Góc nhìn chuyên gia: Có nên thành lập sàn giao dịch vàng…?

Mai Ngọc

29/01/2024 04:59

Thời gian qua, giá vàng trong nước đã có nhiều biến động. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng. Qua đó, giúp kiểm soát giá vàng, đồng thời giúp loại hàng hoá này lưu thông thông suốt. Bên cạnh đó giúp giá vàng trong nước không còn nhiều chênh lệch với thế giới, giảm tình trạng mua về “cất tủ” của người dân.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt vì từ xưa tới nay. Vàng có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị, chứ không chỉ đơn thuẩn sản xuất ra đồ trang sức. Chính vì thế, có thể nhìn thấy khi thế giới biến động, chiến tranh xảy ra hay kinh tế có chiều hướng suy giảm… thì giá vàng tăng vọt, vì người ta giữ vàng để bảo vệ giá trị đồng tiền. Đặc biệt, tâm lý người Việt Nam thường phòng ngừa rủi ro, lo cho tương lai, có tài sản phòng thân nên hay mua vàng tích trữ.

“Đó là yêu cầu chính đáng mà nếu chúng ta không cho phát triển thị trường vàng miếng, giữ độc quyền chỉ có vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều thì đương nhiên giá tăng, dẫn đến tâm lý lo sợ lại lao đi mua, lại đẩy giá lên. Rõ ràng như vậy, thị trường vàng vật chất của chúng ta phải mở cửa, phải làm sao tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp và không nên độc quyền một sản phẩm để tạo ra cung lớn hơn, rộng rãi, bình đẳng, cạnh tranh. Khi càng cạnh tranh về cung thì càng có lợi cho người mua, giá sẽ ngang bằng, không còn chuyện giá phi lý…”, GS.TS. Hoàng Văn Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, khi có sàn giao dịch vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Về tiện lợi là không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không,… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế và vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.

Như vậy, khi trong giai đoạn nhiều người cần vàng, nhưng vàng nằm trên thị trường, thì lưu thông mua bán được, không phải ngay lập tức mua vàng thế giới về đúc thành miếng rồi bán, vẫn có vàng để bán trên thị trường. Công cụ để điều hòa về mặt cung vàng rất rộng rãi. Đặc biệt, khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời.

Một điểm quan trọng nữa, rất cần liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới. Nếu chúng ta có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.

cac-quy-dinh-mua-ban-vang-mieng-04-cleanup-1706478754.png
Ảnh minh hoạ.

Ông Cường còn cho biết: “Việc lập sàn giao dịch vàng tôi cho rằng là rất cần tính đến. Tất nhiên, vàng là hàng hóa đặc biệt, không phải hàng hóa thông thường nên cần tính tới phương thức quản lý như thế nào. Những năm trước đây có tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức giao dịch sàn vàng quốc tế, rủi ro xảy ra rất nhiều. Giao dịch vàng cần nghiệp vụ rất sâu, không phải ai cũng tham gia được, nếu không cẩn trọng, có thể xảy ra khủng hoảng, thiệt hại cho dân.

Tôi cho rằng, chúng ta cần tính tới mô hình sàn vàng như thế nào, có lẽ không phải mô hình như bán hàng hóa thông thường, ai mua cũng được mà phải đưa vào từng cấp độ, ví dụ, sàn sơ cấp, chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế; còn sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để chúng ta phòng ngừa rủi ro. Rồi khuôn khổ pháp lý như thế nào để kiểm soát, công nghệ thông tin để bảo đảm hàng hóa trên sàn… Đó là những vấn đề chúng ta cần quan tâm để tạo ra khung khổ pháp lý và điều kiện hoạt động để có thể phát triển lành mạnh cả thị trường vàng vật chất và thị trường vàng trên sàn”.

Còn chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt cho biết, Nghị định 24 chủ yếu giải quyết việc quản lý thị trường vàng vật chất, quan trọng nhất là thị trường vàng miếng SJC, thị trường vàng miếng nói chung, trong bối cảnh mới, tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng, tức là cơ quan điều hành phải nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển làm sao cho thị trường vàng phải là bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, gắn bó chặt chẽ với thị trường hàng hóa và theo định hướng nền kinh tế của chúng ta phải là nền kinh tế thị trường và mang tính hội nhập, thị trường vàng cũng phải hội nhập và liên thông với thị trường thế giới, không thể tách rời mà phải làm sao cho thị trường vàng là bộ phận hữu cơ, bộ phận cấu thành rất quan trọng của thị trường tài chính, đóng góp vào nguồn lực và phát triển kinh tế nói chung của đất nước. Và việc sửa đổi Nghị định 24 trong giai đoạn sắp tới, cần cố gắng đưa được nội dung này vào, khi đó phát triển thị trường vàng của chúng ta mới minh bạch, hiệu quả, an toàn và ổn định.

“Theo tôi trong thời gian vừa qua, ở nhiều quốc gia, cũng cần có sự quản lý giám sát của nhà nước với thị trường vàng, tuy nhiên cách thức quản lý giám sát khác nhau. Mỗi nước có điều kiện riêng, bối cảnh riêng để quản lý thị tường vàng phù hợp, nhưng phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo thông lệ quốc tế hiện nay, có nhiều cách huy động nguồn lực của thị trường vàng, như cho phép huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng và để bảo đảm tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng cần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và có thể thông qua các Ngân hàng thương mại (NHTM) để thực hiện. Việc mua bán chứng chỉ chứng nhận vàng phải tuân thủ quy luật chặt chẽ vì vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, là tài sản trú ẩn…”.

Cũng theo ông Đạt, nếu theo dõi sự biến động của giá vàng trong thời gian vừa qua, có thể thấy tính chất trú ẩn của vàng cao, chứ tính chất sinh lợi không cao lắm. Diễn biến giá vàng trong một năm qua cho thấy biến động của giá vàng chỉ khoảng 5-6%, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất và thậm chí thấp hơn nhiều so với mức lãi suất trên thị trường Mỹ hiện nay.

Tính trong 5 năm qua, giá vàng biến động trong khoảng 40-50%, chưa kể đồng USD mất giá. Cho nên việc người dân tích trữ vàng không chỉ đơn thuần là phương tiện đầu tư mà là phương tiện trú ẩn, người ta muốn giữ vàng để đề phòng bất trắc, rủi ro, do vậy một khối lượng vàng rất lớn đang "nằm chết" trong dân. Một số số liệu ước tính lượng vàng dự trữ trong dân hiện nay là 300 tấn, cũng có số liệu 400-500 tấn, đây là số liệu ước chừng nhưng là con số lớn cần huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển KTXH. Nhưng để huy động được nguồn lực này và xây dựng được thị trường vàng trong tương lai, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng.

cac-quy-dinh-mua-ban-vang-mieng-07-cleanup-1706478730.png
Ảnh minh họa.

“Về mặt khuyến nghị, tôi cho rằng, thời gian tới, cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước để cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhưng đồng thời các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ và được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ vào các điều kiện hợp đồng... do sở giao dịch đó ban hành”, ông Đạt cho hay.

Chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt cũng cho rằng, cần thành lập quỹ tín thác (ETF) vàng như công cụ tài chính quốc tế, và chứng chỉ quỹ này cũng có thể mua trên sở giao dịch để khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng.

Nếu quỹ tín thác này có thể tham gia mua bán các sản phẩm phái sinh hiện đại giống các sàn giao dịch trên thế giới thì quỹ tín thác bằng vàng sẽ có vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực đối với cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ, cơ quan quản lý và khi giá vàng xảy ra hiện tượng sút giá, góp phần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Mai Ngọc