Cục Hoá chất phổ biến Nghị định thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

Mai Phương

10/04/2024 19:27

Chiều 10/4 tại Hà Nội, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 33/2024/NĐ-CP ngày 27/3/2024 của Chính phủ quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học nhằm giúp các cơ quan quản lý các cấp, doanh nghiệp có thể nắm bắt và triển khai tốt các quy định của Nghị định.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hoá chất, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam ký Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học vào năm 1993 và phê chuẩn Công ước vào năm 1998.

Cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học (VNA) được thành lập theo Quyết định số 76/2002/QĐ-TTg ngày 14/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 6/5/2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học. Đến nay đã được gần 10 năm và đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm vũ khí hóa học.

ong-phung-manh-ngoc-pld-1712758776.jpg
Ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hoá chất, Bộ Công Thương.

Việc nội luật hóa Công ước cấm vũ khí hóa học thông qua Nghị định số 38/2014/NĐ-CP cũng là công cụ pháp lý để Việt Nam thực thi Công ước cấm vũ khí hóa học, giúp Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ quốc gia, quản lý và khai báo việc xuất nhập khẩu hóa chất Bảng và tình hình sản xuất hóa chất hữu cơ riêng biệt DOC, DOC-PSF, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các quy định của Công ước.

Tuy vậy, theo Cục trưởng Phùng Mạnh Ngọc, qua 10 năm thực hiện, bên cạnh các kết quả đạt được, Nghị định số 38/2014/NĐ-CP có một số tồn tại, hạn chế do sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội và cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất. Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Công Thương chủ trì với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 33/2024/NĐ-CP quy định thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học vào ngày 27/3/2024, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 19/5/2024.

Tại Hội nghị, ông Lê Việt Thắng – Phó Chánh Văn phòng Cục Hoá chất đã trình bày sự cần thiết ban hành Nghị định, những điểm mới, danh mục hoá chất Bảng và các biểu mẫu, các quy định về chuyển tiếp…

Trong đó, liên quan đến những điểm mới của Nghị định số 33/2024/NĐ-CP, ông Lê Việt Thắng cho rằng, Nghị định đã kế thừa các quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu hoá chất Bảng của Nghị định số 38/2014/NĐ-CP. Cùng với đó, bổ sung quy định miễn trừ giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đối với hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3. 

Ngưỡng hàm lượng miễn trừ được đề xuất là 1% (ngưỡng thấp nhất phải khai báo với hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3 theo Công ước). Bổ sung quy định trong trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoá chất Bảng với mục đích kinh doanh thì phải được cấp Giấy phép kinh doanh hoá chất Bảng trước khi thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu.

cuc-hoa-chat-pld-1712758776.jpg
Hội nghị phổ biến Nghị định số 33/2024/NĐ-CP ngày 27/3/2024 của Chính phủ.

Theo ông Lê Việt Thắng, Nghị định 33/2024/NĐ-CP cũng bổ sung quy định thống nhất thời gian nộp báo cáo hàng năm của các tổ chức, cá nhân là ngày 15/2 cho khai báo về các hoạt động có trong năm trước và các hoạt động dự kiến cho năm tiếp theo (tính đến hết 31/12 năm đó), phù hợp với thời hạn báo cáo tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong công tác khai báo. Đặc biệt, hoạt động khai báo, báo cáo liên quan đến hoá chất Bảng, hoá chất DOC, DOC – PSF theo vòng đời được thực hiện theo hình thức điện thử thông qua Cơ sở dữ liệu hoá chất quốc gia.

Nghị định 33/2024/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ hoá chất Bảng, hoá chất DOC, DOC – PSF. Trong đó, chỉnh lý quy định về kiểm tra nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Công ước, đồng thời hỗ trợ các cơ sở hoá chất Bảng, hoá chất DOC, DOC – PSF được tập huấn, làm quen đối với trình tự, thủ tục đón tiếp Đoàn Thanh sát quốc tế. Trong trường hợp phát hiện các thiếu sót, thông qua kiểm tra, các cơ sở hoá chất Bảng, hoá chất DOC, DOC – PSF có liên quan sẽ có cơ hội được hoàn thiện, bổ sung trước khi chính thức đón Đoàn Thanh sát quốc tế…

Mai Phương