Không có đơn hàng, một “ông lớn” ngành dệt may tại TP.HCM phải rao bán nhiều tài sản để duy trì hoạt động

Trọng Đạt

05/02/2024 09:35

Từ doanh nghiệp quy mô gần 4.000 nhân công, doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, Garmex Sài Gòn dần trượt dốc không có đơn hàng, nhân sự xuống 35 người chỉ sau 5 năm. Không chỉ vậy, mới đây, doanh nghiệp dệt may này đã báo lỗ quý thứ 6 liên tiếp, hiện đang tiến hành thanh lý nhiều tài sản để duy trì hoạt động.

Công ty CP Garmex Sài Gòn (Mã CK: GMC) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần đạt vỏn vẹn 134 triệu đồng, giảm hơn 99% so với cùng kỳ năm trước (ghi nhận gần 17 tỷ đồng), nguồn thu quý này chủ yếu đến từ doanh thu dịch vụ.

Tương tự, doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm gần 67% còn lại 3,6 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí khác, Garmex Sài Gòn lỗ sau thuế 7,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 77,9 tỷ đồng, kéo dài chuỗi thua lỗ lên 6 quý liên tiếp.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu của Garmex chỉ đạt vỏn vẹn 8,6 tỷ đồng, giảm 35 lần so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng. Nhờ trích lập dự phòng trợ cấp mất việc hơn 20 tỷ đồng trong năm 2022, khoản lỗ của Công ty trong năm 2023 cải thiện gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh của Garmex Sài Gòn giảm sút trầm trọng do hụt thu từ đối tác là Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, GIL).

garmex-1707100455.jpeg
Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) cắt giảm gần 2.000 lao động và chỉ giữ lại 35 người vào cuối năm 2023 khi tiếp tục thua lỗ.

Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu duy trì sản xuất tại các nhà máy may thì công ty sẽ lỗ rất nhiều. Do đó Công ty đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động (trong năm 2023 cắt giảm gần 2.000 người), tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

Doanh nghiệp đã cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động, thực hiện tiết giảm chi phí, đồng thời rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý tài sản không cần dùng. Ngoài ra, công ty cũng đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro.

Sau 1 năm kinh doanh không thuận lợi, ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT của Garmex Sài Gòn không nhận lương thưởng. Các thành viên HĐQT nhận trung bình 60 triệu đồng/người, còn Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Nguyễn Minh Hằng được nhận lương thưởng gần 950 triệu đồng. Hiện tại, Garmex Sài Gòn chưa tuyển lại lao động cho ngành kinh doanh truyền thống. Công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không còn tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Từ tháng 12/2023, Garmex liên tục có thông báo thanh lý ô tô con, xe tải. Trong đó, một chiếc xe Mercedes sản xuất năm 2011 được chào giá 250 triệu đồng, một chiếc ô tô hiệu Mitsubishi năm 2013 thanh lý giá khởi điểm 437 triệu đồng… Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng rao bán cả máy thêu, máy giặt, sấy…

Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn là doanh nghiệp dệt may lớn ở TP.HCM, được thành lập từ 1976, cổ phần hóa 2004 và niêm yết trên HoSE vào 2006.

Kể từ thời điểm cổ phần hóa, doanh nghiệp liên tục phát triển, doanh thu từ 124 tỷ đồng năm 2004 lên đỉnh 2.038 tỷ đồng vào 2018. Tương tự lợi nhuận cũng tăng từ 7,7 tỷ đồng lên 121 tỷ đồng.

Sau đó, kết quả kinh doanh Garmex Sài Gòn dần trượt dốc, đơn hàng xuất khẩu bị thu hẹp. Một trong nguyên nhân là do công ty không bắt kịp xu hướng phát triển chuỗi cung ứng, không đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ từ các hiệp định thương mại. Bởi vậy, từ chỗ chuyên hàng xuất khẩu công ty phải tăng cường tìm đơn hàng gia công trong nước để ổn định sản xuất. Vào năm 2021, doanh thu xuất khẩu giảm đến 48%, công ty chuyển đổi 2 nhà máy sang gia công nội địa để bù đắp.

Sự thay đổi này đã khiến Garmex Sài Gòn không chống đỡ được trong bối cảnh nhu cầu giảm đột ngột, đơn hàng dệt may giảm mạnh ở các thị trường chính như Mỹ, EU. Tính chung, thời gian qua, đơn hàng xuất khẩu của công ty giảm đến 93%, đơn hàng gia công cũng chững lại. Hàng sản xuất ra không giao được, tồn kho tăng buộc doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí.

Trọng Đạt