Cổ đông vừa 'sang tay' đến 8,2% cổ phần ABBANK trong 1 phiên giao dịch là ai?

Thanh Thảo

24/05/2024 10:56

Đây là cổ đông chiến lược, đã có quan hệ hợp tác với ABBANK trong suốt 14 năm qua.

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) là cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK). Theo lộ trình thoái vốn của IFC tại ABBANK, tổ chức này sẽ thoái vốn khỏi ngân hàng trong tháng 5 này. 

Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 22/5/2024, IFC đã thực hiện bán thỏa thuận hơn 84 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 8,2% tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng trên. 

IFC được biết đến là một thành viên của Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân tại các thị trường mới nổi. IFC hoạt động tại hơn 100 quốc gia, sử dụng vốn, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội tại các nước đang phát triển.

IFC hợp tác với ABBANK trong suốt 14 năm qua. Với tư cách là cổ đông chiến lược, IFC đã hỗ trợ hiệu quả cho ABBANK về nguồn vốn, các sản phẩm cho vay trung, dài hạn và tài trợ thương mại cũng như tư vấn...

Đặc biệt, IFC đã hỗ trợ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong suốt quá trình ABBANK triển khai các dự án nhằm đảm bảo tuân thủ về quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel III.

3-abbank-cong-bo-ket-qua-quy-i-662b4520897c6-1716436001.jpg

 

ABBANK được thành lập từ năm 1993, vốn điều lệ ở thời điểm hiện tại là 10.350 tỷ đồng. Hiện, ngân hàng có 165 điểm tại 34 tỉnh/thành phố. Sau khi IFC bán cổ phần, hiện ngân hàng này còn 2 cổ đông chiến lược là Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần và Ngân hàng Malaysia Berhad (MayBank) - Ngân hàng lớn nhất Malaysia.

Về hoạt động kinh doanh của ABBANK, trong năm 2024, ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2023. Tổng tài sản đạt 170.000 tỷ vào cuối năm, tăng 5%; huy động từ khách hàng dự kiến tăng 13% lên trên 113.300 tỷ và dư nợ tín dụng tăng 13% lên gần 116.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3%.

Quý 1/2024, các mảng kinh doanh chính của ngân hàng này đều sụt giảm trong khi chi phí dự phòng rủi ro tăng đã khiến lợi nhuận tại nhà băng này giảm mạnh.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần 3 tháng đầu năm giảm 16% so với cùng kỳ 2023, chỉ mang về gần 661 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng sụt giảm như lãi từ dịch vụ giảm 22% xuống còn 104 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm tới 50% chỉ còn hơn 116 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 45 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 lãi gần 91 tỷ.

Chỉ có hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng đến 85% đạt hơn 4 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh khác tăng hơn 340% mang về hơn 36 tỷ đồng.

ABBANK cũng tiết giảm chi phí hoạt động 6%, xuống còn 509 tỷ đồng, nhưng tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro gần 52% so với cùng kỳ 2023, ghi nhận 177 tỷ đồng.

Các mảng kinh doanh chính tại ABBank đều sụt giảm khiến tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm gần 50% so với cùng kỳ 2023. Trong khi chi phí rủi ro tín dụng tăng mạnh đã kéo lợi nhuận trước thuế quý 1/2024 của ngân hàng giảm 69% so với cùng kỳ, xuống còn 192 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 69% chỉ còn hơn 153 tỷ đồng.

Thanh Thảo