Trọn đời với nhà nông

Trần Đình Thế

07/01/2023 16:43

Là đồng đội, từng chung chiến hào đánh quân Pol Pot tại chiến trường Campuchia, rồi sau đó vẫn giữ mối liên lạc, trở thành bạn bè thân thiết, chúng tôi được doanh nhân, thương binh Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất-kinh doanh Phân bón Bình Điền II-thương hiệu 2Phong, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền mời tham gia đoàn công tác của công ty đi Kiên Giang.

Phải có được cái mới

Chuyến đi khởi hành từ Nhà máy Phân bón Bình Điền II tại Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc (Long An) đến huyện Kiên Lương (Kiên Giang) với mục đích thăm đồng, đánh giá cụ thể trà lúa sử dụng phân bón NPK phức hợp hữu cơ thế hệ mới 2Phong để quyết định có bón lần hai cho trà lúa này trong khoảng thời gian còn lại đến khi thu hoạch hay không.

Mở đầu câu chuyện, chúng tôi hỏi doanh nhân, thương binh Lê Quốc Phong: "Nghỉ hưu rồi, ở nhà lo tập thể thao và đi du lịch, làm chi nữa cho khổ?". "Không được. Làm phân bón đã thành cái nghiệp, gắn bó với mình nửa thế kỷ rồi. Mình đã tạo dựng được một thương hiệu phân bón hỗn hợp NPK Đầu Trâu đứng trong tốp đầu cả nước. Nhưng còn rất nhiều dự tính mình chưa làm được. Hơn nữa sức khỏe còn, đầu óc còn linh hoạt, nhớ nghề lắm, phải làm tiếp thôi. Phải thực hiện bằng được những gì mình ấp ủ. Phải giúp bà con nông dân đỡ vất vả trên đồng ruộng mà có hiệu quả kinh tế cao hơn, đời sống được cải thiện nhiều hơn... cũng là để thấy mình còn có ích cho nông dân, cho xã hội", ông Phong trả lời.

"Thương hiệu 2Phong đã có được gì sau 4 năm đi vào hoạt động?"-chúng tôi hỏi tiếp. "Vừa khánh thành nhà máy thì "vập" vào đại dịch Covid-19. Sản xuất không được, phân phối không xong, chạy đến “bạc mặt” lo cho nhà máy hoạt động và đời sống hơn trăm cán bộ, công nhân viên", ông Phong trăn trở.

Được biết, tháng 10-2015, doanh nhân, thương binh Lê Quốc Phong cùng với một số nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, doanh nhân có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực quản lý, sản xuất, kinh doanh phân bón đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ theo chế độ, chính sách của Nhà nước, nhưng còn đủ sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm và nhất là nhiệt huyết với sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà nên đã thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất-kinh doanh Phân bón Bình Điền II-thương hiệu 2Phong.

Nhà máy được khởi công xây dựng vào tháng 7-2016 và hoàn thành vào cuối tháng 11-2017 trên diện tích 3ha, thuộc Khu công nghiệp Long Hậu, công suất thiết kế ban đầu là 100.000 tấn sản phẩm/năm. Các sản phẩm của nhà máy là NPK cao cấp, phân bón hữu cơ và vi sinh, được thiết kế chuyên biệt, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu cho từng vùng đất, từng loại và từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng, dễ tan, thích hợp với cách thức tưới nhỏ giọt của nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Phân bón 2Phong tạo ra sự khác biệt là đưa thêm chế phẩm hữu cơ thế hệ mới, axit Humic, một số hoạt chất giúp cây trồng tăng độ quang hợp, enzym tạo sự kháng cự tốt của cây trồng với sâu bệnh, dịch hại; kích hoạt các chất trung vi lượng có sẵn trong đất để cây trồng hấp thụ được, cùng với vi lượng thông minh không những thúc đẩy cây trồng tăng năng suất mà còn từng bước góp phần cải tạo đất, làm cho đất có thêm "sức khỏe" để giảm thoái hóa, tiết kiệm phân bón, thân thiện với môi trường. Sang giai đoạn 2, nhà máy sẽ đầu tư thiết bị để sản xuất 40-50 nghìn tấn phân bón hữu cơ nano, hữu cơ thế hệ mới mỗi năm.

4-1711428666.jpeg
Doanh nhân, thương binh Lê Quốc Phong (ngoài cùng, bên trái) cùng các nhà khoa học và bà con nông dân đánh giá sự phát triển của lúa lúc 46 ngày sau sạ tại xã Kiên Bình (Kiên Lương, Kiên Giang). Ảnh: Bình Điền.

Ông Phong nói: "Đồng đất của mình qua nhiều năm canh tác, độ phì nhiêu ngày càng giảm sút. Hiện tại, nông dân cần sử dụng đồng thời cả phân bón vô cơ và hữu cơ. Phân bón vô cơ cho năng suất cây trồng, phân bón hữu cơ làm cho đất đai được bù đắp độ phì nhiêu để trở nên màu mỡ. Các sản phẩm phân bón 2Phong đạt được cả hai yêu cầu này. Đây là hướng đi có trách nhiệm với đất đai, với nền nông nghiệp Việt Nam về lâu dài".

Tạm qua đại dịch Covid-19, nhờ vào uy tín, sự năng nổ của doanh nhân, thương binh Lê Quốc Phong, sự gắn bó chí cốt của đội ngũ công nhân viên, sản xuất của nhà máy bắt đầu ổn định, hệ thống đại lý phân phối được thiết lập từng bước, đi vào sản phẩm cho từng vùng như: Cây vải thiều ở Bắc Giang; cây cà phê, cao su, tiêu ở Tây Nguyên; cây thanh long, nho ở Bình Thuận, Ninh Thuận; cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long... Bà con nông dân sử dụng, khẳng định dần chất lượng của phân bón 2Phong. Rồi một hợp đồng được ký kết, cung ứng tới 30 nghìn tấn/năm cho cây mía tại Campuchia, mở ra hướng xuất khẩu rất tốt cho phân bón thương hiệu 2Phong sang các nước khác. Nước bạn cũng chính là nơi mà doanh nhân, thương binh Lê Quốc Phong từng chiến đấu và bị thương tại chiến trường Kampong Speu ngày 18-10-1979 khi cùng đồng đội truy quét quân Pol Pot.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, uy tín có được từ chất lượng sản phẩm được minh chứng qua thực tiễn, từ con số 0 tròn trĩnh ngày đầu, đến nay, phân bón 2Phong đã có sản lượng tiêu thụ 50 nghìn tấn/năm, thu về hơn 500 tỷ đồng.

Trên cánh đồng đối chứng

Từ xã Kiên Bình (huyện Kiên Lương), chúng tôi phải để xe ô tô trên bờ, chuyển xuống xuồng máy chạy vào ấp Lung Lớn. Xuồng chạy được chừng trăm mét thì trời đổ mưa, ai nấy ướt nhẹp. Xuồng vẫn chạy. Cũng may, mưa rào xuống một lát rồi tạnh. Mưa nắng ở xứ này là vậy. Mây quang, rồi nắng hửng lên.

Đón chúng tôi trên bờ kênh là chủ ruộng Nguyễn Văn Nhẫn, cũng ướt hết áo quần. Thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, gần 60 tuổi nhưng ông rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Sau khi đã “chốt” phương án thăm đồng, cả đoàn đi thẳng ra ruộng. Ông Nhẫn nhanh nhẹn dẫn đầu. Từng là Giám đốc Công ty Xuất khẩu gạo Kiên Giang (nay làm công tác Đảng của Công ty Thương mại-Dịch vụ Kiên Giang), cách đây 5 năm, ông Nhẫn quyết định thuê của địa phương 200ha ruộng, thời hạn 50 năm để làm lúa. Ông đã làm 10 vụ lúa, sử dụng hoàn toàn phân bón 2Phong, tiết kiệm được chi phí sản xuất hơn 30% so với nông dân trong vùng mà năng suất không thua kém. Chính vì thế, rất nhiều nông dân trong vùng đã làm theo ông Nhẫn. Đến khi biết ông Hai Phong (tên thường gọi của ông Lê Quốc Phong) thí điểm sản xuất sản phẩm phân bón mới, chỉ cần bón một lần cho cả một vụ lúa thì ông Nhẫn ưng liền. Ông làm ngay vụ 3 này với diện tích 60ha. Ông bảo với những người xung quanh là cứ làm đúng theo hướng dẫn của ông Phong, nếu thất thu ông Nhẫn sẽ bù. Nhưng thất thu làm sao được, nhìn ruộng lúa 46 ngày sau sạ là biết không thể "thất" được.

Tới ruộng, Tiến sĩ Nguyễn Phú Tuân, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Công ty Cổ phần Sinh thái xanh Việt Nam, xắn cao quần, lội ào xuống ruộng, thọc tay vào đất, nhổ liền hai bụi lúa. Trên bờ, ngoài thành phần đoàn cán bộ của 2Phong, ông Nhẫn, còn có nhiều nông dân trong vùng tập trung đến tham quan, nghe tư vấn. Cuộc bàn thảo diễn ra sôi nổi ngay tại bờ ruộng: Đến lúc này, lúa của ông Nhẫn không hề kém lúa của nông dân trong vùng, trong khi ông Nhẫn mới bón duy nhất một lần phân NPK 2Phong còn bà con đã bón đủ 3 lần, ông Nhẫn chưa phun một lần thuốc bảo vệ thực vật nào trong khi các hộ khác trong vùng đã làm việc này từ một đến hai lần... Cuối cùng, đoàn kiểm tra của 2Phong kết luận: Ông Nhẫn dành ra 5ha không bón đợt hai, làm đối chứng với số ruộng còn lại có bón đợt hai khi thu hoạch.

Chia sẻ trong khi kiểm tra tại ruộng, ông Hai Phong khẳng định, đầu tư phân bón sẽ giảm từ khoảng 5 triệu đồng/ha xuống 2 triệu đồng/ha, lại không mất chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, năng suất có thể bằng hoặc giảm chút đỉnh so với đối chứng, nhưng chi phí sản xuất giảm sâu (30-50%), thì hiệu quả kinh tế đạt được của bà con nông dân sẽ cao hơn, lại không bị ảnh hưởng độc hại của thuốc bảo vệ thực vật. Giảm phân bón (nhất là NPK) sẽ giảm phát thải khí nhà kính (CO2), góp phần bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm đến cùng với nông dân

Nhìn cử chỉ, nghe ông Hai Phong nói, tôi hình dung ra đây là hình mẫu của một nhà quản lý doanh nghiệp hiện đại. Ông tâm niệm, trong công việc không được ôm đồm, phải đặt trọn niềm tin vào cấp dưới, vào mọi thành viên do mình quản lý. Giao việc cho anh em phải đồng thời giao cho anh em trọn quyền quyết định cách thức thực thi và chịu trách nhiệm về hiệu quả đạt được. Không bao giờ nghĩ mình là “ngon lành”, là nhất, là số 1; sẵn sàng xin lỗi cấp dưới khi biết mình sai hoặc sáng kiến của cấp dưới đưa ra tốt hơn phương án của mình. Luôn lắng nghe cấp dưới để vừa chắt lọc thông tin trước khi đưa ra những quyết sách quan trọng, vừa để cho cấp dưới luôn thấy mình được “sếp” tôn trọng... sẽ tích cực, mạnh dạn, hăng hái đề đạt ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng. Mặt khác, trong sản xuất, kinh doanh, phải luôn có chiến lược sản phẩm; không "ngủ quên trên chiến thắng” để chuẩn bị cho những “chiến thắng” tiếp theo. Làm gì cũng phải nghĩ mang lại lợi ích cho tập thể, cho công ty và cho cộng đồng... Sự gương mẫu trong mọi lúc, mọi nơi của ông đã lôi cuốn các thành viên, lan tỏa ra cả hệ thống, guồng máy hoạt động của công ty, từ sản xuất, phân phối đến người nông dân, tạo thành văn hóa riêng của doanh nghiệp.

Với bà con nông dân, ông Hai Phong luôn có trách nhiệm đến cùng với sản xuất và lợi nhuận thu được của họ sau từng mùa vụ. Ông là người đề xuất ý tưởng và tổ chức các hoạt động, sân chơi bổ ích để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân cả nước, như các cuộc thi: "Khuyến nông", "Nhà nông đua tài", "Đồng hành và chia sẻ", "Nâng cánh ước mơ-nối nhịp cầu nhân ái", "Phân bón với nhà nông"; Giải golf gây Quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường"; tuyển chọn giọng ca cải lương "Bông lúa Vàng"; kết nghĩa với các buôn làng xa xôi tại Đắk Lắk, Đắk Nông; đồng tổ chức và tài trợ chương trình tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc" hằng năm; tài trợ Đội bóng chuyền nữ Quốc gia... để phục vụ khán giả, nhất là bà con nông dân vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh chuyên môn về phân bón, trong cuộc sống, ông Hai Phong luôn là người có trách nhiệm với gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội, không quên ai. Từ chỗ phát hiện, tài trợ cho một sinh viên nghèo hiếu học, học giỏi ở Quảng Trị, chính ông đã khởi xướng thành lập Quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường". Hơn chục năm qua, đã có hàng chục nghìn sinh viên nghèo có được nguồn kinh phí ban đầu để bước vào giảng đường, học tập, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Nhiều em thành danh, thành tài đã quay trở lại giúp sức đàn em nghèo được đến trường.

Năng động, sáng tạo, hết mình với công việc và với nhà nông, vừa có tầm lại có tâm, tin rằng ông Hai Phong sẽ đưa thương hiệu 2Phong tiếp tục tiến lên phía trước, đóng góp vào xây dựng nền nông nghiệp nước nhà hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững.

Trần Đình Thế
Bạn đang đọc bài viết "Trọn đời với nhà nông" tại chuyên mục Nhân vật.