Khó khăn “bủa vay” Quốc Cường Gia Lai ở hàng loạt dự án, dời thời gian trả cổ tức năm 2021 đến tháng 3/2025

Hồng Vũ

25/06/2023 07:33

Năm 2023, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG) đặt mục doanh thu thuần là 900 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2022. Mục tiêu lãi trước thuế của QCG là 50 tỷ đồng, tăng 13%.

Vừa qua, QCG đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023. Trong năm 2023, QCG định hướng hoạt động theo hướng sẽ tiếp tục triển khai thủ tục pháp lý các dự án, cố gắng duy trì hoạt động để chờ sửa đổi luật, chính sách pháp lý ngành bất động sản khôi phục trở lại.

QCG cũng sẽ thực hiện cơ cấu lại nguồn vốn tại các công ty con và công ty liên kết. Qua đó, giảm gánh nặng tài chính cho các khoản đầu tư chưa sinh lời.

Bên cạnh đó, Quốc Cường Gia Lai cũng sẽ không thực hiện việc chia cổ tức năm 2022. Lý do đưa ra là cần sử dụng nguồn lợi nhuận năm 2022 để làm nguồn vốn đầu tư cho các dự án còn dang dở.

Đối với việc chia cổ tức năm 2021, HĐQT của QCG cũng đề xuất dời thời gian chi trả phần cổ tức này sang quý 3/2025. Nguyên nhân là do ảnh hưởng pháp lý giữa QCG và Công ty CP Đầu tư Sunny Island.

qcg-ava-20230624-1687652433.jpeg
ĐHCĐ thương niên năm 2023 của QCG.

Tại đại hội, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc QCG chia sẻ, Công ty đã không giải quyết được dự án ở nội đô nào trong 3 năm qua 2021-2023. Trong quá trình chờ chính sách được tháo gỡ, Công ty đã gặp gỡ nhiều đối tác trong và ngoài nước nhưng nhiều đối tác vẫn còn lo ngại do tình trạng pháp lý.

Mặt khác, bà Loan cho rằng nếu có dự án pháp lý sạch thì QCG có đủ nguồn lực để làm, không cần phải kêu gọi hợp tác. Bà đánh giá việc mua dự án hoàn thành 50% pháp lý cũng rất rủi ro. Do đó, Tổng Giám đốc QCG khẳng định sẽ đợi đến khi vấn đề pháp lý được giải quyết mới triển khai các dự án mới, không chấp nhận lãi suất cao dưới mọi hình thức, không chấp nhận bán rẻ dự án trước mọi hình thức.

Còn ở thời điểm hiện tại, Công ty chỉ tập trung các dự án tại TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Dương và Đà Nẵng. Do đó, mục tiêu doanh thu năm 2023 chỉ khiêm tốn ở mức 900 tỷ đồng. 

Trả lời cổ đông đối với dự án Phước Kiển, bà Loan cho rằng, rất muốn tháo gỡ dự án này để đền đáp lại cho cổ đông. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ riêng QCG mà hầu hết cả Việt Nam hiện đang gặp vướng mắc về pháp lý BĐS.

Tại dự án Phước Kiển, còn khoảng vài phần trăm diện tích đất chưa đền bù được do trước đó, Công ty thương lượng với các hộ dân là khi nào thực hiện dự án đến phần đất của họ thì họ sẽ hỗ trợ đền bù. Tuy nhiên, theo luật mới, Công ty phải đền bù 100% mới được thực hiện dự án và Công ty hiện đang không thể thương lượng được với các hộ dân này.

QCG đã có tờ trình gửi cơ quan chức năng để nhờ giải thích với các hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Mặt khác, QCG lo ngại việc vướng pháp lý hơn về việc đất công xen cài hơn là việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đối với việc trả tiền cho Sunny Island, CEO của QCG cho hay, theo hợp đồng, QCG nhận từ Sunny Island 2,882 tỷ đồng, nếu QCG vi phạm sẽ trả số tiền trên cộng thêm 50%. Nhưng theo Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), QCG đúng theo hợp đồng nên chỉ cần trả 50%, tức 1,441 tỷ đồng. Đây là nếu trong 30 ngày sau phán quyết Sunny không kháng cáo.

Ở diễn biến khác, sổ đỏ của dự án hiện không còn do Sunny nắm giữ mà đang ở chỗ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03). Cơ quan này đang xem xét sự việc liệu có liên quan đến Vạn Thịnh Phát (VTP Group) xong rồi mới xác định số tiền cụ thể sẽ trả Sunny. 

Bên cạnh đó, bà Loan cũng cho biết, việc bán nhà máy thuỷ điện là để có tiền trả cho Sunny trong bối cảnh nguồn vốn vay rất hạn chế. QCG đối mặt với 2 lựa chọn, một là bán rẻ dự án với giá bằng 50% giá mua vào, hai là bán thủy điện. Cuối cùng, QCG đã chọn bán cái không lỗ là thủy điện…

Tại Đại hội, QCG cũng đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT độc lập đối với bà Trịnh Thị Mỹ Hạnh, đồng thời bầu bổ sung ông Lại Thế Hiển thay thế vị trí của bà Hạnh.

Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình được cổ đông thông qua.

Hồng Vũ