Chính thức ra mắt chứng quyền có bảo đảm

thunguyen

27/06/2019 18:30

Ngày 28.6.2019, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức ra mắt sản phẩm mới chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) sau bảy năm chuẩn bị.

Là sản phẩm chứng khoán mới, CW góp phần thêm lựa chọn cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh các sản phẩm quen thuộc như cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai. Hoàn chỉnh dần các sản phẩm cũng là mục tiêu của thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp nâng hạng thị trường, thu hút nguồn vốn nước ngoài.

CW còn được xem là một giải pháp giải quyết giới hạn sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp, một điểm thắt tại thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Với một số ngành nghề đặc thù, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ dừng lại ở mức 30% - 49%... Tuy nhiên, với CW, nhà đầu tư nước ngoài được mua không giới hạn. Tuy nhiên, quyền lợi của nhà đầu tư lúc này chỉ là tìm kiếm lợi nhuận từ biến động giá chứng khoán, chứ không bao gồm quyền biểu quyết.

Khác với các sản phẩm chứng khoán trước đây, thường do các doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý phát hành, CW là sản phẩm do công ty chứng khoán phát hành, chào bán cho nhà đầu tư thông qua các đợt IPO và trên thị trường thứ cấp. Doanh thu/lợi nhuận của công ty chứng khoán khi chào bán CW chính là mức phí mà nhà đầu tư bỏ ra để chi trả cho CW phát hành. Một điểm đặc biệt nữa là nhà đầu tư chỉ có thể mua CW bằng tiền có sẵn trong tài khoản, không chấp nhận tiền vay.

Tự doanh (mua/bán trực tiếp cổ phiếu và chứng chỉ quỹ để kiếm lời) là một hoạt động quen thuộc của các công ty chứng khoán, bên cạnh các dịch vụ tư vấn, phân tích, môi giới, cho vay ký quỹ… Theo dữ liệu từ StoxPlus, tính riêng trên sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018 bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán đã mua vào trên 980 triệu cổ phiếu với giá trị gần 41,7 nghìn tỉ đồng, đồng thời bán ra trên 1 tỉ cổ phiếu trị giá gần 41 nghìn tỉ đồng.

Với sản phẩm CW, bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán đảm nhiệm thêm một chức năng nữa là mua vào chứng khoán cơ sở để đảm bảo thanh khoản khi CW đáo hạn.

Giai đoạn đầu ra mắt, CW tại thị trường Việt Nam mới chỉ là chứng quyền bảo đảm quyền mua. Có nghĩa là khi sở hữu chứng quyền, nhà đầu tư có quyền mua chứng khoán cơ sở tại một mức giá nào đó tại thời điểm đáo hạn. Với đặc điểm này, nhà đầu tư sẽ kỳ vọng mức giá chứng khoán cơ sở tăng (qua đó có quyền mua với giá thấp như cam kết của chứng quyền). Trong khi nhà đầu tư mất số tiền tối đa là khoản phí mua CW, thì công ty chứng khoán có thể mất số tiền vô hạn, khi chứng khoán tăng mạnh tại thời điểm đáo hạn, phải thanh toán bù trừ cho nhà đầu tư.

Mua chứng khoán cơ sở để bảo đảm là quy định của Ủy ban chứng khoán nhà nước. Khi cổ phiếu tăng, công ty sẽ có khoản lợi nhuận từ số lượng cổ phiếu mua vào để chi trả cho nhà đầu tư. Với các công ty chứng khoán, lợi nhuận thu được khi chứng khoán tăng đôi khi vượt quá khoản lỗ mà họ phải chi trả cho nhà đầu tư sở hữu CW.

“Khi thị trường tăng, về cơ bản cả công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư đều vui” - một chuyên gia tài chính nhận định.

Để chuẩn bị cho ngày ra mắt chính thức vào 28.6 này, các công ty chứng khoán đã đăng ký chào bán CW cho nhà đầu tư. Trong ba ngày chào bán từ 10 - 12.6.2019, Công ty chứng khoán Ngân hàng Quân đội đã nhận được số lượng đăng ký mua CW vượt từ 29 - 38% số lượng chào bán.

Sức hấp dẫn của CW ngay từ những ngày đầu khi các công ty chứng khoán chào bán, theo ông Hoàng Thạch Lân - trưởng phòng tư vấn Công ty Chứng khoán Rồng Việt - là “ảo giác sản phẩm rẻ”. Đơn cử, một chứng khoán FPT được giao dịch với mức giá xung quanh 46.000 đồng, trong khi CW dựa trên cổ phiếu FPT lại đang được chào bán với giá chỉ 6.000 đồng. Đây là mức giá CW do Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chào bán.

Một lý do nữa khiến CW hấp dẫn, theo ông Lân, là do đã làm quen với Hợp đồng tương lai chỉ số (futures) gần hai năm nay, nhà đầu tư sẽ cảm thấy gần gũi hơn với việc mua bán những sản phẩm phái sinh dựa trên chứng khoán cơ sở như CW.

Ông Lân cũng lưu ý, mặc dù mức giá “có vẻ thấp” kho so với giá chứng khoán cơ sở, CW được mua hoàn toàn bằng tiền mặt, là tiền có sẵn trong tài khoản, do vậy một khi nhà đầu tư hứng khởi dốc hết tiền để mua CW, họ đứng trước rủi ro mất toàn bộ số tiền đó. “Tỷ lệ thua lỗ” vì thế không hề nhỏ như nhà đầu tư đã hình dung.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Chính thức ra mắt chứng quyền có bảo đảm" tại chuyên mục Tài chính.