Hòa Phát rơi khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán

Nguyễn Hùng

27/07/2022 10:03

Việc giá cổ phiếu HPG giảm giá cực mạnh thời gian qua đã khiến cho Hòa Phát rời khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.

ty-phu-tran-dinh-long-1658890933.jpg
tỷ phú Trần Đình Long

Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, 26/7, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát do tỷ phú Trần Đình Long làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã tiếp tục có 1 phiên nối dài giảm điểm.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, HPG giảm 1,14% tương đương 250 đồng/cổ phiếu xuống còn mức 21.650 đồng mỗi cổ phiếu. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp cổ phiếu này giảm, là phiên thứ 11 trong tháng HPG giảm giá. So với hồi đầu năm, HPG đã mất gần 40% giá trị.

9 tháng trước, Hòa Phát còn ở đỉnh cao và là doanh nghiệp giá trị lớn thứ 4 sàn chứng khoán chỉ sau Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM). Tuy nhiên, sau một thời gian dài sụt giảm mạnh, so với đỉnh, vốn hóa của Hòa Phát đã mất đi gần 128.000 tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD), "bay màu" top 10 doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán Việt. Dù không còn trong top 10 vốn hóa nhưng Hòa Phát vẫn dẫn đầu 3 sàn về vốn điều lệ với hơn 58.000 tỷ đồng.

cophieu-hpg-1658890897.jpg
Biến động giá cổ phiếu HPG. Nguồn: Cafef

Cổ phiếu của Hòa Phát giảm do có nhiều yếu tố khách quan tác động đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tác động lên giá thép. Chỉ trong 10 tuần gần nhất, thép trong nước đã mất giá đến 10 lần. Lần gần đây nhất, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,69 triệu đồng/tấn và 16,39 triệu đồng/tấn. Tại thị trường thế giới, giá HRC cũng giảm gần 40% trong 4 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn.

Về kết quả kinh doanh, quý 2/2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 37.714 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.023 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, qua đó hoàn thành 46% kế hoạch năm.

 

hoaphat-1658890897.jpg
Nguồn: Báo cáo thường niên 2021 Tập đoàn Hòa Phát

Đây là điều mà ông Trần Đình Long đã dự báo được trước đó. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Hòa Phát diễn ra hồi tháng 5, ông Long từng chia sẻ: "Chúng ta chỉ là tế bào trong nền kinh tế, mọi người đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và quý IV, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi.

Tất nhiên trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào Hoà Phát sẽ cố gắng làm tốt nhất. Trong bất cứ khó khăn nào thì Hoà Phát cũng phải là công ty tốt nhất trong ngành thép, nhưng đề nghị cổ đông rất thông cảm. Trong nền kinh tế chung này, mình không thể khác được".

Tuy nhiên, để trấn an cổ đông, ông Long cũng khẳng định: Đầu tư cổ phiếu Hòa Phát đường dài không thể lỗ. "Đầu tư kinh doanh cổ phiếu Hoà Phát phải nhìn xa ra, nhìn gần "sáng gieo chiều gặt" thì khó lắm, đầu tư dài theo năm, theo chiều sâu. Các nhà đầu tư có thể đầu tư ngắn hạn các cổ phiếu mà sáng mua hôm sau có lời luôn, còn lại dành một phần danh mục đầu tư giá trị vào cổ phiếu Hoà Phát, cũng không nên dành qúa nhiều vào Hoà Phát không lại thất vọng.

Lúc nãy có cổ đông nói rằng "rất buồn vì mua cổ phiếu bị lỗ" nhưng tôi nói rằng trên một chặng đường dài đầu tư cổ phiếu Hoà Phát không thể lỗ được. Thực tế chứng minh những người theo lâu dài với Hoà Phát không lỗ, thậm chí còn lời và lời rất nhiều", tỷ phú Trần Đình Long nhấn mạnh.