CEO Lê Hồng Thủy Tiên bất ngờ xin dừng cấp phép Hãng hàng không IPP Air Cargo

Bảo Hân

30/10/2022 09:31

Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần IPP Air Cargo đồng thời là vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn ngày 27/10 vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam về việc xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo.

Lý giải về lý do xin dừng cấp phép bay, Tổng giám đốc IPP Air Cargo Lê Hồng Thủy Tiên cho biết theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng leo thang; kinh tế toàn cầu suy thoái ngày càng hiện hữu do lạm phát, lãi suất tăng, gánh nặng nợ ngày càng nhiều, biến động về giá nhiên liệu... tình hình có thể kéo dài đến hết năm 2023-2024.

Dựa trên cơ sở đó, CEO IPP Air Cargo bày tỏ lo ngại rằng tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động giá nhiên liệu, nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng.

Do đó, Công ty IPP Air Cargo xin các cơ quan liên quan được rút hồ sơ và dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không cho công ty này.

Theo CEO Lê Hồng Thủy Tiên, khi thị trường thế giới có sự phục hồi và ổn định trong tương lai, Công ty cổ phần IPP Air Cargo sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không mới, bao gồm việc nộp hồ sơ xin cấp phép từ đầu.

299125153-840716800616023-6061688528093811224-n-1666046632.jpeg

IPP Group của vợ chồng bà Thuỷ Tiên đang rất tham vọng với hãng hàng không chuyên chở hàng. Ảnhh: GB

Việc Công ty của vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin dừng lập hãng bay IPP Air Cargo quá bất ngờ đối với nhiều người bởi tại lễ trao giải Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022 vừa qua bà Lê Hồng Thủy TIên - CEO của IPP Group đã có những chia sẻ những kế hoạch và tham vọng đối với việc thực hiện hãng hàng không IPP Air Cargo.

Theo bà Tiên, ở Việt Nam hiện có 5 hãng không. Các hãng hàng không này khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chở hành khách. Hiện nay chưa có hãng bay chở hàng hoá chuyên dụng.

Cũng theo CEO IPP Group, thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế của Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài đến từ 16 quốc gia tham gia khai thác. Trong khi đó, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 chỉ vào khoảng 11%. Một thực tế, Việt Nam kêu gọi nhiều nhà đầu tư FDI vào. Nhưng hiện nay lại không có một đội bay chuyên nghiệp vận chuyển hàng hoá.

“Ví như một doanh nghiệp FDI lớn ở Hải Phòng, khi kéo hàng lên Hà Nội thì chi phí rất cao. Nếu có hãng hàng không bay thẳng từ Hải Phòng đi các nước, tính sơ bộ 1 năm có thể tiết kiệm được cho họ 500.000 USD. Đó là một tính toán rất nhỏ. Chúng tôi đang chờ chập thuận cấp phép cuối cùng từ Chính phủ. Nếu được cấp phép, chúng tôi hy vọng hãng hàng không IPP Air Cargo sẽ giải được rất nhiều bài toán cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam…”, bà Tiên cho hay.

Cũng theo bà Tiên, mơ ước được đưa trái cây, nông sản sạch của Việt Nam đến người tiêu dùng thế giới, đến tay người tiêu dùng Nhật Bản, Úc... một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí nhất. Hiện 4 máy bay đã chuyển đổi và nằm chờ sẵn, đội ngũ nhân viên chủ chốt…điều đã sẵn sàng và đáp ứng theo Nghị định 89 về việc kinh doanh có điều kiện hãng hàng không hàng hoá, chỉ còn chờ giấy phép. Khi đi vào hoạt động, IPP Group cam kết sẽ phục vụ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và FDI thật tốt, từ đó tạo nên một nền tảng bền vững.

“Họ nói nếu mình có một đội bay Freighter, họ sẽ di dời nhà máy OEM từ các nước khác về Việt Nam, vì họ cảm thấy đây là một trong những yếu tố rất bền vững để tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Chúng tôi sẽ đầu tư tàu bay thân rộng… để bay thẳng đi Châu Âu và Mỹ”, CEO IPP Group chia sẻ.

Nữ Tổng giám đốc IPP Group quyết tâm, khi cho rằng IPP Air Cargo sẽ góp phần hàn gắn chuỗi cung ứng hàng hóa hàng không đang rối loạn của Việt Nam - Thế giới và ngược lại…Đồng thời xác định, đây là một cuộc chơi tốn kém, chấp nhận lỗ trong 3 năm, nhưng vẫn làm vì muốn đưa tinh hoa Việt Nam ra thế giới bằng con đường nhanh nhất.

Được biết Công ty IPP Air Cargo được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 10/3/2021 với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa hàng không. Doanh nghiệp đặt trụ sở tại TP.HCM. Theo hồ sơ, IPP Air Cargo do ông Nguyễn Hạnh (tức Johnathan Hạnh Nguyễn) làm chủ tịch hội đồng quản trị, bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn) làm tổng giám đốc.

Theo Tờ trình số 01-22/TT-IPPAC ngày 14/1/2022 kèm Hồ sơ xin phê duyệt cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không IPP Air Cargo, đến thời điểm này, về cơ bản công ty đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh vận chuyển hàng không và vận chuyển hàng không chung cũng như các quy định khác.

Mới đây, Bộ Quốc phòng và Bộ Công Thương vừa có văn bản bày tỏ ủng hộ việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không cho hãng hàng không vận tải hàng hóa IPP Air Cargo của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn.  Tổng mức đầu tư theo hồ sơ của hãng hàng không này là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động.

4 cổ đông của IPP Air Cargo gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam, bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam nên IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.

Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. 

Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.

Bảo Hân