Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Đỗ Hà Phương, Eximbank sụt giảm lợi nhuận ra sao trong quý 3/2023?

Mai Ngọc

03/11/2023 16:10

Mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank; mã: EIB) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023. Qua đó, lợi nhuận thuần của ngân hàng này sụt giảm.

Theo đó, tại quý 3/2023, EIB ghi nhận thu nhập lãi thuần chỉ ở mức 868 tỷ đồng (giảm đến 42%) so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với hoạt động dịch vụ, EIB có sự tăng trưởng là 10% khi đạt được 115 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động khác đạt 31 tỷ đồng (tăng 43%). Đáng chú ý kỳ này EIB thu được hơn 141 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 19 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại nhà “bank” này giảm 51%, chỉ còn gần 477 tỷ đồng. EIB cũng trích lập dự phòng hơn 170 tỷ đồng trong quý 3/2023, khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 296 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng này báo lãi trước thuế đạt 307 tỷ đồng (giảm 76%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của EIB đạt được gần 3.200 tỷ đồng (giảm 23%). Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái là 4.147 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng tại Eximbank đạt hơn 1.712 tỷ đồng (giảm 46%) so với cùng kỳ. Năm 2023, EIB đặt kế hoạch lãi hơn 5.000 tỷ đồng. Như vậy dưới sự dẫn dắt của bà Đỗ Hà Phương (Chủ tịch HĐQT Eximbank), EIB mới thực hiện được 34% chỉ tiêu sau 3 quý đầu năm.

371543336-1547160312695585-495346655120822805-n-1699002500.jpeg
Bà Đỗ Hà Phương, Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản tại EIB mở rộng 3% so với đầu năm, lên 191.589 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm gần 63%, còn 2.092 tỷ đồng.

Còn tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng đến 58%, đạt 41.101 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 4%, tương ứng 135.966 tỷ đồng.

Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác ghi nhận tăng 15%, lên 10.826 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 4%, lên 153.967 tỷ đồng.

Đến 30/9/2023, chất lượng tài sản, tổng nợ xấu là 3.593 tỷ đồng (tăng 53%) so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng lần lượt gấp 2,5 và 3 lần, nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ. Kết quả đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,8% đầu năm lên 2,64%.

Nhìn lại quý 2/2023, (giai đoạn này bà Đỗ Hà Phương chưa điều hành Eximbank) EIB cũng có những kết quả kinh doanh không tốt. Cụ thể, hoạt động chính giảm 23% so với cùng kỳ, chỉ thu được 1.094 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Lãi thuần từ hoạt động khác trong quý 2 của EIB cũng giảm 73%, chỉ còn gần 74 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động trong quý này của EIB giảm 4%, chỉ còn gần 769 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí cho nhân viên. Thế nhưng, do hầu hết các mảng kinh doanh đều đi lùi so với cùng kỳ nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của EIB quý 2/2023 giảm 42%, chỉ còn hơn 712 tỷ đồng.

Quý 2/2023, EIB trích gần 178 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, tăng 37% so cùng kỳ. Kết quả, Eximbank lãi trước thuế trong quý II chỉ đạt gần 535 tỷ đồng, giảm đến 51% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, dù giảm trích lập dự phòng 6% chỉ còn 270 tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 1.675 tỷ đồng (giảm 24%), nên EIB chỉ đạt lãi trước thuế 1.405 tỷ đồng, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước, mới hoàn thành 28% kế hoạch năm (5.000 tỷ đồng).

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh 54,5% với 3.625 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,8% cuối năm trước lên 2,75% vào cuối quý 2/2023.

Mai Ngọc