Thu hơn 6 tỷ đồng/ngày từ các BOT, đại gia hạ tầng CII đang làm ăn ra sao?

Xuân Thương

31/10/2022 08:39

CII sở hữu khá nhiều dự án tên tuổi. Trong đó phải kể đến một số dự án như: Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội giai đoạn 2; dự án Cầu Bình Triệu 1 (phần 1 - giai đoạn 2); dự án Cầu Rạch Chiếc; dự án cầu Rạch Miễu; dự án mở rộng QL 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên (Bến Tre)...

Công ty Cổ Phần Đầu Tư Hạ Tầng Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) được thành lập năm 2001. Công ty là tổ chức đầu tư tài chính, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đại chúng, để góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng của UBND TP.HCM.

 Ngày 18/05/2006, CII đã niêm yết 30 triệu cổ phiếu lần đầu tiên trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Năm 2011, CII đã phát hành thành công 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho tập đoàn Goldman Sachs. 

Đến năm 2013, CII đã quyết định tiến hành quá trình tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, theo công ty này, mô hình cũ không còn phù hợp với số lượng dự án đã tăng lên quá nhiều, đồng thời thực hiện tái cấu trúc tài chính. Từ đó, CII đã thành lập các công ty thành viên bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Cầu đường CII, Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng CII, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hạ Tầng CII. Các công ty này đều chuyên trách các mảng hoạt động đầu tư về hạ tầng.

CII đang thu hơn 6 tỷ đồng/ngày từ các BOT

Mới đây, CII đã có văn bản trả lời câu hỏi cổ đông về tình hình thu phí hiện tại của các dự án BOT. Theo đó, mỗi ngày các dự án BOT mà CII đang khai thác đem về doanh thu bình quân đạt 6,37 tỷ đồng/ngày, tương đương khoảng 2.325 tỷ mỗi năm, bao gồm cả dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

CII ước tính doanh thu thu được của tất cả các dự án sẽ đạt khoảng gần 65.281 tỷ đồng, đây là con số dự kiến sau khi các dự án BOT đã hoàn thành việc khai thác hoàn vốn và được chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài toàn tuyến là 51,1 km bắt đầu từ nút giao thông Thân Cửu Nghĩa và điểm cuối tại nút giao thông QL30. Bề rộng mặt đường 13,75 m gồm 2 làn xe rộng 3,5 m và 2 làn xe phụ rộng 2,75 m. Từ tháng 4/2022, dự án này đã được đưa vào sử dụng. Đến ngày 9/8 vừa qua, CII đã bắt đầu thu phí tại dự án này.

Tại Báo cáo hợp nhất quý III, Công ty Cổ Phần Đầu Tư Hạ Tầng Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận doanh thu trong kỳ tăng từ 260 tỷ lên 2.209 tỷ đồng, đây là mức tăng đột biến. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp CII cao gấp gần 5 lần con số cùng kỳ năm ngoái, thu về 329 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, CII ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021, đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Cụ thể, 1.008 tỷ là nguồn thu từ dự án BOT và nguồn thu từ mảng bất động sản đạt hơn 2.372 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính 9 tháng của công ty này cũng tăng mạnh nhờ lãi thoái vốn công ty con và các khoản đầu tư tài chính với 806 tỷ đồng, ngoài ra còn có gần 441 tỷ đồng lãi từ cho vay và trái phiếu.

Năm 2022, CII đề xuất kế hoạch năm với tổng doanh thu cao gấp 2,7 lần so với thực hiện năm 2021 - hơn 8.010 tỷ đồng, và lãi ròng 757 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 341 tỷ đồng. Tính đến quý III, CII đã thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và 96% kế hoạch lãi ròng.

Công ty có lượng phát hành trái phiếu rất lớn nên chịu nhiều áp lực thanh toán

Hiện tại, CII có tổng dư nợ vay cuối tháng 9 là 15.329 tỷ đồng, giảm 1.710 tỷ so với đầu năm nhưng tăng 429 tỷ sau một quý. Trong đó, có hơn 3.100 tỷ trái phiếu đến hạn trả trong 12 tháng tới và 3.079 tỷ trái phiếu dài hạn. Còn lại chủ yếu là dư nợ với ngân hàng.

Vào ngày 25/7 vừa qua, công ty này đã thực hiện thanh toán gốc trái phiếu CII072022 đến hạn với giá trị 200 tỷ đồng, qua đó nâng tổng giá trị đã thanh toán lên 1.452 tỷ đồng bao gồm cả lãi và nợ gốc.

Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, đầu tư trái phiếu của CII giảm 30% so với đầu năm, đạt 635 tỷ đồng.

Trong ba quý đầu năm, CII phải trả 923 tỷ đồng chi phí lãi vay, hỗ trợ vốn, bão lãnh và phát hành trái phiếu.

ctcp-dau-tu-ha-tang-ky-thuat-tphcm-dang-thu-hon-6-ty-dongngay-tu-cac-bot-lam-an-ra-sao-1667019412.png

Vì sao CII lỗ 332 tỷ trong năm 2021?

Từ ngày 30/3/2022, cổ phiếu CII của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng bị đưa vào diện cảnh báo theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Lý do là CII thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 của CII, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2021 âm 332,4 tỉ đồng.

Theo giải trình, CII cho biết nhìn chung, các hoạt động của công ty đều sụt giảm bởi ảnh hưởng của Covid-19, giãn cách xã hội kéo dài 2 quý cuối năm 2021. Cụ thể, các chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại của công ty đều phải ghi nhận mỗi ngày, tuy nhiên tất cả trạm BOT do CII quản lý đã phải dừng thu. Về mảng bất động sản, có thể nói là tê liệt hoàn toàn, vì dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, nhu cầu bất động sản cũng sụt giảm nghiêm trọng theo đó. 

Doanh thu từ hoạt động xây dựng, xây lắp công trình của CII cũng giảm vì các công trường tạm dừng thi công, việc thanh toán cho nhà thầu cũng chậm hoặc hoãn lại theo tình hình thực tế. 

Các dự án của CII

Theo nhiều số liệu, hiện công ty này sở hữu khá nhiều dự án tên tuổi. Trong đó phải kể đến một số dự án như: Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng vốn đầu tư là 14.678 tỷ đồng; dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư là 5.735 tỷ đồng; dự án Cầu Bình Triệu 1 (phần 1 -  giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư là 230,66 tỷ đồng; dự án Cầu Rạch Chiếc với tổng mức đầu tư là 1.000 tỷ đồng (dự án này do CII ứng vốn đầu tư, Chủ đầu tư là Khu quản lý giao thông đô thị số 2); dự án mở rộng tuyến tránh QL1A đoạn qua thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận với tổng mức đầu tư là 548 tỷ đồng; dự án đầu tư hạ tầng trong khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện trục Bắc – Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư là 2.641 tỷ đồng; dự án cầu Rạch Miễu với tổng mức đầu tư là 476 tỷ đồng; dự án mở rộng QL 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên (Bến Tre) với tổng mức đầu tư là 1.800 tỷ đồng.

ctcp-dau-tu-ha-tang-ky-thuat-tphcm-dang-thu-hon-6-ty-dongngay-tu-cac-bot-lam-an-ra-sao-1-1667020839.png

Một trong những dự án ấn tượng của CII là cầu Sài Gòn 2. Công trình được khởi công vào tháng 4/2012 và hoàn thành vào tháng 10/2013, vượt chỉ tiêu về thời gian 3 tháng. Cầu được xây dựng song song với cầu Sài Gòn cũ, nối liền quận Bình Thạnh với Quận 2, có tổng chiều dài là 987m, phần đường 2 đầu cầu quận Bình Thạnh dài 350 m, phía quận 2 dài 117 m. 

Đây cũng là dự án đầu tiên có quy mô lớn do CII làm chủ đầu tư. Việc hoàn thành trước thời hạn với chất lượng đảm bảo đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển năng lực quản lý dự án hạ tầng cầu đường của CII.

Xuân Thương