Dự báo 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024

Hạ Anh

04/01/2024 11:42

Để có thể nhận biết được bức tranh toàn cảnh và sâu sắc về thị trường, giá cả Việt Nam, sáng 04/01 tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024”.

Tình hình kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại xu hướng gia tăng... ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của khu vực và thế giới. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tổng cầu thế giới suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.

dien-bien-thi-truong-gia-ca-pld-1704343362.jpg
Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024”.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh so với dự báo trước đó nhưng hầu hết các dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022. 

Theo báo cáo cập nhật tình hình thương mại toàn cầu tháng 12/2023 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), dự báo tổng thương mại toàn cầu năm 2023 giảm khoảng 5,0% so với năm 2022. Giá các loại hàng hoá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm khá mạnh, đặc biệt là giá các mặt hàng năng lượng, phân bón... do bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột ở Ukraine, lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và bất ổn tài chính có nguy cơ xuất hiện.

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của năm 2023, Chính phủ, Thủ tướngChính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế… giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

“Cụ thể, GDP năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022; CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với bình quân năm 2022, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2019 đến 2022 nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng CPI bình quân của các năm còn lại trong giai đoạn 2008 – 2023; lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với bình quân năm 2022.” – PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều thông tin.

Về diễn biến lạm phát năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, các số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy diễn biến lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 có thể chia thành 2 giai đoạn.

Thứ nhất, trong nửa đầu năm 2023, lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm từ mức 4,9% vào tháng 1/2023 xuống còn 2,0% vào tháng 6/2023. Có một số nguyên nhân chính khiến lạm phát so với cùng kỳ giảm mạnh trong giai đoạn này là: (1) tổng cầu trong nửa đầu năm 2023 rất yếu, thể hiện qua việc GDP tăng trưởng rất thấp (quý I/2023 tăng 3,41%, quý II/2023 tăng 4,25%); (2) giá hàng hóa cơ bản trên thế giới, đặc biệt là giá dầu, cũng có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ; (3) do ảnh hưởng của việc tốc độ tăng trưởng cung tiền thấp trong nửa đầu năm 2023 (2,53%), còn lãi suất cho vay thực vẫn neo ở mức cao (6,9% vào tháng 6/2023).

Thứ hai, trong nửa sau của năm 2023, bên cạnh việc các nền tảng kinh tế vĩ mô dần cải thiện (tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, cung tiền và tín dụng tăng nhanh hơn), lạm phát có xu hướng gia tăng chủ yếu do một loạt các cú sốc từ phía cung, bao gồm: (1) điều chỉnh tăng học phí khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,06% trong tháng 9/2023 và tăng giá dịch vụ y tế khiến chỉ số giá nhóm này tăng 2,9% trong tháng 11/2023 và 2,15% trong tháng 12/2023; (2) giá gạo và giá xăng dầu có xu hướng tăng trở lại theo giá thế giới.

Điểm đáng chú ý là CPI đã tăng đột biến trong các tháng 8-9/2023 (tăng 0,88% trong tháng 8/2023 và 1,08% trong tháng 9/2023). Kết quả, lạm phát so với cùng kỳ đã tăng từ mức 2,0% vào tháng 6/2023 lên mức 3,58% vào tháng 12/2023. Tuy nhiên, do lạm phát giảm trong nửa đầu năm nên lạm phát trung bình năm 2023 cũng chỉ ở mức 3,25%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là khoảng 4,5%.

ts-nguyen-duc-do-pld-1704343362.jpg
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính).

Dự báo về tình hình lạm phát năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá, áp lực lạm phát trong năm tới sẽ không lớn bởi một số nguyên nhân. Thứ nhất, kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, đồng thời nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái chưa được loại trừ. Thứ hai, với triển vọng kinh tế thế giới không thật sự khả quan, giá dầu sẽ khó tăng mạnh, thậm chí có thể giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. 

Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải dù chỉ phải so với nền thấp của năm 2023 (mục tiêu trên 6% - cao hơn một chút so với năm 2022). Thứ tư, cung tiền và tín dụng trong năm 2023 chỉ tăng trưởng 10-11%, tương đương mức trung bình 5 năm của giai đoạn 2019 - 2023. 

“Trong năm 2024 có nhiều nhân tố hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát. Bởi vậy, tốc độ tăng CPI hàng tháng trong năm 2024 nhiều khả năng sẽ không cao hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2015 - 2023 là 0,24%/tháng.” – TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.

Theo đó, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024: Trong kịch bản cao (kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng bình thường, giá nhiên, nguyên, vật liệu ổn định), CPI có thể tăng trung bình 0,24%/tháng. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 2,9%, còn lạm phát trung bình năm 2024 sẽ ở mức 3,5%.

Trong kịch bản thấp (kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong nửa sau của năm 2024 và Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh, giá nhiên, nguyên, vật liệu giảm mạnh như năm 2020), CPI tăng trung bình 0,05%/tháng. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 0,6%, còn lạm phát trung bình sẽ ở mức 2,5%.

Trong kịch bản trung bình (kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nhưng không rơi vào suy thoái, Việt Nam bị ảnh hưởng không nhiều, giá nguyên, nhiên, vật liệu giảm nhẹ), CPI tăng trung bình 0,15%/tháng. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 1,8%, còn lạm phát trung bình sẽ ở mức 3,0%.

Hạ Anh
Bạn đang đọc bài viết "Dự báo 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024" tại chuyên mục Tài chính.