Liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu, chuyện gì đang xảy ra tại LPBank?

Đức Linh

06/10/2023 10:27

Mặc dù lợi nhuận tại LPBank sụt giảm đầu năm 2023 cũng như nợ xấu tăng mạnh, thế nhưng trong một thời gian ngắn, ngân hàng này lại đẩy mạnh việc huy động hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu riêng lẻ.

Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank; mã CK: LPB) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc hoàn tất phát hành đối với lô trái phiếu LPBL2325004 vào ngày 26/7 vừa qua.

Cụ thể, LPBank cho biết, lô trái phiếu LPBL2325004 được phát hành và hoàn tất trong ngày 27/9 với giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng, gồm 1.500 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm và sẽ đáo hạn vào 27/9/2025, mức lãi suất cố định 6,5%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

Lô trái phiếu này là đợt phát hành thứ 4 của kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2023 của LPBank mà Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng này đã thông qua bằng nghị quyết ngày 17/8.

lpbank-6025-20230603180958371-1021-1696562520.jpeg
LPBank mạnh tay tham gia cuộc chơi trái phiếu để huy động vốn.

Trước đó, ngày 4/10, LPBank cũng đã thông báo hoàn thành phát hành đối với lô trái phiếu đợt 3 có mã LPBL2326003, lô trái phiếu này được phát hành và hoàn tất trong cùng ngày 26/9, với giá trị phát hành là 2.000 tỷ đồng, gồm 2.000 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm và sẽ đáo hạn vào 26/9/2026, có cùng mức lãi suất 6,5%/năm như lô LPBL2325004. Đây cũng là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

Cũng nằm trong kế hoạch phát hành này, ngày 2/10, LPBank cũng có thông báo hoàn tất phát hành đối với lô trái phiếu có mã LPBL2326002 vào ngày 25/9. Theo đó, lô trái phiếu này có giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng, bao gồm 1.000 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.

Tương tự như mã LPBL2326003, lô trái phiếu này cũng có kỳ hạn 3 năm và sẽ đáo hạn năm 2026. Tuy nhiên, mức lãi suất đối với lô trái phiếu này được LPBank áp dụng có phần cao hơn, ở mức 6,8%/năm.

Tương tự, ngày 29/9, LPBank ra thông báo đầu tiên trong kế hoạch phát hành trái phiếu 2023 của mình đối với lô trái phiếu có mã LPBL2326001. Theo đó, lô trái phiếu này được phát hành và hoàn tất trong ngày 22/9, với giá trị phát hành là 1.200 tỷ đồng, gồm 1.200 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.

Lô trái phiếu này cũng có kỳ hạn 3 năm và mức lãi suất tương đương lô LPBL2326002, ở mức 6,8%/năm.

35d35c3e96d5025f551c9331990dbc0d-1696562384.jpeg
Một trong các lô trái phiếu mà LPBank phát hành trong thời gian gần đây.

Theo nghị quyết HĐQT LPBank vào tháng 8 trước đó, ngân hàng này có kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hình thức nhiều đợt với giá trị phát hành tối đa là 10.000 tỷ đồng, khối lượng thực tế sẽ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động vốn trên thị trường của LPBank.

Ngân hàng này cũng cho biết, dự kiến về khối lượng và thời gian phát hành của từng đợt cụ thể như: Trong tháng 9, LPBank sẽ phát hành 3 đợt (đợt 1, giá trị 500 tỷ đồng; đợt 2, 1.000 tỷ đồng; đợt 3, 1.000 tỷ đồng). Tháng 10, sẽ phát hành 2 đợt (đợt 4, giá trị 1.000 tỷ đồng và đợt 5, giá trị 1.000 tỷ đồng). Các đợt tiếp theo sẽ tùy thuộc vào điều kiện thị trường và tình hình giải ngân tín dụng của LPBank.

Như vậy, sau 4 đợt phát hành thì tổng lượng tiền mà LPBank đã có được là 5.700 tỷ đồng. Ngân hàng này dự kiến sẽ sử dụng nguồn tiền từ phát hành trái phiếu để bổ sung vốn huy động trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng.

Trong thời gian qua, LPBank liên tục mua lại trái phiếu doanh nghiệp, cơ cấu khoản nợ hoặc chuyển sang tài sản đảm bảo.

Về tình hình kinh doanh, tại báo cáo tài chính quý 2/2023 mà LPBank công bố cho thấy, ngân hàng này ghi nhận nhiều hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng không tích cực.

Cụ thể, trong kỳ, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 7.971,6 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí lãi và các chi phí tương tự lại tăng mạnh lên 5.521,5 tỷ đồng trong khi quý II/2022 chỉ ở mức 3.019,6 tỷ đồng.

Điều này dẫn đến thu nhập lãi thuần trong quý giảm gần 20% từ mức gần 3.045 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống còn 2.450 tỷ đồng. Đồng thời, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm mạnh từ 52,3 tỷ xuống còn gần 19 tỷ đồng, tương đương giảm 64% so với cùng kỳ năm trước.

4363-1689934367-1200x0-1696562196.jpeg
Nợ xấu của LPBank tăng lên 5.656 tỷ đồng, ghi nhận sự tăng ở cả ba nhóm nợ. Tỷ lệ nợ xấu trong quý 2/2023 đạt 2,23%, tăng so với tỷ lệ 1,45% hồi cuối năm trước. (Nguồn: BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2023)

Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của LPBank ở mức âm gần 4,5 tỷ đồng so với mức lãi 356,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Trong quý 2/2023, chi phí hoạt động của LPBank tăng 10,2% (từ 1.342 tỷ lên gần 1.480 tỷ đồng).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 5.224,2 tỷ đồng, giảm 11,7% so với 6 tháng đầu năm trước. Ngân hàng trích 749,7 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm, giảm 21,2%. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ghi nhận đạt hơn 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8%.

Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản tại LPBank đạt hơn 350.242 tỷ đồng, tăng khoảng 6,86% so với hồi đầu năm nay. Trong đó, dư nợ cho vay đạt gần 249.000 tỷ đồng, tăng 7,9%. Huy động vốn tăng 3,8% lên hơn 224.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cơ cấu cho vay của LPBank cho thấy, nợ xấu (nợ dưới tiêu chuẩn; nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) tại ngày 30/6/2023 tăng hơn 2.200 tỷ đồng, từ 3.426,8 tỷ đồng lên 5.656 tỷ đồng (tương ứng tăng 65% so cuối năm 2022).

Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ gần 1.069,7 tỷ đồng lên gần 1.598,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 49%; Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 615 tỷ đồng lên mức hơn 1.619 tỷ đồng (tăng 61,2%) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng vọt 80%, từ 1.352,5 tỷ đồng lên hơn 2.438 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của LPBank tăng từ 1,45% lên 2,23% sau 6 tháng.

Đức Linh