Tập đoàn Sơn Hải của ông Nguyễn Viết Hải - Nhà thầu chơi lớn cam kết bảo hành cao tốc 10 năm làm ăn ra sao?

Chí Cang

31/10/2022 08:51

Năm 2015, Tập đoàn Sơn Hải của ông Nguyễn Viết Hải đã bị chơi xấu sau khi cam kết bảo hành 5 năm các gói thầu thi công của mình, khi có người dùng hóa chất đổ lên đường làm hư hỏng nặng. Và ngay sau khi công bố văn bản cam kết bảo hành 10 năm, lại có người cho rằng công ty chỉ dùng chiêu trò để đánh bóng tên tuổi để tăng cơ hội trúng thầu. Vậy thì năng lực thật sự của công ty ra sao?

tap-doan-son-hai-nha-thau-choi-lon-cam-ket-bao-hanh-cao-toc-10-nam-lam-an-ra-sao-1-1666796582.jpg

Mới đây, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã gửi cho Bộ Giao thông vận tải một văn bản làm xôn xao dư luận vì xin cam kết bảo hành đường cao tốc trong vòng 10 năm, đối với những tuyến cao tốc thuộc gói thầu của mình.

Các dự án đó bao gồm: gói thầu 10-XL thuộc dự án Mai Sơn - quốc lộ 45; gói thầu XL-01 thuộc dự án Nghi Sơn - Diễn Châu; toàn bộ cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm và các gói thầu tiếp theo của giai đoạn 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam mà đơn vị này đang nhận thi công.

Đáng chú ý, Sơn Hải còn ghi rõ các nội dung cam kết bao gồm: mặt đường bằng phẳng, không hằn lún, không bong bật, êm thuận cả đoạn tiếp giáp vào cầu kể cả xảy ra trường hợp như: xe quá tải trọng, quá lưu lượng và thời tiết bất lợi.

Đặc biệt, tập đoàn còn cam kết một trong những vấn đề quan trong nhất là: Nhà nước không cần chi bất cứ một khoản tiền nào trong suốt 10 năm cho việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường đó. Và đề nghị cắm biển bảo hành 10 năm công khai trên các đoạn đường để người dân cùng giám sát.

Ngay sau khi văn bản được công bố, đã có một số bình luận trái chiều xoay quanh vấn đề này. Trong đó có một nhà thầu cao tốc cho rằng đây chỉ là chiêu trò của Tập đoàn Sơn Hải để tăng khả năng trúng thầu, nếu dám bảo hành 10 năm thì tại sao không cam kết ngay từ đầu mà bây giờ mới làm.

Một số bên khác lại có ý kiến là Sơn Hải chỉ đánh bóng tên tuổi, vì hợp đồng giai đoạn 1 đã ký từ lâu nên rất khó tăng thời gian bảo hành theo mặt pháp lý.

Ngoài ra, việc tăng thời gian cam kết sẽ gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là ảnh hưởng đến các nhà thầu thi công các gói thầu cao tốc ở khu vực miền Tây Nam bộ. Theo quy định, thời hạn bảo hành cao tốc tối thiểu chỉ là 24 tháng, nhưng Sơn Hải lại “dám” cam kết 10 năm, liệu rằng tập đoàn này có thật sự chỉ là đánh bóng tên tuổi hay có năng lực thật sự?

Ông Nguyễn Viết Hải - ông chủ Tập đoàn Sơn Hải

Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải được thành lập từ năm 1998 tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Công ty tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng các công trình và kinh doanh bất động sản. Theo thông tin tìm hiểu, vốn điều lệ ban đầu của Sơn Hải là hơn 370 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Hồng nắm giữ 59,55% và bà Nguyễn Thị Hoa sở hữu 40,45% cổ phần còn lại.

Đến tháng 5/2017, Nguyễn Viết Hải - hiện đang là Chủ tịch HĐTV của Tập đoàn Sơn Hải, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty với tỷ lệ sở hữu lên đến hơn 93,6%. Đến cuối năm 2017, cơ cấu cổ phần lại thay đổi khi bà Nguyễn Thị Hồng quay trở lại và nắm giữ gần 98,4% cổ phần.

Sự “biến động” vẫn chưa dừng lại, vào tháng 5/2019, vốn điều lệ được tăng lên mức 2.310 tỷ đồng, trong đó ông Hải là cổ đông lớn nhất với số cổ phần nắm giữ chiếm tỷ lệ 99,912% và 0,088% còn lại thuộc về ông Lê Thanh Hướng. Ngày 25-12-2020, vốn điều lệ của công ty là 2.338 tỷ đồng. 

tap-doan-son-hai-nha-thau-choi-lon-cam-ket-bao-hanh-cao-toc-10-nam-lam-an-ra-sao-2-1666796589.jpgChân dung ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch HĐTV của Tập đoàn Sơn Hải

Ông Nguyễn Viết Hải sinh ngày 12-10-1966 tại Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Giai đoạn 1984 - 1993, ông Hải từng là cán bộ thuộc Công an tỉnh Quảng Bình, nhưng đã nghỉ việc theo chế độ 176. Sau đó, ông tự kinh doanh riêng theo dạng hộ cá thể trong suốt bốn năm 1994 - 1998.

Từ năm 1998 - 2010, ông làm việc tại Sơn Hải với vai trò là giám đốc công ty, và được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV từ tháng 2-2010 đến nay. Ngoài ra, ông Hải là một người hoạt động tích cực trong lĩnh vực chính trị khi trở thành Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình hai nhiệm kỳ liên tiếp là 2016 - 2021 và 2021 - 2026. Ông được xem như là một người “chèo lái” Tập đoàn Sơn Hải trở thành doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xây dựng như hiện nay.

Ngoài ra, cương vị Chủ tịch HĐTV của tập đoàn không chỉ một mình ông Hải đảm nhiệm xuyên suốt mà còn có sự xuất hiện của ông Lê Thanh Hướng - cổ đông thứ hai. Tháng 5-2019, theo hồ sơ cho thấy, vị doanh nhân trẻ tuổi chỉ mới sinh năm 1994 này là Chủ tịch HĐTV kiêm người đại diện pháp luật của công ty, sau đó lại chuyển sang cho ông Hải.

Đến năm 2021, chỉ sau 1 tháng trở thành Đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới, ông Nguyễn Viết Hải đã từ nhiệm vị trí chủ tịch để giao cho ông Hướng, và đến hiện nay chiếc ghế này lại thuộc về ông Hải. Hiện tại, ông Lê Thanh Hướng vẫn là người đại diện pháp luật của Sơn Hải và một số công ty khác như: CTCP Thủy điện Đăk Di 4, Công ty TNHH Đầu tư Hướng Tuấn Đạt và Công ty TNHH Minh Hướng. 

Tập đoàn Sơn Hải là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tỉnh Quảng Bình

Tập đoàn Sơn Hải bắt đầu được chú ý từ năm 2014 khi là nhà thầu công trình hạ tầng duy nhất tại Việt Nam, dám “vượt mặt” các đơn vị khác để cam kết bảo hành 5 năm các gói thầu của mình. Các tuyến đường đó thuộc dự án nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, bao gồm: gói thầu số 10 và 14 đi qua tỉnh Quảng Bình, gói thầu số 6 đi qua tỉnh Đắk Nông.

Khi đó, tập đoàn đã cắm biển “bảo hành 5 năm” dọc trên các tuyến đường do mình thi công, tương tự như cam kết trong văn bản mới đây vừa gửi Bộ GTVT. Không những cam kết bảo hành thời hạn lâu hơn so với những đơn vị khác (thời điểm đó tất cả các đơn vị đều chỉ dám bảo hành 2 năm), mà Sơn Hải còn “chơi lớn” về giải pháp sửa chữa.

Tập đoàn của ông Hải đã cam kết sẽ khắc phục những đoạn đường hằn lún vượt mức quá quy định bằng cách bóc toàn bộ lên làm lại, không như những đơn vị khác là bù lún làm mất vẻ mỹ quan của con đường. Chưa đầy một năm sau, công ty tiếp tục làm các nhà thầu khác phải “lóa mắt” khi trở thành đơn vị đầu tiên hoàn thành gói thầu của mình trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Điều đặc biệt là thời gian “về đích” sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra, điều mà từ trước đến nay hiếm có công ty nào làm được, vì đa số đều trễ hơn so với tiến độ thi công yêu cầu. 

Cũng trong thời điểm này, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT đã mời tập đoàn tham gia khắc phục gói thầu 11 tại QL5 cũ - đoạn đường có 5 lần sửa chữa trong vòng hai năm kể từ lúc hoàn thành vào năm 2013 nhưng vẫn không được. Theo đánh giá của Sơn Hải, do các đơn vị cũ đã cào bóc quả mỏng, chỉ trải thảm 3-4cm, nên công ty đã quyết định cào bóc lại toàn bộ thảm bê tông nhựa khoảng 7cm và rải hai lớp dày tổng cộng 11cm để đường không còn lún.

Nhờ hiệu quả từ các dự án đó, Tập đoàn Sơn Hải đã có cơ hội tham gia vào các dự án nghìn tỷ như: dự án đường cao tốc La Sơn – Túy Loan đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế có mức đầu tư “khủng” lên đến 11.000 tỷ đồng, dự án đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có quy mô 5.524 tỷ đồng, các dự án hồ chứa nước Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Tân Mỹ (Ninh Thuận), Ngàn Trươi (Hà Tĩnh) đều có mức đầu tư từ 4.000 tỷ trở lên, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu có giá gói thầu 1.136 tỷ đồng do công ty liên danh với CTCP Tập đoàn Đèo Cả, dự án Khu đô thị Nam Cầu Dài - Đồng Hới có tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng,...

Đầu năm 2022, công ty của ông Hải cũng đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, về việc xin đảm nhận thi công cao tốc Bùng - Vạn Ninh, thuộc dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Tổng mức đầu tư dự án cao tốc 51km này dự kiến lên đến 10.526 tỷ đồng. 

tap-doan-son-hai-nha-thau-choi-lon-cam-ket-bao-hanh-cao-toc-10-nam-lam-an-ra-sao-3-1666796593.jpg

Bảng "bảo hành 5 năm" được Tập đoàn Sơn Hải cắm trên tuyến đường thuộc gói thầu thi công của mình (Nguồn ảnh: nld.com.vn)

Theo thông tin về kết quả kinh doanh của Sơn Hải, doanh thu giai đoạn 2015 - 2016 lần lượt hơn 920 tỷ đồng và 720 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận sau thuế khá khiêm tốn chỉ ghi nhận được 9,4 tỷ và 13,8 tỷ đồng, biên lợi nhuận trước thuế/doanh thu là 1,3% và 2,4%.

Trong năm 2016, công ty đã nộp ngân sách Nhà nước tổng cộng 54,5 tỷ đồng, trong đó hơn 55% là nộp vào ngân sách tỉnh Quảng Bình và trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tỉnh. Thời điểm này, tổng tài sản của công ty ở mức 1.527 tỷ đồng.

Đến năm 2017, doanh thu và lãi ròng lần lượt ghi nhận là 758,5 tỷ đồng và 39,3 tỷ đồng, mặc dù doanh thu tăng không đáng kể nhưng lợi nhuận đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Giai đoạn 2018 - 2019, doanh thu tăng trưởng gấp đôi nằm trong khoảng 1.333,8 tỷ - 1.441,6 tỷ đồng. Nhưng trái ngược với doanh thu tăng mạnh so với năm 2017, lợi nhuận sụt giảm chỉ còn 19,3 tỷ năm 2018 và 28 tỷ năm 2019. Cuối năm 2019, tổng tài sản ở mức 3.811 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 2,5 lần so với năm 2016.

Từ việc dám chơi lớn tăng thời gian cam kết bảo hành các gói thầu thi công cao tốc của mình, Tập đoàn Sơn Hải đã từng bị tung tin đồn sắp phá sản, giám đốc bệnh nan y, công nhân bị sa thải hàng loại, không có khả năng trả nợ ngân hàng,...

Nghiêm trọng nhất là vào thời điểm sau khi tuyên bố cam kết bảo hành dự án đường cao tốc của mình 5 năm, tuyến đường trong gói thầu thi công của Sơn Hải đã bị người khác đổ axit nhằm phá hoại và gây hư hỏng. Thời điểm đó, công ty đã phải treo thưởng 50 triệu để có người cung cấp thông tin về vụ việc “chơi xấu” này.

Mặt khác, Sơn Hải đã phải chi rất nhiều tiền để cắt bỏ lớp bê-tông nhựa bị hóa chất làm hư hại, sau đó tiến hành rải thảm hai lớp với chi phí khoảng 700.000 đồng/m2. Sau đó, đã có người cung cấp thông tin về việc có hai thanh niên bịt kín mặt đi xe máy, đã sử dụng hai can nhựa màu vàng đến các điểm trên tuyến đường để đổ chất lỏng xuống mặt đất. Vụ việc này đã gây dậy sóng dư luận vì những hành động ác ý. Liệu rằng, sau đợt tuyên bố cam kết bảo hành 10 năm này có xảy ra tình trạng như trước hay không?

Chí Cang