Từ “nội chiến” ở Tập đoàn Hòa Bình, nhìn lại những vụ việc tranh chấp quyền điều hành doanh nghiệp xảy ra hơn 1 thập kỷ qua

Hồng Vũ

11/01/2023 01:35

Thời gian qua, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Hoà Bình (MCK: HBC) đã nhận được sự chú ý của dự luận. Đến nay, vẫn chưa biết phần thắng sẽ thuộc về ông Lê Viết Hải hay Nguyễn Công Phú. Tuy nhiên, tranh chấp một lần nữa đã phơi bày nhiều góc khuất trong cuộc đấu đá tranh giành ở các doanh nghiệp.

Coteccon

Trước khi xảy ra vụ việc ở Tập đoàn Hoà Bình, Coteccon (MCK: CTD) được biết đến là một trong những ông lớn trong lĩnh vực xây dựng.

Kusto - quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore đầu tư vào Coteccons năm 2012, sau đợt phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu để huy động 500 tỷ đồng. Khi đó, họ dành nhiều lời khen ban lãnh đạo tài năng và chuyên nghiệp của đơn vị đầu ngành xây dựng dân dụng Việt Nam. Họ cũng cam kết luôn ủng hộ hội đồng quản trị ngay cả khi kết quả kinh doanh sụt giảm.

Ban lãnh đạo Coteccons lúc ấy cũng xem việc hợp tác chiến lược này là thành công, đặc biệt khi kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán lao dốc.

322227863-5611822495596884-2907453679607278623-n-1673339102.jpeg
 

Tuy nhiên, những căng thẳng với cổ đông lớn Kusto liên tục nổ ra từ các cuộc họp cổ đông thường niên năm 2018-2019, đỉnh điểm là cuộc họp năm 2020. Nhóm cổ đông ngoại nhiều lần đưa ra các cáo buộc về vi phạm quản trị doanh nghiệp và xung đột lợi ích tại Coteccons với các công ty liên quan.

Trong khi đó, lãnh đạo Coteccons bấy giờ phản bác các cáo buộc, đồng thời đặt nghi vấn các cổ đông ngoại cấu kết với nhau để thâu tóm công ty. Không hài lòng với đội ngũ quản trị và điều hành của Coteccons do ông Nguyễn Bá Dương đứng đầu, nhóm cổ đông do Kusto đứng đầu đã có những động thái nhằm phế truất ban lãnh đạo của Coteccons.

Từ đối tác chiến lược, tháng 6/2020, Kustocem (nắm hơn 17% vốn) đã thông báo họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm thay đổi HĐQT đương thời, yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương từ chức.

Cổ đông này cũng yêu cầu kiểm toán đặc biệt với các hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan đến các công ty còn lại trong Coteccons Group, vì nhận thấy có vấn đề xung đột lợi ích, bao gồm Ricons.

Sau khi Kustocem "châm ngòi", không chỉ có quỹ đầu tư The8th đồng thuận, một quỹ ngoại khác là PXP Vietnam Emerging Equity Fund (PXP VEEF) cũng ủng hộ hành động ngăn chặn các hành vi xung đột lợi ích tại Coteccons của Kustocem và The8th.

Đến cuối năm 2020, ông Nguyễn Bá Dương đã rút lui hoàn toàn khỏi Coteccons sau 17 năm xây dựng. Ông Bolat Duisenov - người sáng lập đồng thời là tổng giám đốc của Kusto lên làm tướng mới và mâu thuẫn kết thúc.

Sacombank

Tương tự, một thương vụ thâu tóm, giành quyền kiểm soát nổi tiếng một thời ở lĩnh vực ngân hàng xảy ra tại Sacombank.

Vào tháng 7/2011, thông tin về việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương (Sacombank; MCK: STB) bị thâu tóm được lan truyền. Ông Đặng Văn Thành (người xây dựng Sacombank) đã dùng nhiều cách để củng cố sức mạnh và tránh bị thâu tóm từ đối thủ.

Sự việc ngày càng nóng hơn khi các nhóm cổ đông liên tục đưa ra phát biểu xung quanh việc thay đổi ban lãnh đạo ngân hàng trước thềm đại hội cổ đông (ĐHCĐ).

Tính đến ĐHCĐ Sacombank năm 2011, những cổ đông lớn của STB gồm: REE 3,66%, Dragon Capital 6,66%, ANZ 9,78% và ban điều hành của ngân hàng này nắm 9%.

Tháng 8/2011, Dragon Capital chính thức bán toàn bộ 6,66% vốn tại Sacombank, với 61 triệu cổ phiếu sau 10 năm nắm giữ.

322548822-589989679615936-6115454159351712890-n-1673339121.jpeg
Bằng nhiều cách khác nhau, ông Trầm Bê đã thâu tóm được Sacombank.

Tháng 1/2012, hai cổ đông lớn khác của STB là REE, ANZ đã thoái sách vốn  khỏi Sacombank. Thay vào đó, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Eximbank (EIB) trở thành cổ đông lớn với lượng nắm giữ là 9,73%, trong đó phần lớn là được chuyển nhượng từ ANZ.

Tuy nhiên, những nổ lực của ông Đặng Văn Thành để giữ cái ghế Chủ tịch HĐQT ở Sacombank không thành công. Đến tháng 2/2012, đại diện là Eximbank và nhóm liên quan tới ông Trầm Bê tuyên bố đã nắm trong tay số cổ phiếu đại diện cho 51% vốn điều lệ ngân hàng và đưa ra yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo Sacombank.

Đến tháng 11/2012, ông Đặng Văn Thành rút lui, thôi giữ chức danh Chủ tịch HĐQT, giao cho người kế nhiệm là ông Phạm Hữu Phú. Trở thành "trung gian" cho ông Trầm Bê thâu tóm Sacombank. Thế nhưng, chính EIB cũng rơi vào cảnh tranh giành quyền lực, từ đó đẩy nhà “bank” này đi xuống trong nhiều năm qua. Còn Sacombank dưới sự lãnh đạo của ông Trầm Bê cũng không mấy sáng sủa. Tuy  nhiên, sau khi ông Trầm Bê vướng vào vòng lao lý, nhà "bank" này dưới sự tiếp quản của ông Dương Công Minh đang cho thấy sự cải thiện hơn.

Vinaconex

Tại thời điểm xảy ra tranh chấp ở Coteccon, thì tại Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; MCK: VCG) cũng bắt đầu một cuộc mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông An Quý Hưng và Phú Long.

Nguyên nhân được cho là tạo ra sự bất đồng giữa các cổ đông lớn là bởi các bên chưa tìm được tiếng nói chung tại dự án Splendora (Hoài Đức, Hà Nội). Vì vậy, khiến cho dự án rơi vào sự trì trệ, bế tắc.

Thế nhưng, ngay từ thời điểm ĐHĐCĐ bất thường (ngày 11/1/2019) nội bộ Vinaconex đã tiềm ẩn những xung đột về lợi ích. Ở đây, 2 đối trọng là nhóm cổ đông lớn là Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) - Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest).

z2082435167079497658df6a45f82aba65701eff7811cb-16004100800081249296112-1673339232.jpeg
 

Cuộc “nội chiến” bùng nổ khi nhóm cổ đông Cường Vũ và Star Invest gửi đơn kiện, Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vô hiệu hóa HĐQT mới. Chỉ tính trong 1 ngày (28/3) giá cổ phiếu VCG bốc hơi hơn 1.200 tỷ đồng.

Hàng loạt những động thái pháp lý đã được tiến hành và phải mất gần 2 năm đàm phán, hai bên mới đi đến thống nhất bằng việc hoán đổi cổ phần: phía Phú Long thoái vốn khỏi Vinaconex đồng thời Vinaconex thoái phần vốn tại Bắc An Khánh cho Phú Long.

Tập đoàn Đại Dương (OGC) .

Từ tháng 10 – 11/2020, một nhóm cổ đông đã thâu tóm khoảng 51% cổ phần của OGC và 22.3% cổ phần tại công ty con của OGC là Công ty CP Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH). Sau đó, nhóm cổ đông này đã uỷ quyền hoàn toàn cho IDS Equity Holdings (IDS) tất cả các quyền và nghĩa vụ với tư cách cổ đông OGC.

Mặc dù IDS nắm trong tay cổ phần chi phối (51%), nhưng tháng 12/2020, Ông Mai Hữu Đạt – Chủ tịch HĐQT OGC lại khẳng định các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát công ty vẫn đang hoạt động bình thường theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định. Trong thời gian đó OGC đã nhận được một số thư đề nghị gặp mặt của IDS, nhưng lãnh đạo OGC từ chối.

Mâu thuẫn giữa IDS và Ban lãnh đạo OGC đã kéo dài cả năm 2021 dẫn đến không thể tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ. Phải mất đến gần 2 năm phủ quyết qua lại giữa 2 phía, tới tháng 4/2022, nhóm cổ đông IDS Equity Holdings mới có thể chính thức tiếp quản quyền điều hành của OGC.

Là doanh nghiệp được gây dựng bởi ông Hà Văn Thắm, OGC đã thua lỗ và thất thoát khá nhiều tài sản không thể thu hồi được sau khi doanh nhân này vướng vào vòng lao lý. Tuy vậy, OGC và công ty con OCH vẫn còn rất nhiều tài sản tiềm năng.

Hồng Vũ