79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021

Thiên Kim

26/08/2021 12:14

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt đó là, thiếu hụt dòng tiền, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng…

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2021, có tới 79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có quy mô vốn 20-50 tỷ đồng tăng 45,3%, quy mô vốn 50-100 tỷ đồng tăng 23,4%, quy mô vốn trên 100 tỷ đồng tăng 32,3%.

Những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt đó là, thiếu hụt dòng tiền, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng, lưu thông hàng hóa bị cản trở, tạm dừng sản xuất tại các khu công nghiệp, khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ…

kho-khan-chong-chat-kho-khan-doanh-nghiep-rut-khoi-thi-truong-tang-manh-1629875919.jpg
Nhiều doanh nghiệp trong tình trạng thiếu trầm trọng nguồn tiền để chi trả lương, bảo hiểm, vốn vay, chi phí thuê mặt bằng...(ảnh minh họa)

Địa phương có số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động lớn điển hình như, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai … Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, Cần Thơ hiện có khoảng 9.800 trong tổng số hơn 10.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch. Tính riêng tại các khu công nghiệp ở Cần Thơ, có 1.030 trong tổng số 1.090 doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, chiếm 94,5%. Hơn 65.000 lao động phải tạm nghỉ. Trong khi đó, bên ngoài khu công nghiệp, chỉ còn 6 doanh nghiệp có trên 100 lao động và 34 doanh nghiệp có dưới 100 lao động duy trì được hoạt động cầm chừng.

Trong khi đó, theo thống kê của Cục Hải quan Bình Dương về số lượng tờ khai hải quan từ ngày 15/7-15/8 cho thấy sự sụt giảm tới 42% và kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm trên 32% so với tháng trước đó. Hàng năm, có trên 2.000 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động, làm thủ tục tại Cục Hải quan Bình Dương. Tuy nhiên, theo thống kê, trên 600 doanh nghiệp trong số này phải ngừng hoạt động từ giữa tháng 7.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng cho biết, ngành nhựa có gần 3.000 doanh nghiệp với hơn 300.000 lao động trên cả nước, trong đó 70% doanh nghiệp hoạt động tập trung tại TP. HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 50% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, khiến doanh thu không có hoặc giảm mạnh.

Các doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn là không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra do bị ách tắc tại khâu lưu thông, vận chuyển; thiếu nguyên vật liệu đầu vào; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch; tiền thuê đất cao và thay đổi liên tục. Nhiều doanh nghiệp trong tình trạng thiếu trầm trọng nguồn tiền để chi trả lương, bảo hiểm, vốn vay, chi phí thuê mặt bằng,... Trong khi doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động thì không có nguồn thu, còn doanh nghiệp vẫn hoạt động thì đối mặt với các chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng, giá bán giảm.

Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã trình Thủ tướng Chính phủ, đề nghị thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Thiên Kim