Cổ phiếu mất hơn 50% giá trị so với thời người Thái bỏ 5 tỷ USD thâu tóm, Sabeco đang làm ăn ra sao?

Chí Cang

05/06/2022 13:53

Giá cổ phiếu SAB của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn SABECO tính đến hết ngày 3-6-2022 chỉ ở mức 155.200 đồng/cổ phiếu. Nếu so với con số 320.000 đồng ThaiBev đã bỏ ra để thâu tóm cổ phần của SAB thì hiện nay khoản đầu tư này đã mất đi hơn 50% giá trị.

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn SABECO (SAB) là công ty sản xuất bia lâu đời và quen thuộc của người dân Việt Nam với thương hiệu bia Saigon, 333. Nhưng ít ai biết được rằng, tiền thân của công ty là xưởng bia nhỏ thành lập từ năm 1875 thuộc sở hữu của một ông người Pháp sống tại Sài Gòn.

Trải qua hàng trăm năm phát triển, từ một cơ sở bia nhỏ, công ty đã phát triển liên tục và sở hữu riêng cho mình nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á - Nhà máy bia Sài Gòn Củ Chi vào năm 2008.

Cuối năm 2016, SAB chính thức lên sàn chứng khoán HOSE với giá khởi điểm 110.000 đồng/cổ phiếu.

Nhìn lại thương vụ gần 5 tỷ USD

Ngày 18-12-2017, Bộ Công Thương chính thức chào bán 343.642.587 cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, tương đương 53,59% cổ phần. Cuộc đấu giá thành công với mức giá “siêu khủng” thời ấy 320.000 đồng/cổ phiếu.

Đơn vị mua thành công cổ phiếu là Công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev) - công ty được thành lập chỉ 2 tháng trước ngày ngày chào bán.

Đây là doanh nghiệp được tỷ phú người Thái Lan - ông Charoen Sirivadhanabhakdi thành lập tại Việt Nam nhằm mục đích đáp ứng điều kiện thâu tóm cổ phần của Sabeco.

Tổng trị giá của việc mua bán lên đến 4,8 tỷ USD, trở thành thương vụ lớn nhất thị trường chứng khoán thời điểm đó và là một trong những thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất ngành bia khu vực châu Á.

Thời điểm chào bán cổ phiếu, thị phần của Sabeco trong thị trường bia tại Việt Nam chiếm hơn 40%, đứng đầu cả nước. Chính vì thế, Thaibev - tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen đã sẵn sàng vay ngân hàng ở Thái Lan và cả Singapore gần 5 tỷ USD để thực hiện được thương vụ “lịch sử”.

Bởi vì theo quy định, VietBev phải thanh toán cho Bộ Công Thương số tiền 4,8 tỷ USD trong vòng 10 ngày kể từ hoàn tất giao dịch. Kết quả là trong vòng 9 ngày, đã thanh toán đủ số tiền. Qua đó có thể thấy được Thaibev của vị tỷ phú người Thái đã chuẩn bị chu đáo mọi kế hoạch cho việc thâu tóm này.

Tỷ phú Thái Lan - Ông Charoen Sirivadhanabhakdi

Trong một lần trả lời báo chí, Thủ tướng Chính phủ năm 2017 là ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng nếu bán cổ phần vào thời điểm đầu năm thì chỉ thu lại được khoảng 2 tỷ USD. Nhưng Chính phủ đã lựa chọn phương án niêm yết cổ phiếu sabeco lên sàn chứng khoán và kết quả thu lại được 5 tỷ USD. Con số gấp tăng gần 2,5 lần chỉ trong vòng 1 năm cho thấy chiến lược đúng đắn được Chính phủ lựa chọn.

Sabeco làm ăn như thế nào sau khi “bán mình”?

Hiện tại sau 7 năm “bán mình”, VietBev vẫn là cổ đông lớn nhất của Sabeco với tỷ lệ 53,59%. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không còn nắm giữ 36% cổ phần như trước mà đã chuyển giao tất cả cho Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý vào ngày 28-8-2020.

Đặc biệt, giá cổ phiếu tính đến hết ngày 3-6-2022 của công ty chỉ ở mức 155.200 đồng/cổ phiếu. Nếu so với con số 320.000 đồng ThaiBev đã bỏ ra để thâu tóm cổ phần của SAB thì hiện nay khoản đầu tư này đã mất đi hơn 50% giá trị. Tuy nhiên, công ty mẹ tại Thái Lan vẫn luôn đặt kỳ vọng vào tiềm năng của Sabeco được thể hiện qua kết quả kinh doanh hàng năm.

Nhà máy bia Sài Gòn - Nguyễn Chí Thanh nằm tại vị trí đắc địa ở Quận 5, TPHCM. Nơi đây cũng là xưởng bia tiền thân của Sabeco năm 1875 

Kết thúc năm đầu sau khi đổi chủ, doanh thu của Sabeco năm 2018 tăng trưởng 5% đạt hơn 36.043 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là cũng là năm thay đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia từ 55% lên 65%, khiến cho lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 của SAB sụt giảm 11% chỉ đạt hơn 4.402 tỷ.

Đến năm 2019, liên tục xuất hiện tin đồn Sabeco đã được bán cho nhà đầu tư Trung Quốc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công ty. Sự việc này nghiêm trọng đến mức Thứ trưởng Bộ Công Thương bắt buộc phải lên tiếng bác bỏ thông tin trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 9.

Mặc dù gặp khó khăn với tin đồn thất thiệt, nhưng công ty không sụt giảm mà ngược lại cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Nhờ vào sản lượng bia tăng và thay đổi chính sách giá, công ty đã thu lợi khoản lợi nhuận ròng “khổng lồ” 5.370 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử của Sabeco.

Vừa chấm dứt tin đồn, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn phải lập tức chịu tác động kép từ Nghị định 100 của Chính phủ và bùng dịch Covid-19. Thời điểm đó, công ty lập tức hạ triển vọng kinh doanh so với năm trước.

Kết thúc năm có thể thấy rõ rệt tác động của 2 sự kiện này, doanh thu giảm đến 26% nhưng nhờ vào kiểm soát tốt chi phí nên lợi nhuận sau thuế chỉ giảm ở mức 8%.

Năm 2021 là thời gian dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh mẽ nhất tới nước ta. Ngành thực phẩm, đồ uống và đặt biệt là bia như Sabeco là một trong những lĩnh vực thiệt hại lớn nhất. Điều này dẫn đến doanh thu chỉ đạt khoảng 26.578 tỷ tương đương 94% so với năm 2020.

Nặng nề nhất là chỉ số lợi nhuận sụt giảm lên đến 20% vì sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn lại hơn 3.929 tỷ đồng, thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2021.

Lợi nhuận sau thuế của Sabeco giai đoạn trước và sau khi “bán mình”

Năm 2022 công ty đặt triển vọng hồi phục lại kết quả kinh doanh về lại mức trước dịch. Nhìn thấy cơ hội lớn từ việc Chính phủ mở cửa lại các hoạt động du lịch, nhà hàng, ăn uống và khả năng tăng tốc của nền kinh tế Việt Nam. Sabeco đặt kế hoạch doanh thu thuần 34.791 tỷ và lợi nhuận ròng 4.581 tỷ đồng.

Chí Cang