Công tác phát triển Đảng viên tại doanh nghiệp ngoài nhà nước: Những thuận lợi và khó khăn

Lê Huệ Linh

08/11/2023 19:55

Những năm qua, công tác phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước được quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong đoàn viên, thanh niên thuộc nhiều khu vực. Việc xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đoàn, phát triển Đảng viên từ đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp nói chung và trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước nói riêng được các cấp bộ đoàn xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Làm tốt công tác này chính là góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện.

1. Tính cấp thiết

Hiện nay số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng lên cả về mặt số lượng, chất lượng, hiệu quả, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Hiện nay cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo nghị quyết 45 của Chính phủ, mục tiêu phát triển nền kinh tế tới năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, đến năm 2030 số doanh nghiệp ngoài nhà nước dự kiến tăng lên ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP năm 2025 dự kiến là khoảng 55% và tăng lên 60-65% GDP 5 năm sau đó.

Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp ngoài nhà nước đa dạng từ thương mại, dịch vụ, đến các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật, nghiệp vụ cao như tài chính, ngân hàng, bất động sản, công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin, du lịch sinh thái… Như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, trước sự lớn mạnh không ngừng của kinh tế tư nhân, câu chuyện phát triển tổ chức Đảng trong khu vực này rất cần thiết, đóng vai trò tích cực vào việc định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định, cần phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Trong tình hình hiện nay, khi số lượng doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các loại hình doanh nghiệp, sự vận hành của doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước góp phần ổn định nền kinh tế, thu hút nhiều lao động xã hội đồng thời hiện nay, có rất nhiều thế lực thù địch bên ngoài đang tìm mọi cách, bằng nhiều phương pháp khác nhau nhằm chống phá Đảng và Nhà nước, thì việc xây dựng tổ chức đảng, tổ chức đoàn và phát triển đảng viên trong khu vực này là yêu cầu quan trọng để tổ chức đảng phát huy vai trò lãnh đạo đảng viên, người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người lao động, của chủ doanh nghiệp; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

dang-vien-vcb-1699447732.jpeg
Việc xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đoàn, phát triển Đảng viên từ đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp nói chung và trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước nói riêng được các cấp bộ đoàn xác định là một nhiệm vụ quan trọng. (Trong ảnh: Lễ kết nạp Đảng viên mới tại Chi nhánh Vietcombank Đông Bình Dương)

2. Lợi ích của Tổ chức Đảng tại doanh nghiệp

Nhìn từ thực tiễn cho thấy, các tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp hoạt động tốt góp phần thúc đẩy sản xuất, tham gia giải quyết hợp lý các tranh chấp, bức xúc; tuyên truyền, vận động người lao động và chủ doanh nghiệp thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện những thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tổ chức cơ sở Đảng đã là cầu nối quan trọng động viên người lao động phát huy sáng kiến, trách nhiệm để nâng cao năng suất lao động, vừa giúp doanh nghiệp phát triển, vừa tăng thu nhập. Đồng thời có tổ chức Đảng, cũng sẽ có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên… giúp cho tinh thần của người lao động tốt, họ có động lực để gắn bó, cống hiến với công ty, doanh nghiệp

Những người công nhân viên nhìn nhận tốt, đánh giá cao những người Đảng viên. Bản thân đảng viên cũng cố gắng phấn đấu để sản xuất và làm tốt công việc, nhiệm vụ của mình. Lúc nào họ cũng suy nghĩ mình là người Đảng viên, cố gắng là tấm gương cho những công nhân khác noi theo.

3. Những khó khăn, hạn chế còn tồn tại

 3.1. Số lượng có tăng nhưng tỷ lệ còn thấp

Chủ trương về phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã được thực hiện qua nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, số lượng đảng viên mới và tổ chức cơ sở Đảng được thành lập hằng năm còn ở mức “khiêm tốn” so với số lượng lao động trực tiếp trong khu vực này. Việc thu hút công nhân tham gia hoạt động đoàn thể, để tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp Đảng vẫn luôn là “đề bài” khó. Toàn Đảng hiện có gần 52.000 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó chỉ có hơn 3.340 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, tỷ lệ còn rất nhỏ hoặc có tổ chức cở sở Đảng nhưng số lượng đảng viên còn rất ít. Như hiện nay trong ngành ngân hàng có 49 tổ chức tín dụng, trong đó 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, 31 ngân hàng TMCP, 02 ngân hàng thương mại liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 02 ngân hàng chính sách và 01 ngân hàng hợp tác xã. Đa phần các ngân hàng TMCP nhà nước đều có tổ chức cở sở đảng, còn lại một số ngân hàng TMCP có thành lập tổ chức cơ sở đảng nhưng chủ yếu sinh hoạt tại trụ sở chính, tại các chi nhánh rất ít hoặc không có chi bộ, từ đó gây khó khăn cho một số Đảng viên sinh hoạt và công tác phát triển đảng viên mới hầu như không được quan tâm. Như trên địa bàn Phú Quốc, Kiên Giang có khoảng 19 tổ chức tín dụng đang hoạt động, tuy nhiên số lượng ngân hàng có tổ chức đảng chủ yếu là các ngân hàng thương mại Nhà nước như VCB, BIDV, Agribank, Vietinbank. Một số chi nhánh ngân hàng TMCP tại đây không có chi bộ nên trường hợp có cán bộ là đảng viên phải về trụ sở chính sinh hoạt hoặc sinh hoạt ghép hoặc chuyển sinh hoạt về nơi cư trú, điều này gây khó khăn trong việc tham gia các cuộc họp, hoạt động của đơn vị

Lý giải nguyên nhân số lượng còn hạn chế, nhiều ý kiến cho rằng, có rất nhiều tác động. Trong đó yếu tố khách quan là phần lớn doanh nghiệp ngoài Nhà nước có quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh thiếu ổn định, lao động biến động thường xuyên, thu nhập của người lao động thấp, nhất là suy thoái như hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí giải thể, áp lực lo công ăn việc làm cho người lao động khiến chủ doanh nghiệp sao nhãng việc phát triển Đảng. Mặt khác, người đứng đầu doanh nghiệp không phải là Đảng viên hoặc là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài vì vậy rất khó khăn trong công tác phát triển tổ chức Đảng, từ đó dẫn đến doanh nghiệp không thành lập tổ chức Đảng.

3.2. Nhận thức chưa đầy đủ 

Những hạn chế còn có lý do đến từ yếu tố chủ quan là nhận thức chưa đầy đủ. Nhiều chủ doanh nghiệp không ủng hộ việc thành lập và chưa tạo điều kiện để tổ chức Đảng hoạt động. “Ngại” cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp chia sẻ khi đề cập đến việc phát triển Đảng. Cái "ngại" chính của lao động là “mất thời gian”, “ngại” về thủ tục, về sự bó buộc bởi các quy định. Trong khi đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa chủ động, quyết liệt, thiếu các giải pháp đột phá, máy móc trong thực hiện; có tư tưởng ngại khó, thiếu kiên trì.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập, đó là, lực lượng công nhân làm việc trong môi trường có nhiều sức ép về thời gian, cường độ, nhu cầu tăng ca, việc dành thời gian tìm hiểu về các tổ chức Đảng, đoàn thể, tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp đảng viên mới không dễ nếu không được chủ doanh nghiệp tạo điều kiện... Trình độ văn hóa của một bộ phận công nhân khó đáp ứng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét kết nạp Đảng. Phần lớn trong số đó đến từ vùng nông thôn, khi về thành phố làm việc, thiếu nơi ở ổn định cũng gây khó cho quá trình xác minh lý lịch. 

Phát triển đảng viên là người lao động vẫn luôn là vấn đề khó và đạt thấp. Bởi lực lượng công nhân luôn biến động, họ phấn đấu tốt, nhưng khi doanh nghiệp làm ăn sa sút hoặc có cơ hội thu nhập tốt hơn liền “nhảy việc”, khi đó cấp ủy lại “mất nguồn”. Hạn chế cũng có lý do ở vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn ở một số nơi chưa phát huy triệt để. 

3.3. Thiếu cơ chế tạo động lực

Thành lập tổ chức Đảng, kết nạp được đảng viên đã khó, duy trì hoạt động sao cho hiệu quả, tạo sức lan tỏa càng khó hơn nhiều. Những đảng viên đang làm việc tại các doanh nghiệp không có tổ chức Đảng cũng sinh hoạt phân tán tại địa phương, thậm chí bỏ sinh hoạt. Rồi việc tổ chức cơ sở Đảng hiện nay phần lớn đều rất ít đảng viên, có tổ chức cơ sở Đảng trong nhiều năm không phát triển được đảng viên; số lượng đảng viên không giữ vị trí quan trọng trong công ty cũng khiến Chi bộ không phát huy được vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp. Năng lực của một số cán bộ phụ trách công tác đảng trong doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; công tác bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp đảng viên chưa được quan tâm đúng mức; một số đảng viên chưa thực sự phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, chưa gây dựng niềm tin và lôi cuốn công nhân noi theo

4. Giải pháp - Gỡ những nút thắt

Để giải quyết khó khăn đầu tiên, số lượng có tăng nhưng còn hạn chế, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp có đủ điều kiện vào Đảng, ủng hộ việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp. Quan tâm nhiều hơn đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tạo thuận lợi cho việc hình thành tổ chức và hoạt động của các đoàn thể, phát triển đoàn viên, hội viên, làm cơ sở phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.

Giải quyết khó khăn thứ hai, nhận thức còn chưa đầy đủ, thời gian tới, cấp ủy và đoàn thể cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và công nhân lao động của các doanh nghiệp ngoài nhà nước thấy được vai trò, lợi ích của việc thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và phát triển đảng viên, hội viên, đoàn viên trong doanh nghiệp. Hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đoàn thể phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình của từng loại hình đơn vị. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ tài chính để phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân này.

Cuối cùng, tháo gỡ khó khăn trong thiếu cơ chế tạo động lực, nên đề cử những người giữ chức vụ cao trong doanh nghiệp đồng thời giữ chức vụ cao trong tổ chức Đảng để phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp, cần có cơ chế tạo động lực để cán bộ nhân viên trau dồi kỹ năng, khuyến khích sáng tạo. Cấp ủy cần quan tâm biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp để họ phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo ảnh hưởng tích cực, từ đó góp phần tác động, thuyết phục chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả.

Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là đòi hỏi trong giai đoạn mới. Hiện thực hóa chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước phù hợp bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng cần cách làm sáng tạo, linh hoạt hơn, phù hợp điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp và địa phương.

Lê Huệ Linh