Chân dung ông Trần Ngọc Nguyên chủ tịch doanh nghiệp có tổng tài sản gần 15.300 tỷ đồng mang tên Đạm Cà Mau

Cao Tuấn

02/02/2024 09:40

Năm 2024, Đạm Cà Mau đưa ra kế hoạch kinh doanh tạm thời với tổng doanh thu hợp nhất là 11.878 tỷ, lợi nhuận trước thuế hơn 841 tỷ đồng. Hiện Chủ tịch HĐQT Đạm Cà Mau là ông Trần Ngọc Nguyên, sinh năm 1977, là nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - Đạm Cà Mau, mã CK: DCM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023. Theo đó, trong quý cuối năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu doanh thu 3.565 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm mạnh 37% so với cùng kỳ năm trước về mức 865 tỷ đồng. 

lai-sieu-khung-ai-dang-la-chu-cua-dam-ca-mau-1706720030.PNG

Lũy kế năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu 12.602 tỷ đồng

Điểm sáng của công ty là doanh thu tài chính tăng mạnh 26% so với cùng kỳ đạt mức 106 tỷ đồng. Chi phí tài chính cùng chi phí bán hàng giảm nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lên mức 209 tỷ đồng.

Kết quả, Đạm Cà Mau báo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 493 tỷ đồng, giảm hơn 53% so với cùng kỳ quý 4/2022. Tuy nhiên, đây là mức lợi nhuận cao nhất theo quý của doanh nghiệp này trong năm 2023. 

Lũy kế năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu 12.602 tỷ đồng, giảm 21% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.108 tỷ đồng, giảm 74,3% so với năm 2022.

Ban đầu, kế hoạch năm 2023 của Đạm Cà Mau là đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.383 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch đã được điều chỉnh vào thời điểm cuối năm với con số là 916 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên Đạm Cà Mau đã vượt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận đã điều chỉnh vào hồi tháng 12/2023.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt gần 15.300 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty đạt 10.526 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm gần 70% tài sản của công ty.

Số tiền này đã giúp công ty phân bón này thu về gần 520 tỷ đồng tiền lãi trong năm qua, cao gấp đôi mức của năm liền trước.

Năm 2024, Đạm Cà Mau đưa ra kế hoạch kinh doanh tạm thời với tổng doanh thu hợp nhất là 11.878 tỷ, lợi nhuận trước thuế hơn 841 tỷ đồng. So với thực hiện năm 2023, kế hoạch lợi nhuận này chỉ bằng 2/3.

Chân dung Chủ tịch Đạm Cà Mau

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau, tiền thân là Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) được thành lập vào ngày 09/03/2011 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón, hóa chất dầu khí.

Đến tháng 01/2015, công ty chính thức chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty cổ phần với tên gọi CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau.

Công ty hiện có vốn điều lệ 5.294 tỷ đồng và mức vốn này đã được duy trì nhiều năm nay. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 75,56% vốn điều lệ, tương ứng 4.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2018, Đạm Cà Mau đã cho biết ý định tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nhằm đẩy mạnh công tác thoái vốn nhà nước từ 75,56% xuống 51%, nhưng đến nay chưa thực hiện.

lai-sieu-khung-ai-dang-la-chu-cua-dam-ca-mau-1-1706722646.PNG

Cơ cấu cổ đông CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau tại thời điểm cuối năm 2022. Nguồn: BCTN PVCFC

Hiện Chủ tịch HĐQT Đạm Cà Mau là ông Trần Ngọc Nguyên. Ông cũng là người do PVN đề cử vào HĐQT.

Ông Trần Ngọc Nguyên sinh năm 1977 tại Quảng Nam, tốt nghiêp thạc sỹ tại Trường Dầu mỏ và Động cơ (ENSPM - École Nationale Supérieure du Pétrole et Des Moteurs) Cộng hòa Pháp.

Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, công tác quản trị tại các đơn vị trong ngành Dầu khí, giữ nhiều chức vụ khác nhau: Kỹ sư công nghệ phòng Quản lý Nhà thầu, phòng Giám sát Công nghệ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Sản xuất; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (nay là Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn); Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT - Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Với tư duy chiến lược sắc bén cùng kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, ông Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau từ ngày 10/1/2019 đến nay.

lai-sieu-khung-ai-dang-la-chu-cua-dam-ca-mau-2-1706722769.PNG

Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch HĐQT CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau

Hiện nay, Đạm Cà Mau là thương hiệu uy tín hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón trên cả nước, bao gồm các dòng sản phẩm phân đơn, phân bón NPK và phân bón hữu cơ cao cấp. Công ty đang sở hữu 2 nhà máy là Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy NPK Cà Mau.

Về địa bàn kinh doanh, thương hiệu Phân Bón Cà Mau hiện đã có mặt trên toàn quốc và mở rộng xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Trong đó, các thị trường mục tiêu chiến lược của Đạm Cà Mau bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Campuchia. Ngoài ra, đến nay công ty đã thực hiện xuất khẩu sang 14 quốc gia bao gồm: Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka, Pháp, Indonesia, Mexico, Uruguay và Argentina.

Năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ phân bón các loại của Phân bón Cà Mau ước đạt hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng tiêu thụ ure ước đạt 866 nghìn tấn. Đặc biệt, công ty đã xâm nhập và phát triển thành công thị trường NPK với sản lượng tiêu thụ trong năm ước đạt được 160 ngàn tấn bằng 192% so với năm 2022.

Cao Tuấn