Ba nhà “bank” nào có lượng tiền gửi khách hàng nhiều nhất năm 2023?

Mai Ngọc

04/02/2024 11:23

Kết thúc quý 4/2023, có 3 ngân hàng ghi nhận được lượng tiền gửi của khách lớn nhất năm 2023 gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Theo báo cáo tài chính quý 4/2023 tại các ngân hàng (ngoại trừ Agribank không công bố báo cáo quý), lượng tiền gửi từ khách hàng vẫn tiếp tục tăng cao trong năm 2023, bất chấp lãi suất huy động tiếp nối đà giảm sâu.

Cụ thể, tổng lượng tiền gửi khách hàng tại 28 ngân hàng thương mại đã tăng 18,2% so với hồi đầu năm, đạt gần 9,9 triệu tỷ đồng với ghi nhận tăng trưởng thấp nhất là 0,8% và cao nhất là 71,8%. Xét về số dư tuyệt đối, dẫn đầu về tiền gửi của khách hàng vẫn tiếp tục là "ông lớn" BIDV với 1,7 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 15,7% so với hồi đầu năm.

Về tình hình kinh doanh, BIDV với tổng tài sản đến cuối năm 2023 vượt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với hồi đầu năm. Với quy mô tài sản trên, BIDV tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng về quy mô tổng tài sản.

bidv-1-640-9197-1707019728.jpeg
 

Trong năm 2023, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng tới 16,8% - cao hơn nhiều với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng (13,71%) và đạt mức kỷ lục trong lịch sử nhà băng này là 1,778 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng cũng tăng tới 15,7%, lên trên 1,704 triệu tỷ đồng với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 20,2%.

Kết thúc năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIDV đạt gần 27.650 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận BIDV vượt mốc 1 tỷ USD và là mức lãi cao thứ hai trong ngành ngân hàng, chỉ sau Vietcombank (41.244 tỷ đồng).

Năm 2023, nguồn thu chính của BIDV là thu nhập lãi thuần đạt hơn 56.135 tỷ đồng, chỉ tăng 0,3% so với năm 2022 dù dư nợ tín dụng mở rộng tới 16,66%. Điều này cho thấy hiệu sinh lời của danh mục tín dụng đã giảm khá mạnh trong bối cảnh ngân hàng này liên tục đẩy mạnh các chương trình giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng.

Trong khi đó, hầu hết nguồn thu ngoài lãi của BIDV đều tăng rất trưởng ấn tượng. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 16,3% lên 6.572 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp rưỡi, đạt trên 4.707 tỷ đồng; đặc biệt, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư đạt gần 2.872 tỷ đồng, gấp 11 lần năm 2022; chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ gần 32 tỷ trong năm 2022 sang lãi hơn 305 tỷ đồng.

Tính chung các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của BIDV trong năm 2023 đạt gần 73.025 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm trước. Với kết quả trên, BIDV là ngân hàng có doanh thu thuần cao nhất hệ thống. Bình quân mỗi ngày nhà băng này thu ròng hơn 200 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, nợ xấu nội bảng của BIDV vào cuối năm 2023 ở mức 22.229 tỷ đồng, tăng 22,9% so với hồi đầu năm. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,19% lên 1,25%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 210% xuống còn 182%.

4773dc7a76e6b58156898ae1f71ac19c-1707019728.jpeg
 

Tiếp đến là Vietinbank, khi nhà “bank” này có số dự tiền gửi ở mức 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,9%. Về kinh doanh, nhìn chung trong năm 2023, Vietinbank tăng trưởng hơn so với năm trước. Tăng trưởng của VietinBank trong năm đến từ sự đóng góp chính của thu nhập lãi thuần 53,083 tỷ đồng, tăng 11%.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như lãi từ dịch vụ (+22%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+19%). Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh thu được gần 293 tỷ đồng tiền lãi trong khi năm trước lỗ hơn 100 tỷ đồng.

Trong năm, Vietinbank đã trích 25,115 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 6% so với năm trước, mặc dù vậy ngân hàng này vẫn lãi trước thuế hơn 25,100 tỷ đồng, tăng 19%.

Trên BCTC riêng lẻ, Vietinbank thu được 24,304 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023. Như vậy, ngân hàng đã vượt 8% so với mục tiêu 22,500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đề ra cho cả năm.

Tổng tài sản của Vietinbank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 37% (40,597 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 16% (1.47 triệu tỷ đồng).

Ngân hàng có lượng tiền gửi của khách hàng nhiều thứ ba là Vietcombank. Ngân hàng này có số dư tiền gửi ở mức gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm.

Đối với hoạt động kinh doanh, tổng lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của Vietcombank đạt 41.243 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao nhất hệ thống tổ chức tín dụng. 

tru-so-vcb-4165-1707019728.jpeg
 

Thuyết minh trong báo cáo tài chính, Vietcombank cho biết thu nhập lãi thuần tăng nhẹ 0,7% lên 53.621 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 5.779 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đã mang về hơn 5.660 tỷ đồng.

Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khác tăng hơn 10%, đóng góp hơn 2.272 tỷ đồng vào tổng thu nhập hoạt động năm 2023. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đóng góp 124 tỷ đồng, thay vì lỗ 115 tỷ đồng như năm 2022.

Đặc biệt, lợi nhuận năm 2023 của Vietcombank có sự đóng góp lớn của việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro, chỉ bằng một nửa so với mức năm 2022. Theo đó, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank giảm từ 9.464 tỷ đồng trong năm 2022 xuống còn 4.565 tỷ đồng.

Vietcombank đã được hoàn nhập hơn 5.131 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho vay tổ chức tín dụng khác trong năm 2023. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản Vietcombank đạt hơn 1,839 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với hồi đầu năm.

Mai Ngọc