Chủ tịch PG Bank Nguyễn Quang Định lên tiếng về kế hoạch sáp nhập với MSB

Lam Lam

01/04/2023 12:10

Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) Nguyễn Quang Định cho biết về tin đồn sáp nhập PG Bank vào MSB, thông tin từ phía Ngân hàng MSB thì ông không biết, còn phía bên PG Bank thì ngân hàng này chưa có kế hoạch sáp nhập.

nguyen-quang-dinh-pg-bank-1680325554.jpg
Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) Nguyễn Quang Định

PG Bank sẽ sáp nhập với MSB?

Ngày 21/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Hiện tại, các tài liệu liên quan đến đại hội đã được ngân hàng này công bố.

Cụ thể, liên quan đến hoạt động kinh doanh, MSB cho biết, năm 2023, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230 nghìn tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141,7 nghìn tỷ; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

“Đánh giá 2023 vẫn là năm khó khăn với nền kinh tế, kịch bản tích cực còn khá dè dặt, MSB đặt mục tiêu ưu tiên là phát triển bền vững, tập trung công tác quản trị vững mạnh, tiếp tục gia tăng hàm lượng số hóa trong sản phẩm – dịch vụ, giữ vững vị thế là ngân hàng thấu hiểu khách hàng và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam”, phía MSB cho biết.

Trong năm 2023, MSB cũng có kế hoạch không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc cho ngân hàng. Khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp cho lợi nhuận tạo ra năm 2022. 

Một điểm đáng chú ý trong tài liệu được ngân hàng này công bố là MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phương án sáp nhập thêm một ngân hàng. Mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng. 

Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN.

Tờ trình cũng cho biết, dự kiến tổ chức tín dụng sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

“Dựa trên kinh nghiệm sáp nhập trước đây với MDB, hi vọng kế hoạch này sẽ nhận được sự đồng thuận từ Đại hội đồng cổ đông, mở ra tương lai mới cho ngân hàng. Sáp nhập không đơn thuần là phép cộng giá trị, với kế hoạch được nghiên cứu kĩ càng để tận dụng tối đa lợi thế, giá trị MSB sau đây sẽ lớn hơn, chất lượng hơn phép cộng số học đó”, đại diện MSB chia sẻ.

Liên quan đến ngân hàng được cho là sáp nhập với MSB, thời gian gần đây, trên các trang thông tin rộ lên tin tức về việc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - Mã: PGB) sẽ là ngân hàng được sáp nhập và MSB.

PG Bank đang là ngân hàng có quy mô tài sản, nguồn vốn thấp nhất hệ thống. Với vốn hóa chỉ khoảng 5.300 tỷ đồng, nhóm nhà đầu tư nào chi ra khoảng 2.500 tỷ đồng có thể thâu tóm được 40% vốn mà Petrolimex để lại, qua đó đủ khả năng chi phối nhà băng có quy mô tài sản khoảng 1,6 tỷ USD. Đây là điều khiến PG Bank trở nên tương đối hấp dẫn nhất trong mắt nhiều đại gia.

Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - Mã: PGB) Nguyễn Quang Định đã cho biết, về tin đồn sáp nhập PG Bank vào MSB, thông tin từ phía Ngân hàng MSB thì ông không biết, còn phía bên PG Bank thì ngân hàng này chưa có kế hoạch sáp nhập.

Chủ tịch PG Bank cũng khẳng định, trong tài liệu trình ĐHCĐ thường niên năm 2023, không có thông tin và cũng không có chủ trương sáp nhập với một ngân hàng nào khác.

Được biết ông Nguyễn Quang Định đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính kế toán sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế trường Đại học Tài chính Kế toán và hoàn thành chương trình Quản trị Kinh doanh của Henley Management College (UK).

Gắn bó với PG Bank từ những ngày đầu chuyển đổi mô hình hoạt động thành NH TMCP đô thị với vai trò là Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng đưa Ngân hàng vượt qua những giai đoạn khó khăn và đạt được những bước phát triển vượt bậc. Từ 15/10/2019, ông Định là Chủ tịch HĐQT của PG Bank.

MSB đang kinh doanh ra sao?

Ngân hàng MSB thành lập năm 1991. MSB hiện có trên 260 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và có giao dịch với hơn 500 ngân hàng đại lý tại trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đội ngũ hơn 6.000 cán bộ, phục vụ gần 4 triệu khách hàng cá nhân và gần 72.000 khách hàng doanh nghiệp.

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của MSB đạt 212.776 tỷ đồng. Tiền gửi huy động từ khách hàng ghi nhận trên 117.000 tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021. Cho vay khách hàng đạt hơn 120.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 19% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng đạt 16,35%.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn theo đó đạt 31,16% tại thời điểm 31/12/2022, trung bình năm đạt 36%, nằm trong nhóm cao nhất thị trường.

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt gần 10.700 tỷ đồng, trong đó ghi nhận tăng trưởng tốt từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Lãi thuần mảng này tăng 2,6 lần so với năm 2021, đạt trên 1.000 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước với biên lãi thuần đạt mức hiệu quả so với mặt bằng chung thị trường, ở mức 4,5%.

Ngân hàng ghi nhận tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR riêng lẻ) đạt mức 68,77% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mảng ngân hàng được kiểm soát ở mức 23,57% (so với yêu cầu 37%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo thông tư 41 đạt 12,33%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL mảng ngân hàng) theo thông tư 11/NHNN đang ở mức 1,21%.

Kết thúc năm tài chính, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt hơn 5.787 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2021. Mức lợi nhuận này đạt 85% kế hoạch năm, do kế hoạch bán FCCOM bị ảnh hưởng trực tiếp từ bối cảnh thị trường biến động. Những yếu tố bất lợi này đã tác động đến quá trình thương lượng thương vụ.

Lam Lam