãi suất huy động. Cuối tuần trước và đầu tuần này, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước là Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV đã đồng loạt giảm lãi suất huy động thêm 0,2 - 0,3%/năm, đưa lãi suất huy động cao nhất về chỉ còn 5,5%/năm, thấp nhất trong lịch sử thị trường tiền tệ.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất duy trì ở mức rất thấp. Lãi suất bình quân liên ngân hàng ở kỳ hạn chủ chốt là qua đêm giảm xuống chỉ còn 0,14%/năm; kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần giảm còn lần lượt 0,33 - 0,4%/năm; kỳ hạn 1 tháng là 1,03%/năm.

190920221034-dinh-trong-thinh-1695548819.jpeg
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia tài chính ngân hàng.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, động thái phát hành tín phiếu có nghĩa là NHNN đang hút dòng tiền trên thị trường về. Mục tiêu chủ yếu là hút tiền trên thị trường trong bối cảnh đang thừa tiền, không cho vay ra được.

Việt Nam đang thực hiện việc hạ lãi suất, tăng đầu tư công, giảm thuế VAT…, những điều này làm cho chính sách tiền tệ mở rộng nhanh chóng, do đó lượng tiền trên thị trường rất nhiều. Ngoài việc bơm hút tiền bình thường ra, thì việc phát hành tín phiếu cũng là một trong những cách để NHNN rút bớt tiền trong xã hội.

Tín phiếu là phát hành ra thị trường nói chung, có thể ngân hàng thương mại chỉ là nơi trung chuyển, ngân hàng thương mại cũng có thể mua tín phiếu từ NHNN để hút bớt tiền trong nền kinh tế, giảm áp lực tiền tệ giữa VNĐ và USD cũng như áp lực về lạm phát. Lúc đó, không phải lo về tỷ giá VNĐ/USD hay e ngại VNĐ mất giá so với USD.

Sau 8 tháng đầu năm, VNĐ chỉ mất giá so với USD hơn 1.6%. Như vậy có thể nói VNĐ rất ổn định so với USD. Trong khi đó, lãi suất USD đã lên mức cao nhất trong vòng 22 năm mà lãi suất VNĐ lại đang giảm mạnh. Về mặt lý thuyết, VNĐ đáng lẽ phải giảm giá nhiều, trong khi Việt Nam lại đang giảm lãi suất, đầu tư công cần giải ngân ra thị trường 711,000 tỷ đồng, rõ ràng lượng tiền trên thị trường rất nhiều.

“Muốn giữ ổn định tỷ giá hối đoái, cân bằng tiền tệ thì phải có cách hút bớt đi, ngoài việc bơm hút bình thường thì phát hành tín phiếu để hút bớt tiền trong thị trường về NHNN, giảm áp lực tiền tệ, đồng thời tạo ra nguồn dự trữ cho ngân hàng trong điều kiện lãi suất đang thấp. Phát hành tín phiếu là biện pháp đỡ tốn kém nhất so với các biện pháp can thiệp tiền tệ khác”, ông Thịnh chia sẻ.

Nhận định về chính sách tiền tệ về cuối năm, ông Thịnh cho rằng vẫn sẽ ổn định. Bởi vì NHNN cũng có thống nhất với Chính phủ, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định tiền tệ, giữ vững tỷ giá hối đoái, từ đó đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững.

Trên cơ sở đó, VNĐ sẽ ổn định so với USD, nếu VNĐ có biến động về giá thì chỉ tăng/giảm 2-3% so với đầu năm. Do đó việc phát hành tín phiếu chỉ là để điều chỉnh thị trường.

Mai Ngọc