Chứng khoán phái sinh ảnh hưởng ra sao với cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết “chân chính”?

Phạm Thanh Doanh

17/05/2022 13:07

Trong tuần vừa qua, hàng loạt các bài viết liên quan đến thị trường chứng khoán trở nên sôi động, đó là sự phản ứng tích cực của giới truyền thông với thị trường. Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ nhà đầu tư lâu năm và có kinh nghiệm thì họ vẫn chưa thấy thỏa mãn với những lý do mà giới truyền thông đưa ra khi thị trường chứng khoán giảm điểm một cách “ly kỳ”.

thi-truong-chung-khoan-phai-sinh-la-gi-1652766127.jpg

Chứng khoán phái sinh ảnh hưởng ra sao với cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết “chân chính”.

Thị trường vốn cho doanh nghiệp.

Không thể bàn cãi rằng thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, và cũng là một trong những trụ đỡ và bức tranh cho nền kinh tế của một quốc gia.

Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán được các công ty phát hành, lúc đó số tiền nhàn rỗi của họ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần mở rộng sản xuất. Bằng cách hỗ trợ các hoạt động đầu tư cho công ty, TTCK đã có những tác động quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân hiện nay. Thông qua đặc điểm của TTCK, chính phủ và chính quyền ở các địa phương cũng huy động được nguồn vốn cho mục đích sử dụng, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế nhằm phục vụ các nhu cầu chung của xã hội.

Các chỉ báo của TTCK phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén, chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng và nền kinh tế tăng trưởng. Và ngược lại giá chứng khoán giảm cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế.

Vì thế, TTCK được gọi là bức tranh của nền kinh tế và cũng là một công cụ quan trọng nhằm giúp chính phủ thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô. Thông qua TTCK, chính phủ có thể mua, bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách và quản lý lạm phát.

Ngoài ra, chính phủ cũng có thể sử dụng một số chính sách và biện pháp tác động vào TTCK. Nhằm định hướng đầu tư bảo đảm sự phát triển cân đối của nền kinh tế.

Chứng khoán phái sinh ảnh hưởng ra sao với cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết “chân chính”.

Tại sao tôi dung từ “chân chính”, bởi theo quan điểm cá nhân của người viết cho rằng :” Các doanh nghiệp niêm yết chân chính là các doanh nghiệp có vốn hóa lớn, hoạt động kinh doanh tốt, rõ ràng, có sự tăng trưởng từ chính hoạt động kinh doanh của mình, và thị giá cổ phiếu thể hiện đúng với giá trị tăng trưởng của doanh nghiệp đó, thông qua các báo cáo tài chính hàng quý, năm và có chính sách phát triển bền vững”.

Vậy sẽ có câu hỏi đặt ra rằng : “ Đâu là những doanh nghiệp niêm yết không chân chính?” . Với câu hỏi này, người viết sẽ dành cho độc giả nhìn nhận, và điển hình là câu chuyện cổ phiếu hệ sinh thái của FLC, ROS, AMD….hay như TGG, DIG,…Người viết tin rằng, với các nhà đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm sẽ nhìn ra sự tăng giảm của thị giá các cổ phiếu này ra sao so với tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đó.

Trở lại câu chuyện phái sinh, trong 06 tuần vừa qua, không ai thừa nhận sự tác động chính đến chỉ số VNI là do thị trường phái sinh, mặc dù trước đây các bài báo đã có những bài viết cảnh báo từ bài học của Trung Quốc vào năm 2015 khi phái sinh ảnh hưởng chỉ số Shanghai Index.

Nhưng thực tế lại khác, một số công ty chứng khoán ngang nhiên chào mời khách hàng chuyển qua tài khoản phái sinh, với lời hứa sẽ lợi nhuận và chỉ dung lệnh Short?! Đến mức thiết kế những banner mời gọi với lời “tiên đoán” thị trường cơ sở sẽ còn giảm sâu?! Và minh chứng có những ngày khối lượng giao dịch ở thị trường phái sinh tăng liên tục từ 30.000 – 53.000 tỷ/ngày.

Lúc này, chúng ta hãy nhìn các cổ phiếu của các doanh nghiệp đang tăng trưởng mạnh, với kết quả kinh doanh cực kỳ khả quan với sự hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô của Chính phủ như : FPT, VHC, GMD, ACB, ASM….Tất cả liên tục bị giảm sàn một cách vô lý liên tục trong 6 tuần?

Như vậy, thị giá xuống kéo theo giá trị vốn hóa doanh nghiệp giảm, chưa kể trong thời gian này là các doanh nghiệp chuẩn bị chia cổ tức, đồng thời một số doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng vốn phục vụ cho mục đích phát triển kinh doanh. Khi thị giá cổ phiếu giảm sâu, kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của Doanh nghiệp liệu có hấp dẫn cho nhà đầu tư hay không? Kế hoạch tăng vốn thành công không? Dẫn đến kế hoạch phát triển kinh doanh quý 3 – 4 có đúng lộ trình không? Vậy doanh nghiệp có ảnh hưởng không? Câu trả lời này dành cho chính các doanh nghiệp và bạn đọc.

Với vai trò hoạch định chính sách phát triển kinh tế chắc chắn sẽ phải cần sự phát triển của các doanh nghiệp. Lãnh đạo Đảng và Chính phủ luôn trăn trở tìm cách gỡ khó cho các doanh nghiệp từng ngày, từng giờ…các đoàn ngoại giao của các quốc gia và cả Chính phủ cũng giao lưu tìm kiếm các cơ hội hợp tác nhằm kêu gọi nguồn vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp giữa các nước với nhau.

Nhưng ở chiều ngược lại, ngay chính thị trường vốn của chúng ta thì càng nhiều điều bất cập. Việc đột nhiên ngưng cung cấp số liệu tự doanh từ tháng 03 đến nay, không hề có sự giải thích hợp lý cho nhà đầu tư, các giao dịch bất thường thường xuyên xảy ra, kể cả khi có sự định hướng từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng dường như không tác dụng, cụ thể là ngày giao dịch hôm qua 16/05/2022.

Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận sự ảnh hưởng từ thị trường phái sinh là không hề nhỏ với nền kinh tế, nếu chúng ta còn coi thường điều này.

Và với tư cách là nhà đầu tư, người viết mong muốn có một sự “minh bạch” với lý do chính đáng và phù hợp với tình hình thực tế đã và đang diễn ra trong 06 tuần qua ở thị trường chứng khoán.

Phạm Thanh Doanh