Dòng tiền chậm lại

thunguyen

05/04/2020 16:22

Tăng trưởng tín dụng lẫn huy động vốn của hệ thống ngân hàng quý I.2020 đều ở mức thấp nhất trong năm năm qua.

Tăng trưởng tín dụng cuối quý I.2020 chỉ đạt mức 0,68% so với cuối năm 2019, trong khi cùng kỳ mức tăng trưởng đạt 1,9%. Tăng trưởng tín dụng quá thấp “luôn là một dấu hiệu xấu của nền kinh tế” - một chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá. Đây là mức tăng trưởng tín dụng quý I thấp nhất tính từ năm 2015.

Tốc độ huy động vốn của ngân hàng trong quý I.2020 cũng đã giảm sâu so với năm ngoái. Huy động đến tính đến cuối quý I.2020 so với thời điểm cuối năm 2019 chỉ tăng 0,51%, là mức thấp nhất từ 2015 đến nay.

Tăng trưởng tín dụng và Tăng trưởng huy động vốn quý I (Nguồn: Tổng cục thống kê)
Tăng trưởng tín dụng và Tăng trưởng huy động vốn quý I
(Nguồn: Tổng cục thống kê)

Nhu cầu tiêu dùng của toàn xã hội đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Với các doanh nghiệp, sức mua giảm, cùng với việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến năng lực sản xuất giảm sâu hơn.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại khiến các ngân hàng thương mại hiện đang "thừa tiền", chuyên gia tài chính ngân hàng Trần Hữu Hoàng nhận định. Dĩ nhiên đây chỉ là một cách nói. Dòng tiền không thể chảy vào tín dụng sẽ được các ngân hàng cho chảy vào các kênh sinh lời khác.

Suy yếu vì đại dịch, doanh nghiệp sẽ không vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh mà chủ yếu để duy trì hoạt động, thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn chưa có dự báo nào về thời gian dịch bệnh kết thúc, các ngân hàng vì vậy rất thận trọng với những nhu cầu vay vốn này.

Trưởng phòng tín dụng doanh nghiệp của một ngân hàng thương mại cho biết hiện nay việc thẩm định các khoản vay buộc phải khắt khe hơn, do lo ngại nợ xấu trong tương lai. Mặc dù “tiền cơ bản còn nhiều”, nhưng các nhân viên tín dụng của ngân hàng không dám cho vay với các dự án mới. “Các doanh nghiệp hiện tại khó vay vốn hơn trước” - vị trưởng phòng này nhận định.

Tình hình đại dịch lan trên diện rộng và chưa có dấu hiệu được khống chế, các ngân hàng trung ương bên cạnh các gói cứu trợ kinh tế, đã giảm lãi suất cơ bản, để khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn, phục hồi kinh doanh. Tại Việt Nam, từ giữa tháng Ba, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh giảm một loạt lãi suất điều hành từ 0,5 đến 1 điểm %. Kết quả, toàn bộ lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đều đã giảm so với đầu năm. Lãi tiền gửi 1 tháng hiện ở mức 4,3%/năm và tiền gửi 3 tháng giảm từ 4,8% xuống 4,75%/năm. Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có động thái tương tự, giảm từ 0,3 đến 0,5 điểm % lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn.

Lãi suất giảm, các doanh nghiệp không còn nhiều động lực để gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng, mà thường tìm kênh đầu tư mới.

Với các ngân hàng, khi tăng trưởng tín dụng thấp, đầu tư trái phiếu chính phủ là một lựa chọn an toàn. Tuy nhiên, kết quả đấu thầu trái phiếu chính phủ quý I.2020 cũng chỉ đạt mức gần 33 nghìn tỉ đồng, giảm quá nửa so với cùng kỳ 2019. Ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng phân tích khách hàng tổ chức Maybank Kim Eng cho rằng, lợi tức trái phiếu chính phủ Việt Nam giảm mạnh trong thời gian vừa qua chứng tỏ nhu cầu mua trái phiếu chính phủ của các ngân hàng thương mại vẫn rất lớn. Tuy nhiên, khối lượng trái phiếu chính phủ được trúng thầu thấp trong giai đoạn hiện tại chủ yếu do lãi suất của loại tài sản này giảm sâu so với trước.

Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm (Nguồn: Tradingeconomics)
Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm (Nguồn: Tradingeconomics)

Lãi suất điều hành giảm trong thời gian qua chưa đủ để kích thích các doanh nghiệp, cá nhân tăng cường vay vốn. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng trong giai đoạn dịch bệnh đang lan rộng hiện nay, giảm lãi suất chưa giải quyết được vấn đề. Ổn định xã hội, trong đó trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ lao động thất nghiệp và các đối tượng dễ bị tổn thương cần được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay, để các doanh nghiệp có thể tồn tại, vượt qua. Khi dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, các chuỗi cung ứng được nối lại, hàng hoá, nguyên vật liệu được lưu thông, việc giảm lãi suất mới thực sự mang lại tác động tích cực.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khác với giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, đợt khủng hoảng do dịch bệnh này, mặc dù sức ảnh hưởng lớn và hầu như không có độ trễ, nhưng sẽ dễ hồi phục hơn nếu dịch bệnh được kiểm soát. Chỉ cần các lệnh phong toả được gỡ bỏ, người lao động được đi làm bình thường, kinh tế sẽ phục hồi.

“Đây là giai đoạn nền kinh tế đang được thắt chặt lại” - ông Lâm nhận xét.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Dòng tiền chậm lại" tại chuyên mục E-magazine.